Thời sự

Lại thêm chiêu lừa xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Thanh Nga 03/10/2024 10:19

Dù đã được cảnh báo nhiều nhưng không ít lao động vẫn sập bẫy lừa sang Hàn Quốc làm việc với mức phí thấp, thời gian chờ bay nhanh, được thụ hưởng mức lương cao.

Lừa đảo trắng trợn

Cuối tháng 9/2024, sát giờ bay, gần 300 lao động bất ngờ nhận được thông báo hoãn lịch xuất cảnh từ Công ty Educa Việt Nam và bị hủy chuyến bay sang làm việc tại Hàn Quốc. Hàng trăm lao động rơi vào trạng thái bức xúc vì số tiền mỗi người đã đóng lên đến gần 300 triệu đồng. Họ sau đó đã tập trung trước sảnh công ty môi giới hòng làm rõ sự việc nhưng nhận lại chỉ là sự im lặng. Sau đó 1 ngày, biết không thể trốn thoát Ban giám đốc công ty đã trả lại phần nhiều số tiền mà các lao động đã đóng nhưng lý do vì sao lại hoãn hủy chuyến bay thì bên công ty không hồi đáp, hoặc hồi đáp rất khiên cưỡng.

xuat-khau-lao-dong-2.jpg
Lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: TTDVVL cung cấp

Đại diện phía công ty này cho biết: “Sở dĩ hoãn chuyến bay là do lao động không có mặt theo danh sách đăng ký trước đó - trong khi chúng tôi đã cam kết với phía Hàn Quốc là không phát sinh thêm hoặc bớt về số người lao động. Đến giờ chót, nhiều người lao động không lên và cũng không liên lạc được, nên phải hủy chuyến”.

Ngay sau sự việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) khẳng định, Công ty Educa Việt Nam không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là vụ việc liên quan đến số lượng lớn người lao động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Để kịp thời xử lý vụ việc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thông tin và đề nghị Công an TP Hà Nội, Sở LĐ,TB&XH TP Hà Nội kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Thủ tướng Nguyễn Minh Chính tặng quà cho lao động visa E9 tại Diễn đàn Lao động Việt Nam Hàn Quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho lao động visa E9 tại Diễn đàn hợp tác Lao động Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm cung cấp

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp khi liên tiếp trong những năm gần đây nhiều công ty môi giới tự xưng là có chức năng đưa người lao động sang Hàn Quốc thực hiện làm việc theo hợp đồng thời vụ, sau đó thu tiền chi phí xuất cảnh và làm hợp đồng du lịch cho lao động. Tuy nhiên, lao động đợi mãi mà không nhận được lịch bay hoặc lịch bay bị hoãn liên tục.

Các công ty lợi dụng việc Cục Lao động ngoài nước có các hợp đồng thời vụ giao cho các địa phương, doanh nghiệp nên đã tung các chiêu thức quảng cáo hòng lừa đảo người lao động. Cách thức của họ là đưa lao động sang bằng con đường du lịch sau đó bỏ trốn và ở lại Hàn Quốc. Tệ hơn, nhiều cá nhân, đơn vị còn lừa đảo lao động lấy tiền rồi cắt liên lạc.

Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Việc làm &ATLĐ, Sở LĐ,TB&XH

lao động Nghệ An được bay sang Hàn Quốc làm việc theo diện visa E9
Lao động Nghệ An được bay sang Hàn Quốc làm việc theo diện visa E9. Ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm cung cấp

Theo thông tin mà ông Hùng trao đổi, thời gian vừa qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người lao động, vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng đối tượng môi giới thông tin, lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện visa E8.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, đây là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc, trên cơ sở bản Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình này.

Đến nay, 17 địa phương gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đắk Lắk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E8.

Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện. Các doanh nghiệp trên cả nước không có chức năng tuyển dụng lao động theo diện visa E8, E9 (chương trình EPS). Tuy nhiên, nhiều đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng thông tin từ chương trình đã được ký kết giữa hai quốc gia và tung chiêu thức quảng cáo hòng tuyển dụng nhiều lao động đang có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc.

Người lao động cần trang bị thông tin

Đào tạo nghề xây dựng cho lao động chuẩn bị xuất cảnh
Đào tạo nghề xây dựng cho lao động chuẩn bị xuất cảnh. Ảnh: Thanh Nga

Để tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ visa E8 chỉ liên hệ trực tiếp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú để tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.

Điều kiện tham gia chương trình làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện visa E8 là lao động tuổi từ 30-50, là công dân cư trú dài hạn tại địa phương ký thỏa thuận; đang làm việc trong lĩnh vực ngành nông nghiệp, ngư nghiệp… “Thế nhưng, khi các doanh nghiệp tung thông tin quảng cáo trên mạng thì đa số họ đưa ra nhiều ngành nghề khác nhau, người lao động không nắm được thông tin nên sa bẫy”, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm & ATLĐ, Sở LĐ,TB&XH cho biết.

Bên cạnh đó, 2 năm nay các địa phương đang tuyển dụng lao động theo diện visa E9 (Chương trình EPS) - chương trình "Xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo Hệ thống cấp phép việc làm". Chương trình này được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc nhằm mục đích đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong các ngành nghề thiếu hụt nhân lực. Theo bản ký kết chương trình, có hàng chục ngàn vị trí việc làm ở Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các ngành nghề phía bạn cần. Tuy nhiên, cũng như chương trình theo diện visa E8, visa E9 cũng chỉ ký kết trực tiếp với các địa phương, nghĩa là doanh nghiệp và cá nhân không có quyền được ký kết, hoặc môi giới.

Ông Trần Hữu Thượng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Cho đến nay, sau gần 2 năm được phía Hàn Quốc mở cửa, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đưa được hơn 3.200 lao động sang Hàn Quốc, chỉ với chi phí khoảng 130 triệu đồng/ người. Tất cả các lao động sang làm việc theo chương trình này đều phải thông qua Trung tâm. Thế nhưng, Trung tâm vẫn liên tục nhận được thông tin nhiều lao động vẫn đăng ký qua doanh nghiệp để được bay theo diện visa E9, xảy ra điều này hoàn toàn là do lao động thiếu thông tin.

lao động được đoà tạo định hướng tại CT CPTM Phúc Chiến Thắng
Lao động được đào tạo định hướng tại Công ty CPTM Phúc Chiến Thắng. Ảnh: Công ty cung cấp

Mới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab - đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH) khuyến cáo về các thông tin giả mạo liên quan đến việc cử lao động sang Hàn Quốc làm việc. Cụ thể, những đối tượng lừa đảo mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả. Để lấy lòng tin, những kẻ này tung tin sẽ đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS - Visa E9).

Đối với thị trường Hàn Quốc, hiện Colab chỉ thực hiện phái cử lao động đi làm việc theo Chương trình EPS - Visa E9. Người lao động tham gia chương trình này bắt buộc phải đăng ký và đạt yêu cầu qua hai vòng thi tiếng Hàn (EPS - Topik) và kiểm tra tay nghề đánh giá năng lực. Việc tổ chức kỳ thi được thực hiện theo kế hoạch của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, người lao động đăng ký dự thi thông qua Sở LĐ-TB&XH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thành nơi người lao động đăng ký thường trú. Các thông tin về kỳ thi tiếng Hàn, thông báo ký hợp đồng, xuất cảnh đều được đăng tải công khai và đầy đủ trên website của Trung tâm...

Lại thêm chiêu lừa xuất khẩu lao động Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO