Lại bàn về y đức
Thông tin đầu năm của Sở Y tế cho biết, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân đang tăng cao cả về số lần và yêu cầu cao về chất lượng, trong khi khả năng đáp ứng của ngành có tăng nhưng chưa tương xứng, nhiều chỉ tiêu còn thấp hơn bình quân chung cả nước. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh nhà thực tếđang nhiều khó khăn, và đây là một thực tế buộc phải chấp nhận vì chưa thể có được điều kiện mới và giải pháp hay khắc phục tốt. Vậy ai phải chấp nhận? Không riêng ngành Y tế mà toàn xã hội phải chấp nhận.
Nhưng, "mổ xẻ" ra có một vấn đề bức bách khó chấp nhận (cũng theo báo cáo của ngành Y tế), đó là Y đức của cán bộ y tế. Cán bộ y tế là ai? Đó chủ yếu là con em tỉnh nhà được đào tạo nay trở về phục vụ cho quê hương, thực hiện một công việc cao cả là chăm sóc sức khỏe cho chính người thân, anh em bà con mình.
Như thế thì rèn dũa, thể hiện Y đức phải là nhu cầu tự thần của cán bộ y tế mới đúng! Chúng tôi đồng ý với quan điểm: Y đức là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của những người hành nghề Y, được thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, coi sựđau đớn của người bệnh như của mình.
Lời Bác Hồđã dạy "Lương y như từ mẫu". Y đức không ởđâu xa, đó trước hết là thái độ giao tiếp, cung cách phục vụ hàng ngày, hàng giờở các cơ sở y tế - cái mà người bệnh rất cần. Rất cần hơn nữa ở ta, vốn người xứ Nghệ trọng đạo lý, nghĩa tình.
Xin dẫn thêm thông tin: Gần đây, khi rất nhiều bệnh viện tư mở ra, họ không hơn bệnh viện công về chuyên môn nhưng chu đáo trong đón tiếp bệnh nhân. Chính điều đó đã "kéo" một lượng lớn người bệnh đến với bệnh viện tư, dù giá cả bệnh viện tư có thể cao hơn. Một số nơi (Bệnh viện da liễu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Gia Định, Bệnh viện Nhi TƯ 1...) đã triển khai những chương trình, mời các chuyên viên đến huấn luyện y, bác sĩ về cách giao tiếp, thái độ phục vụ người bệnh...
Đảng ta đã đề ra hẳn một chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân; từ năm 2005 Bộ Chính trị cũng đã có riêng một Nghị quyết về nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xét về mục tiêu xã hội hóa Y tế, thì chăm sóc sức khỏe nhân dân chính là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội. Những khó khăn chung mà ngành Y tế tỉnh nhà nêu trên sẽ là việc của toàn xã hội phải lo; nhưng riêng vấn đề Y đức cán bộ y tế thì dứt khoát và trước hết ngành Y tế phải lo.
Có điều, trong 10 giải pháp hoạt động đề ra của Sở Y tế, lại chưa có giải pháp nào cho vấn đề bức bách: Y đức!
Đình Sâm