Lãi suất cho vay giảm: Tiếp sức cho doanh nghiệp

28/02/2012 17:30

(Baonghean) - Chỉ trong vòng thời gian 1 tuần, sau khối quốc doanh của hệ thống ngân hàng (NH) gồm BIDV, Agribank, Vietinbank và Vietcombank đồng loạt tuyên bố giảm lãi suất (LS) cho vay từ 1-2%/năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần VIB cũng vừa triển khai kế hoạch giảm lãi suất cùng gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay vốn. Động thái này của các ngân hàng đang được kỳ vọng sẽ kéo mặt bằng lãi suất giảm thực sự.

(Baonghean) - Chỉ trong vòng thời gian 1 tuần, sau khối quốc doanh của hệ thống ngân hàng (NH) gồm BIDV, Agribank, Vietinbank và Vietcombank đồng loạt tuyên bố giảm lãi suất (LS) cho vay từ 1-2%/năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần VIB cũng vừa triển khai kế hoạch giảm lãi suất cùng gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay vốn. Động thái này của các ngân hàng đang được kỳ vọng sẽ kéo mặt bằng lãi suất giảm thực sự.

Sau "phát súng" hạ lãi suất của BIDV, Vietinbank và Vietcombank, Agribank tuyên bố hạ lãi suất cho vay. Theo Agribank chi nhánh Nghệ An, kể từ ngày 22/2, tại các chi nhánh và phòng giao dịch của NH, lãi suất cho vay bằng VNĐ được hạ bình quân từ 1-1,5%/năm cho mọi đối tượng khách hàng. Cụ thể, LS cho vay ngắn hạn sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đối với hộ sản xuất thấp nhất là 15,5%/năm; sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm thấp nhất là 14,5%/năm; cho vay các ngành nghề sản xuất khác 17%/năm.

Trước đó, Vietcombank áp mức lãi suất cho vay tối thiểu chỉ còn 14,5%/năm đối với khách hàng xuất khẩu thanh toán qua Vietcombank. LS cho vay các đối tượng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; vốn lưu động cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; sản xuất, xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn là 15%/năm. Tại BIDV và Vietinbank, LS cũng có mức giảm tương tự, từ 1-2%/năm, dòng vốn được hướng vào lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, DN vừa và nhỏ.


Bà Nguyễn Thị Thu Thu - PGĐ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho hay: Hơn 1 năm qua, với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, NHNN thắt lại cung tiền, hạ mức tăng trưởng tín dụng. Chính sách này giúp cho lạm phát kể từ tháng 9/2011 bắt đầu hạ nhiệt, chỉ số CPI từ đó liên tục giảm.

Thế nhưng, kéo theo đó là thanh khoản hệ thống NH bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng, một số NH khó khăn nguồn vốn đã đẩy cuộc đua LS huy động lên rất cao, dẫn đến LS cho vay tăng lên tới 18-20%/năm, thậm chí 25%/năm. Lãi suất cao, DN không tiếp cận được vốn, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Vì thế, sự kiện các ngân hàng hạ lãi suất thực sự có ý nghĩa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. "Các NH nói trên cùng nằm trong nhóm 1 là nhóm có tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2012, chiếm khoảng 55-60% nguồn cung tín dụng toàn thị trường, tiềm lực tài chính mạnh, hoàn toàn có cơ sở để kéo các NH khác cùng giảm LS cho vay xuống" - Bà Thu tin tưởng.


Xung quanh vấn đề này, ông Phan Hoàng Vượng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nghệ An cho biết: Để thực hiện giảm lãi suất cho vay, tất cả các hoạt động của Agribank sẽ được rà soát lại để cắt giảm chi phí, cân đối nguồn cung vốn. Agribank sẽ thu hồi các khoản nợ xấu, đặc biệt nợ trong cho vay bất động sản, chứng khoán, chuyển sang cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng biểu lãi suất, tất nhiên với điều kiện khách hàng đáp ứng các điều kiện về thủ tục giấy tờ, chứng minh doanh nghiệp hoạt động ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ" - Ông Vượng nói.


Trước sự vào cuộc của khối ngân hàng quốc doanh, mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB), trường hợp đầu tiên trong Khối ngân hàng thương mại cổ phần đã thông báo nhập cuộc. Anh Nguyễn Xuân Thông - Giám đốc VIB chi nhánh Vinh cho biết, đã xây dựng gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn bình quân 1,5%/năm so với thông thường, áp riêng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu.

Trong đó, VIB dành riêng 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, ngân hàng này còn dành thêm 50 triệu USD cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi với mục đích giải ngân tài trợ vốn lưu động, chiết khấu chứng từ với tỷ lệ tài trợ lên đến 95%. Đến ngày 25/2, VIB Vinh đã giải ngân 75 tỷ đồng cho các doanh nghiệp.

Tiêu biểu như Cienco 4, Công ty CP Hợp tác kinh tế Quân khu IV, Công ty Vương Thuận (tổng đại lý Sabeco Bắc Trung bộ), Công ty CP Bánh kẹo Tràng An... với mức lãi suất từ 18-19%/năm. Ưu đãi lãi suất đồng nghĩa với việc VIB phải chia sẻ ở khía cạnh lợi nhuận, trực tiếp là nguồn thu từ tín dụng, nhưng ngân hàng này sẽ có thêm khách hàng, thêm cơ hội để phát triển các sản phẩm và dịch vụ phi tín dụng. Đó cũng là lý do để VIB mở thêm chương trình ưu đãi khác đi kèm với gói tín dụng nói trên.


Tuy nhiên, đối với các hợp đồng đang còn hiệu lực, khi áp dụng quy định mới thì mỗi ngân hàng lại có quy định khác nhau. Với Agribank, ông Vượng - Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Nghệ An cho biết, đối với các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân dở dang đến ngày văn bản có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo lãi suất ghi trong hợp đồng, hoặc theo thỏa thuận bổ sung hợp đồng về lãi suất cho vay. Trong khi đó, Ngân hàng ngoại thương chi nhánh Trung Đô lại quy định, các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây nhưng chưa nhận nợ, nhận nợ chưa hết hoặc đang còn dư nợ thì vẫn áp dụng theo mức lãi suất quy định trong hợp đồng tín dụng đã ký.


Ngoài ra, lãi suất cho vay hạ nhiệt nhưng không phải khách hàng nào cũng dễ dàng vay được nguồn vốn giá rẻ như công bố. Trái với các doanh nghiệp như: Công ty Đóng tàu thuyền Hải Châu (Tp.Vinh), cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm Cương Ngần (Quỳnh Dị - Quỳnh Lưu) đã được vay với mức lãi suất 17% từ trong năm; hy vọng sẽ được vay vốn ưu đãi lãi suất giá rẻ, còn rất nhiều DN còn phải tiếp cận với lãi suất cao. Ông Nguyễn Đình Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hưng Phát (KCNN Nghi Phú) cho biết: Để phục vụ nhu cầu vốn trong kinh doanh, đơn vị thường xuyên cần nguồn vốn lớn.

Tuy nhiên, rất ít khi doanh nghiệp vay được vốn rẻ (hiện doanh nghiệp đang vay với mức lãi suất 19,7%/năm), vì trong quá trình làm hồ sơ thủ tục thường bị nâng lãi suất lên cao hơn bởi những tiêu chí đặt ra từ phía ngân hàng. Một số DN khác phản ánh, DN phải vay với lãi suất trên 20%. Mặc dù nhiều ngân hàng đưa ra gói tín dụng ưu đãi, nhưng DN nhỏ không đủ điều kiện để được hưởng, nên mức lãi suất vẫn như cũ. Mức lãi suất này là quá cao trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay, nhưng nếu không vay, DN cũng không đủ vốn lưu động để duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động nên buộc phải chấp nhận.

Do vậy, để những chính sách ưu đãi lãi suất và nguồn vốn trở thành hiện thực và thực sự phát huy hiệu quả, vẫn rất cần những chính sách hỗ trợ từ phía NHNN để các DN, nhất là DN vừa và nhỏ được tiếp thêm sức trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để họ không phải chật vật khi tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp.


Thu Huyền

Mới nhất
x
Lãi suất cho vay giảm: Tiếp sức cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO