Làm cỗ cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho đúng?

09/02/2017 10:40

(Baonghean.vn) - Ngày rằm tháng Giêng (Tết nguyên tiêu) từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong đời sống đối với người Việt. Thế nhưng, chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng sao cho đúng không phải ai cũng biết.

Ngày Rằm tháng Giêng, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Ảnh minh họa
Ngày Rằm tháng Giêng, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Ảnh minh họa

Cúng Rằm tháng Giêng giờ nào tốt nhất?

Lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được mọi người cúng vào ngày chính rằm (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch).

Giờ “chuẩn” để cúng Rằm tháng Giêng theo phong tục từ xưa của cha ông ta là thường cúng vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h trong ngày). Nhiều người tin rằng, thời điểm này là lúc Phật giáng lâm. Bởi thế ngày Rằm tháng Giêng, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà.

Mặc dù vậy, do điều kiện cuộc sống, hiện nay mỗi gia đình lại tùy biến linh động việc cúng vào các ngày, giờ khác nhau. Họ quan niệm rằng, việc thờ cúng chỉ cần thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, thần thánh.

Việc thờ cúng chỉ cần thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Ảnh minh họa
Việc thờ cúng chỉ cần thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Ảnh minh họa

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày rằm tháng Giêng

Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau. Tuy nhiên, đều mong muốn thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, Phật thánh và cầu mong một năm an lành, may mắn.

Bên cạnh những gia đình theo đạo Phật, nhiều gia đình cũng quan niệm rằm tháng Giêng là ngày tránh sát sinh, nên ăn chay để cầu mong may mắn, giải hạn cho cả năm.

Mâm cỗ chay cúng Phật:

Mâm cúng chay Rằm Tháng Giêng. Ảnh minh họa
Mâm cúng chay Rằm Tháng Giêng. Ảnh minh họa

Lễ vật dâng cúng chay thường là hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu. Cỗ chay tùy loại có nhiều món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Nếu gia chủ là Phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài lễ bái Tam Bảo.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên:

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngày rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa
Mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngày rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa

Với những gia đình không theo đạo Phật, mâm cỗ cúng gia tiên thường là mâm lễ mặn cúng vào giờ Ngọ. Mâm cỗ mặn thông thường có các món như canh ninh măng, miến, bát mọc, thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm.

Mâm cơm cúng ngày rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.

Ngày nay, trên mâm cúng chay ngày rằm tháng Giêng của nhiều người dân còn có thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.

Đi Lễ chùa ngày Rằm tháng Giêng:

Đi lễ chùa đầu năm từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong đời sống của người dân Việt, đặc biệt là vào ngày Rằm tháng Giêng.

Mọi người lên chùa vào ngày Rằm đầu tiên của năm không chỉ để cầu mong những điều an lành, tốt đẹp cho bản thân và gia đình trong năm mới mà còn muốn tìm cho mình những phút giây thư thái chốn cửa chùa thanh tịnh, uy nghiêm.

Đi Lễ chùa vào ngày Rằm tháng Giêng từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân. Ảnh minh họa
Đi Lễ chùa vào ngày Rằm tháng Giêng từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân. Ảnh minh họa

Ngoài ra, người xưa còn có những điều kiêng kỵ trong ngày Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng đầu tiên trong năm, nên người xưa còn có một số điều kiêng kỵ, các bạn tham khảo để biết thêm:

- Tránh đánh vỡ, làm hỏng đồ đạc trong nhà.

- Kiêng đi đến những nơi âm khí nặng như mồ mả, nơi hoang vu, nhất là đối với những người sức khỏe yếu.

- Tránh mang nhiều tiền bạc, đồ vật có giá trị bên người. Nếu mất mát tài sản vào ngày này thì năm nay tài vận của bạn sẽ kém đi.

- Kiêng cho người khác mượn tiền vào ngày này.

- Không để thùng gạo trong nhà lộ đáy.

- Chú ý không để quần áo bị rách, theo quan niệm xưa thì nếu quần áo rách, năm tới bạn sẽ gặp vận rủi.

- Không nên sát sinh vào ngày này.

- Tránh mặc đồ màu trắng và màu đen.

- Kiêng câu cá vào ngày này vì theo quan niệm tâm linh của người Việt, hành động câu cá vào ngày rằm sẽ mang lại cho người đó vận hạn đen đủi.

- Nói bậy, chửi tục trong ngày này sẽ gặp nhiều thị phi.

Thu Trà

(tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Làm cỗ cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho đúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO