Lại nóng câu chuyện “đường bay vàng” Hà Nội - TP. HCM

14/02/2012 11:16

Hôm 13/2, câu chuyện về ý tưởng đường bay thẳng Hà Nội – TP. HCM (đường bay vàng) tiếp tục được hâm nóng, sau ít năm bị lãng quên. Và lần này cũng giống lần trước, nó thêm một lần bị các nhà chuyên môn phản bác.

Vừa đưa ra đã bị bác


Tại hội thảo “Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho Hàng không quốc gia Việt Nam theo phương pháp Trần Đình Bá”, do Bộ Giao thông vận tải tổ chức, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Lại Xuân Thanh cho rằng: “Bay thẳng theo phương pháp của Tiến sĩ Trần Đình Bá đã lấy một phần nghiên cứu khoa học của ông Mai Trọng Tuấn từ những năm 1980, là sự lặp lại đường bay từ hồ Gươm (Hà Nội) đến hồ Con Rùa (TP. HCM)”.

“Đề xuất này là hiệu quả kinh tế về mặt thời gian với hàng không, đường thẳng bao giờ cũng là đường ngắn nhất. Nhưng thực tế không đi được như thế, vì còn nhiều vấn đề chi phối”, ông Thanh nói thêm.

Theo Cục Hàng không, số liệu đầu vào của TS. Trần Đình Bá không chính xác. Kết quả tính toán đường bay vòng Hà Nội - TP.HCM hiện tại theo TS. Bá là 1.556 km, nhưng hiện nay đường bay này của Vietnam Airlines (VNA) thực tế chỉ có chiều dài 1.274km.

“VNA từng xây dựng một phương án đường bay thẳng tương tự như trong dự án của TS. Bá, nhưng về hiệu quả kinh tế lại cho kết quả âm, dù phương án đấy chưa tính đến các yếu tố về an ninh, quốc phòng, quản lý bay… Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp… cũng không có đường bay thẳng”, vị đại diện này cho biết thêm.

Đường bay thẳng Hà Nội - TP. HCM vừa được TS. Trần Đình Bá đề xuất gần giống với "đường bay vàng" được cựu phi công Mai Trọng Tuấn đề xuất năm 2009.

Còn đại diện VNA cho rằng, Đề án của TS. Trần Đình Bá chưa đầy đủ thông tin về an toàn hàng không, nên phía VNA chưa có ý kiến về tính hiệu quả của nó.

Trong khi đó, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân cho rằng: “Nếu bay qua Lào và Campuchia đường bay nội địa hiện tại sẽ thành đường bay quốc tế, phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có đảm bảo quản lý an toàn bay. Không đơn thuần là phải trả tiền không phận cho Lào, Campuchia, còn vấn đề tìm kiếm cứu nạn xảy ra khi có sự cố xảy ra”.

Theo Thiếu tướng Tuấn, không thể chỉ coi trọng yếu tố kinh tế mà quên an ninh, nhiều vùng cấm bay như Hà Nội, các vùng quân sự… không thể bay qua được.

Ông Nguyễn Đình Công, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý hoạt động bay cũng cho rằng, với đường bay thẳng của TS. Bá, điểm giao cắt xuất hiện nhiều, cường độ của kiểm soát viên không lưu tăng lên. Đề xuất này cũng chưa có nhiều khả thi. Thời điểm này chưa áp dụng được, thời điểm thích hợp sẽ nghiên cứu lại.

Giống đường bay từng bị Thủ tướng bác

Đề xuất của TS. Trần Đình Bá cũng có nhiều điểm giống với “đường bay vàng” của cựu phi công Mai Trọng Tuấn trước đây. Theo TS. Bá, dự án này sẽ mở ra một mô hình kinh doanh vận tải có lợi bằng biện pháp đổi mới đường bay, đánh đổi có lợi khi bỏ ra chi phí 5% lệ phí quá cảnh cho Lào và Campuchia để lấy về 20% chi phí hiệu quả.

TS. Trần Đình Bá cho rằng, với đường bay thẳng này hàng năm VNA sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn USD.

Theo đó, chỉ cần đầu tư 3 triệu USD một lần, hằng năm VNA tiết kiệm 65.000 tấn nhiên liệu, 12.000 giờ bay, hưởng lợi trên 120 triệu USD và tăng năng lực vận tải lên 18 - 20 triệu hành khách/năm. Hai nước Lào, Campuchia hưởng lợi 25 triệu USD.

TS. Bá cho rằng, hiện tại 5 đường bay chủ lực quan trọng có tần suất cao nhất cũng là những đường bay có hiệu quả kinh tế thấp nhất chỉ trên 70%. Cụ thể, đường bay Hà Nội - TP.HCM tần suất 59 chuyến/ngày, hiệu quả chỉ 73,2%; đường bay TP.HCM - Đà Nẵng tần suất 30 chuyến/ngày, hiệu quả 76,9%... Tính chung, hiệu quả kinh tế hàng không nội địa hiện tại là càng bay càng lỗ do bay vòng lãng phí.

Theo tính toán của TS. Bá, các đường bay vòng tại Việt Nam đã gây lãng phí bình quân 24,4%, vượt quá 10% lãi ròng, lỗ ròng là 14,4%.

Trong khi, tỉ lệ chi phí quá cảnh qua bầu trời Lào và Campuchia chỉ là 4,5% - 5%, với máy bay A320 mỗi chuyến phải trả 622 USD lệ phí quá cảnh, so với chi phí chuyến bay chỉ chiếm 4,9%, có lợi khoảng 21,8%.

“Đường bay vòng từ Hà Nội - TP.HCM do phải qua nhiều điểm nên chiều dài lên tới 1.556 km (đường bay thẳng qua hai điểm là 1.140 km), quãng đường lãng phí là 416km, hiệu quả kinh tế 73,2%, lãng phí kinh tế 26,8%. Nếu bay đường cũ, máy bay A320 mỗi chuyến lãng phí 1.229 kg nhiên liệu, thời gian bay 26,7 phút; máy bay Boeing 777 lãng phí 2.698 kg nhiên liệu, thời gian lãng phí 25,8 phút”, TS. Bá tính toán.

Mỗi ngày, các hãng hàng không đang lãng phí 115 tấn nhiên liệu và 25 giờ bay, tính ra mỗi năm lãng phí 87 triệu USD. Trong khi đó, theo TS. Bá, nếu bay đường bay thẳng (1.140 km), mỗi ngày ngành hàng không tiết kiệm được khoảng 284.000 USD, tương đương 103 triệu USD/năm.

Đại tá Hoàng Thế Quang, Trưởng phòng Quân chủng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu cho rằng: “Năm 2009, cựu phi công Mai Trọng Tuấn đã đề xuất “đường bay vàng”, đã có báo cáo kết luận gửi lên Thủ tướng. Thủ tướng sau đó có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng không xem xét đề xuất này. Đề án của TS. Bá lần này gần giống “đường bay vàng” năm đó”.

“Việc thiết lập đường bay thẳng qua không phận các nước còn phải tính tới vai trò của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO - PV), dịch chuyển một quốc gia ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Việc mất tới mười mấy năm điều chỉnh mới dịch chuyển được một số đường bay trên biển Đông là một minh chứng”, Đại tá Quang chia sẻ.

Vì vậy, theo Đại tá Quang, phải chứng minh cơ sở pháp lý và khoa học các đề xuất của TS. Bá, cũng như phải có hội đồng khoa học đánh giá công thức toán học mà ông Bá đưa ra. Nếu khả thi thì tôi hoàn toàn ủng hộ.

Ý tưởng mở đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM đã được các Cục Hàng không Việt Nam, Lào, Campuchia nghiên cứu, có tính đến nhiều khía cạnh liên quan từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Vì nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là lý do về kỹ thuật) nên ý tưởng này đã không trở thành hiện thực.

Năm 2008, ý kiến mở đường hàng không thẳng Hà Nội – TP. HCM qua lãnh thổ Lào và Campuchia cũng đã được đưa ra thảo luận nhưng chưa thực hiện được. Việc mở đường bay bằng cách nối điểm đến điểm không phải là ý tưởng mới.

Đến tháng 3/2009, cựu phi công Mai Trọng Tuấn tiếp tục đề xuất “đường bay vàng” theo kinh tuyến 106 độ Đông. Sau đây một vài hội thảo cũng đã được tổ chức, nhưng không đưa ra được các cứ liệu khoa học chính xác để chứng minh tính hiệu quả của đường bay này.

Vì vậy, ngày 9/12/2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, về việc chấm dứt nghiên cứu đề xuất đường bay thẳng Hà Nội – TP. HCM, dọc theo kinh tuyến 106 độ Đông.

Theo Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO), việc bay theo đường thẳng thường không thực hiện được vì nhiều nhu cầu mâu thuẫn nhau, ảnh hưởng đến việc sử dụng, khai thác vùng trời do nhiều bên tham gia, và cần phải tính đến yếu tố môi trường và an ninh nên thường là không thể bay theo đường thẳng nhất.Xét về góc độ hiệu quả khai thác tàu bay, việc hình thành các đường hàng không nên được xem xét trên bình diện tổng thể, hợp lý cho tất cả các hoạt động bay từ nhiều điểm khởi hành kết nối với nhiều điểm đến khác nhau, tạo thành một mạng lưới đường hàng không thống nhất, hài hòa cho các giai đoạn của chuyến bay. Chứ không thể chỉ xem xét riêng cho một hoặc một vài tuyến bay đơn lẻ.


Theo: VTC

Mới nhất
x
Lại nóng câu chuyện “đường bay vàng” Hà Nội - TP. HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO