Lại bàn về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

18/08/2014 09:40

(Baonghean) - Lại bàn vì đã nói, đã viết quá nhiều về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (viết tắt là quan hệ Việt - Trung). Tính trung bình từ năm 1979 đến nay, mỗi ngày có một bài viết của quan chức, học giả, nhà báo Việt Nam và thế giới về quan hệ Việt - Trung. Như vậy, cũng đã có hơn một chục ngàn bài viết trực tiếp, gián tiếp luận chứng về quan hệ Việt - Trung. Đây là một chủ đề cực lớn, lớn như nước Biển Đông không bao giờ cạn và thỏa sức cho những ai có ham muốn thăm dò, khám phá, phát hiện.

1. Ba trong một

Khi nói về quan hệ Việt - Trung, lãnh đạo và một số học giả Việt Nam và Trung Quốc thường khẳng định: 1. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng của nhau; 2. Việt Nam và Trung Quốc đều do đảng cộng sản lãnh đạo và phát triển theo định hướng XHCN.

Tôi cho rằng quan niệm như vậy chỉ đúng một phần: Việt Nam, Trung Quốc là hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” và biển liền biển. Đó là phần đúng. Nếu cho rằng đảng cầm quyền ở Trung Quốc là đảng cộng sản, cho dù 93 năm nay (kể từ năm 1921) họ vẫn tự nhận như vậy, và Trung Quốc phát triển theo định hướng XHCN là ngộ nhận, là ấu trĩ về mặt chính trị, thậm chí đó là một sai lầm về nguyên tắc, về đường lối (vấn đề này sẽ được lý giải ở mục 3).

Ngoài quan hệ láng giềng, Việt Nam và Trung Quốc còn hai mối quan hệ nữa: 1. Quan hệ giữa nước nhỏ (Việt Nam) và nước lớn (Trung Quốc) và 2. Các ân oán trong lịch sử 2.500 năm qua.

Đã hơn 5.000 năm nay (từ khi loài người có chữ viết, mọi nước lớn đều có ý đồ và hành động chèn ép, khuất phục nước nhỏ, buộc nước nhỏ, trước hết là các nước nhỏ láng giềng, phải lệ thuộc, phụ thuộc họ (trở thành chư hầu). Các nước lớn chỉ khác nhau trong việc sử dụng phương thức, thủ đoạn khuất phục nước nhỏ láng giềng.

Hơn 4.000 năm lịch sử, trong các nước lớn đã và đang tồn tại, đế chế Trung Hoa trước đây và Trung Quốc hiện nay thường sử dụng mọi thủ đoạn tàn bạo nhất để chinh phục các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam. Do đó, ứng xử thế nào với Trung Quốc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và là vấn đề khó nhất trong toàn bộ chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay và muôn đời sau.

Trong hơn 2.500 năm qua, theo Đại sứ Chu Công Phùng, đã có 21 lần Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Trong đó, nhà Ân 1 lần, nhà Tần 1 lần, nhà Hán 4 lần, nhà Lương 3 lần, nhà Tống 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh 1 lần, nhà Thanh 1 lần, CHND Trung Hoa trong 64 năm (1949 - 2014) đã 4 lần xâm lược Việt Nam bằng thực binh, vũ khí nóng vào các năm 1956, 1974, 1988, 1979 và 1 lần xâm lược Việt Nam về mặt pháp lý: Ngày 21/6/2012 Trung Quốc thành lập Thành phố Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam) bao chiếm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (1).

Tính chung, dưới thời phong kiến, trung bình khoảng 150 năm một lần, đế chế Trung Hoa xâm lược Việt Nam. Từ khi các “đồng chí cộng sản” cầm quyền ở Bắc Kinh (1949), cứ 13 năm một lần Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Xem ra, gần 3.000 năm dưới chế độ phong kiến, dân tộc Việt Nam được sống tương đối yên ổn bên cạnh đế chế Trung Hoa. Còn dưới thời “các đồng chí cộng sản” cầm quyền ở Bắc Kinh, dân tộc Việt Nam luôn sống trong trạng thái lo âu, thấp thỏm, căng thẳng đối phó với các cuộc xâm lược và hành động gây hấn của người “đồng chí tốt” phương Bắc!

Như vậy, Việt - Trung là hợp lưu của 3 mối quan hệ: 1. Láng giềng; 2. Nước nhỏ - nước lớn; 3. Các ân oán trong lịch sử. Điều đó làm cho quan hệ Việt - Trung trở thành quan hệ quốc tế phức tạp nhất trong thế giới đương đại.

2. Trung Quốc nói và làm

Ở đây dùng danh từ “Trung Quốc” là không chính xác. Đảng Cộng sản Trung Quốc? Nhà nước Trung Quốc? Nhân dân Trung Quốc? Giới lãnh đạo Trung Quốc? Nếu nói là giới lãnh đạo Trung Quốc” cũng không chính xác. Lãnh đạo Trung Quốc rất đông, có đến hàng trăm người, nhưng hầu như mọi quyền lực quốc gia chỉ do một người nắm giữ, định đoạt: Từ năm 1949 - 1976 là Mao Trạch Đông, năm 1978 - 1992 là Đặng Tiểu Bình; năm 1992 - 2002 là Giang Trạch Dân, năm 2002 - 2012 là Hồ Cẩm Đào và từ năm 2013 (có thể đến 2022) là Tập Cận Bình. Để tiết kiệm thời gian và giấy, mực, thay vì nói những người nắm quyền hành cao nhất ở Trung Quốc, xin được viết gọn là Trung Quốc (Trung Quốc nói và làm).

2.1. Họ đã và đang nói gì?

Những người nắm quyền lực ở Trung Nam Hải, từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình và những người kế tục như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình (có lẽ cả các thế hệ lãnh đạo thứ 6,7…n sau này) thường phô diễn “bộ mặt cười” và rao giảng những điều tốt đẹp làm xiêu lòng những người “nhẹ dạ cả tin”, kể cả giới lãnh đạo, chính khách nhiều nước. Họ luôn nói: Trung Quốc phát triển hòa bình; Trung Quốc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, nhất là các nước láng giềng; Trung Quốc tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương Liên Hợp Quốc, Năm Nguyên tắc chung sống hòa bình và các định chế, pháp luật quốc tế; Trung Quốc không đe dọa dùng vũ lực và không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, bất đồng và không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước thông qua thương lượng, đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và khi chưa giải quyết được thì Trung Quốc sẽ không có hành động gây hấn, làm phức tạp, gây căng thẳng với các bên tranh chấp… Giới cầm quyền Bắc Kinh luôn giành “thủ khoa” trong việc sử dụng các mỹ từ trong giao tiếp quốc tế.

Bộ máy truyền thông khổng lồ của Trung Quốc (hàng ngàn tờ báo viết, hàng trăm đài phát thanh, truyền hình, hệ thống mạng, báo điện tử…) đã và đang quảng bá rộng rãi (cả trong và ngoài nước) tư tưởng phát triển hòa bình “đẹp đẽ” như hoa hồng, “ngọt ngào” như mật ong, êm nhẹ như bước chân thỏ rừng! Các chính khách, quan chức, học giả Trung Quốc tận dụng mọi diễn đàn song phương, đa phương, quốc tế để đăng đàn thao thao bất tuyệt tư tưởng hòa bình, hữu nghị, thân thiện của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Đó là tuyên bố hùng hồn, là cam kết chắc như “đinh đóng cột”, là hứa hẹn của những người nắm quyền lực ở Bắc Kinh trong 65 năm qua (kể từ năm 1949).

2.2. Và họ đã làm như thế nào?

- 1956, Trung Quốc dùng lực lượng lớn hải quân đánh chiếm một số đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa - Sài Gòn - quản lý).

- 19/1/1974, Trung Quốc huy động hàng chục tàu chiến đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa - Sài Gòn - quản lý), 74 binh sỹ Việt Nam Cộng hòa đã anh dũng hy sinh.

- 17/2/1979, Trung Quốc huy động 9 quân đoàn chia làm hai cánh vượt biên giới sang xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Cánh quân phía Quảng Tây do Hứa Thế Hữu chỉ huy, gồm các Quân đoàn số 41, 42, 43, 54 và 55 (thiếu Sư đoàn 149); Cánh Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy, gồm các Quân đoàn số 11, 13, 14, Sư đoàn 149 và lực lượng biên phòng, dân binh, với tổng số quân gần 600 ngàn.

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979.  Ảnh internet
Bộ đội Việt Nam tại Lạng Sơn năm 1979.- Ảnh internet

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (từ 17/2/1979 đến 16/3/1979), Trung Quốc đã sử dụng 1,06 triệu quả đạn pháo; 23,8 nghìn tấn đạn; 55 triệu viên đạn nhọn và giết hại hàng chục ngàn người Việt Nam vô tội (2).

- Ngày 14/3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng lớn hải quân đánh chiếm 6 đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa (cuối 1988, Trung Quốc đánh chiếm thêm 1 đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa). Trong cuộc chiến (không cân sức) bảo vệ Trường Sa, 64 sỹ quan, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh (2 tàu chiến của Việt Nam bị chìm). Ngày 15/3/1988, Trung Quốc đã ngăn cản, không cho phép tàu Chữ thập đỏ của Liên Xô đến nơi xảy ra chiến sự để cứu trợ người bị thương và vớt xác tử sỹ (Trung Quốc độc ác hơn cả Pháp và Mỹ trong các cuộc chiến 1945 – 1954 và 1955 - 1975).

Đã hàng trăm lần, tàu Trung Quốc đâm va vào tàu cá Việt Nam, hàng chục lần giết hại một cách dã man hàng chục ngư dân Việt Nam khi ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

- Ngày 21/6/2012, Trung Quốc thành lập Thành phố Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam) bao chiếm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là cuộc xâm lăng về pháp lý cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc đối với Việt Nam.

- Từ 1/5/2014 đến 15/7/2014, Trung Quốc đồng thời thực hiện 3 hành động: 1. Kéo giàn khoan HD - 981 vào thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với hành động này, Trung Quốc đã trắng trợn vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS - 1982), vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông DOC 2002, vi phạm 3 tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam 2011, 6/2013 và 10/2013, trong 3 tuyên bố chung này, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cam kết hợp tác với Việt Nam giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, và khi chưa giải quyết, không làm gì phức tạp hơn, không thay đổi hiện trạng…). 2. Đe dọa dùng vũ lực và trực tiếp dùng vũ lực: Đã hàng trăm lần tàu Trung Quốc đâm vào tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân Việt Nam làm hàng chục tàu hư hỏng (có tàu chìm) và hàng chục người Việt Nam bị thương. Việc đe dọa dùng vũ lực và trực tiếp sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã vi phạm thô bạo Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp quốc và bị cộng đồng quốc tế lên án. 3. Hành động thứ 3 là lừa dối, vu cáo, đổi trắng thay đen. Cuối tháng 6/2014, Trung Quốc gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc một văn bản và yêu cầu lưu truyền trong 193 thành viên, trong đó tố cáo Việt Nam đã có 1.547 lần tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc! Tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York, hàng chục phóng viên báo chí và quan chức các nước đề nghị đoàn Trung Quốc cho xem hình ảnh tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cúi mặt xuống lẩn tránh!

Trên hành tinh này, có ai dám liều lĩnh lừa dối hơn 8 tỷ người và thách thức sự phản đối của cộng đồng quốc tế như Trung Quốc?

Khi đặt những điều nhà cầm quyền Trung Quốc đã nói (mục 2.1 ở trên) bên cạnh những hành động họ đã làm (mục 2.2), mặc dù chưa thống kê đầy đủ mọi việc làm sai trái của Trung Quốc, bất cứ người nào, không cần có trình độ cao mà chỉ cần có lòng trung thực và tự trọng, cũng có ngay nhận xét: Những người cầm quyền Trung Quốc luôn luôn “nói một đằng làm một nẻo”. Vấn đề này thuộc bản chất cố hữu của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Chỉ khi nào chúng ta bác bỏ nguyên lý cơ bản: Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý và thừa nhận lời nói là tiêu chuẩn của chân lý, khi đó mới tin những điều mà lãnh đạo Trung Quốc nói!

(Còn nữa)

Thiếu tướng Lê Văn Cương

(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Khoa học - Bộ Công an)

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1. Ts Đinh Hoàng Thắng: “Giải pháp “PR DOWN” - Hậu giàn khoan.

2. Luật sư Hiền Lương: “Nghìn năm gương cũ còn soi” - Tạp chí “Người Cao tuổi” số 6 (70) tháng 7.2014.

Mới nhất

x
Lại bàn về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO