Lại bàn về văn hóa đọc

21/04/2011 10:42

(Baonghean) - Không ai phủ nhận vai trò to lớn của sách và lợi ích của việc đọc sách. Các bậc thức giả trong xã hội cũng đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng ít đọc của công chúng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Việc tạo dựng một thói quen đọc sách, hình thành “văn hóa đọc” đang dần trở thành một cuộc vận động đòi hỏi mọi ngành, mọi cấp, mọi lứa tuổi thức tỉnh và tham gia.

“Giới trẻ ngày nay rất ít đọc sách. Họ không còn mê đọc sách. Thật khó mà tìm ra trong họ những “con mọt sách”. Nhiều nhà nghiên cứu, các thầy giáo và cả lớp người đi trước thường than phiền như vậy khi bàn về “văn hóa đọc” trong giới trẻ hiện nay.

Đã không ít lần khán giả, độc giả phải chứng kiến trên truyền hình hay trên báo chí đăng tải các bài thi rất ngô nghê của sinh viên, học sinh khi trả lời những câu hỏi về văn hóa, địa lý, lịch sử… hay những kiến thức căn bản, kiến thức hàng ngày. Vì sao vậy? Câu trả lời đơn giản là do quá lười đọc sách. Ngoài việc học ở trường, những kiến thức xã hội nói trên có thể tìm thấy từ sách vở.

Lớp người đi trước ở thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” lại càng buồn hơn, sốt ruột hơn khi quan sát con mình, con bạn mình và lớp trẻ ngoài xã hội hiện nay khi thấy chúng ngày càng ít đọc sách, quay lưng lại với sách. Đã một thời cuốn truyện trở thành quà tặng lúc chia xa, là người bạn tâm tình, luôn cuốn hút, làm đam mê lớp trẻ. Nếu ở lớp người đi trước, sách là kho kiến thức, là cẩm nang cuộc sống, là phương tiện giải trí, là người bạn gần gũi... thì giờ đây con người ngày càng thiếu thời gian cho việc đọc sách. “Không có thời gian” - nhiều bạn trẻ đã trả lời như vậy khi được hỏi nguyên nhân vì sao ít đọc sách (!)


Ảnh minh họa - Nguồn: SGGP

Phải công nhận rằng, cuộc sống ngày nay như một cỗ máy khổng lồ không ngừng tăng tốc. Con người thiếu thời gian không chỉ để đọc sách mà còn thiếu thời gian để ăn, ngủ, để yêu, thậm chí rất thiếu một khoảng lặng trong tâm hồn. Ngoài bộn bề công việc, xu hướng thực dụng đã khiến nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ dành quá nhiều cho những việc giải trí khác, những cuộc nhậu hoặc đi chơi quá mức giải trí cần thiết sau những giờ lên lớp hoặc sau giờ rời công sở.

Giờ đây cuộc sống vật chất đã được nâng cao, phương tiện giải trí nhiều hơn, hấp dẫn hơn, cung cấp cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi bất cứ lúc nào, đó là phim ảnh, vũ trường, truyền hình, du lịch, internet… Mỗi khi cần kiến thức ở một lĩnh vực nào đó, họ chỉ cần gõ vào Google.com (dịch vụ trên mạng internet), gõ seach (tìm kiếm) và enter (thực hiện).

Trong khi những phương tiện truyền thông hiện đại, hấp dẫn đang giành giật thời gian của giới trẻ thì sách (với quan niệm truyền thống là sách in) trên thị trường lại tỏ ra yếu thế cả về phương diện “chất lượng sản phẩm” lẫn “hiệu quả quảng bá”. Trái với sách trước kia in ra ít nhưng mọi người coi đây là công việc cao cấp, có đầu tư đúng mức về trí tuệ, tác giả và nhà xuất bản đều có trình độ đáng tin cậy. Còn bây giờ, phải thừa nhận là sách rất phong phú nhưng hình như ai cũng viết được.

Bên cạnh đó, việc quảng bá, tiếp thị, khuyến khích, hướng giới trẻ tìm đến với sách lại càng thiếu. Một vài nhà xuất bản đã chú trọng đến maketing nhưng nhìn chung vẫn chưa chuyên nghiệp. “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi” thật sự cuốn hút giới trẻ, con số phát hành đạt kỷ lục. Ngoài sự hấp dẫn về nội dung phải kể đến tác động của tuyên truyền, giới thiệu sách, “thức tỉnh” ham muốn đọc sách của đông đảo công chúng bạn đọc, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Đó chẳng phải là minh chứng thành công của công tác tiếp thị, quảng bá trong môi trường văn hóa hiện nay? Có sách hay nhưng vẫn rất cần một chiến lược quảng bá, maketing thật tốt và chuyên nghiệp. Việc maketing sách hay không những chỉ làm thường xuyên mà còn phải phù hợp với tâm lý và lứa tuổi. Như thế, những người làm sách, phát hành sách phải cải tiến cách làm. Họ cần phải hiểu tâm lý của lớp trẻ và những điều các em thiếu, các em cần. Mặt khác, so với thu nhập của người dân, đặc biệt với tầng lớp luôn bị “viêm màng túi” như sinh viên, học sinh, giá bán sách hiện nay vẫn còn quá cao. Nhiều bậc phụ huynh, nhiều bạn trẻ phải tần ngần đứng trước quầy sách đồ sộ, “nhấc lên đặt xuống” cuốn sách mà họ ưng ý vì họ phải nhẩm tính túi tiền lép kẹp của mình trong khi có hàng trăm thứ nhu cầu cần thiết khác cũng đang thúc dục.

Việc tạo dựng một thói quen đọc sách, hình thành “văn hóa đọc” đang dần trở thành một cuộc vận động đòi hỏi mọi ngành, mọi cấp, mọi lứa tuổi thức tỉnh và tham gia. Nhiều người cho rằng, ngoài trách nhiệm của gia đình trong việc khuyến khích, xây dựng niềm say mê sách cho con em ngay từ tuổi ấu thơ thì nhà trường không những tiếp tục tạo lập niềm say mê cho học sinh mà còn phải nhanh chóng thay đổi phương pháp dạy học, làm cho học sinh, sinh viên ngoài tiếp thu bài giảng trên lớp còn tự tổ chức các seminar, thảo luận nhóm, thuyết trình chuyên đề… nhằm đào sâu, mở rộng nội dung bài học và tạo cho họ có thói quen tìm hiểu, tra cứu thu thập thông tin tư liệu qua sách vở và các phương tiện khác chứ không thể chỉ nghe thấy, đọc, rồi chép như hiện nay. Muốn vậy, phải đầu tư, củng cố, mở rộng hệ thống thư viện nhà trường đủ sức thu hút các em đến với sách vở, báo chí…

Với sự đồng tâm, nỗ lực của toàn xã hội, chúng ta hy vọng rằng, sách sẽ dần trở lại đúng vị trí của nó trong đời sống văn hóa tinh thần. “Văn hóa đọc” sẽ hồi sinh, bởi đó là “một phần tất yếu của cuộc sống” để xây dựng thành công một nền kinh tế tri thức tương lai.


Lan Oanh

Mới nhất
x
Lại bàn về văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO