Làm giàu dưới thung lũng Pù Húc

08/11/2014 11:25

(Baonghean.vn) - Bản Kẹo Lực, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn nằm cheo leo trên sườn Pù Húc. Do địa hình núi dốc, đất đai cằn cỗi nên bao đời nay dân bản chỉ sản xuất được một ít ngô, lúa rẫy. Cuộc sống, vì thế đói nghèo quanh năm. Anh Vi Văn Thoong, người đầu tiên của bản đã vượt rừng xuống thung lũng Pù Húc đào ao, thả cá, phát triển kinh tế trang trại.

Vợ chồng anh Vy Văn Thoong chăm sóc ruộng sắn ở trang trại
Vợ chồng anh Vy Văn Thoong chăm sóc ruộng sắn ở trang trại

Anh Vi Văn Thoong và chị Lô Thị Hoa nên duyên vợ chồng năm 1981, lúc đó tài sản duy nhất của hai vợ chồng chỉ là 3 đôi gà được hai bên nội, ngoại tặng làm quà cưới. Đất thiếu, vốn không có, vợ chồng chăm chỉ bên những rẫy ngô, rẫy lúa mà vẫn không đủ ăn. Nghĩ rằng, muốn thoát được cái đói, cái nghèo cần tìm cho ra đất để canh tác. Lặn lội vào rừng tìm măng, anh Thoong thấy ở Kẹo Lực có thung lũng Pù-húc là vùng đất có thể canh tác. Rồi anh chị cơm đùm, cơm nắm đi khai hoang một phần thung lũng này để trồng ngô. Chọc lỗ, gieo hạt thì 3 tháng sau cây vượt quá đầu người, cuối vụ thu hoạch hạt đều tăm tắp. Biết là có thể làm giàu từ cây ngô, anh chị liền mở rộng diện tích hơn 1ha để trồng. Người dân bản lâu nay vẫn dùng giống địa phương, anh nhận thấy giống này năng suất thấp hơn giống ngô lai ở Hữu Kiệm, Na Ngoi… nên quyết định đăng ký mua giống ngô lai LVN10 tại trạm khuyến nông huyện về trồng. Vụ ngô thứ hai được mùa, anh chị bán ra gần chục tấn ngô, thu về 15 triệu đồng.

Để giảm bớt thời gian đi lại, thuận lợi cho chăm sóc, bảo vệ mùa vụ, anh chị dựng tạm gian nhà nứa ngay trong trang trại. Với số tiền tích góp được gần 17 triệu đồng, anh Thoong dành để mua giống gà đen, đặc sản của vùng, nhân đàn trên 300 con, đồng thời mượn người đào ao nuôi cá, phát triển trang trại tổng hợp. Vừa cho đàn già ăn, chị Hoa cho biết: “Đây là giống gà đen của địa phương, rất khỏe, thịt ngon, được nhiều người chuộng nên hai vợ chồng vượt đường đèo, tìm đến chợ Cửa khẩu Nậm Cắn mua về làm giống để chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Giống gà này nuôi khoảng 7 tháng có thể bán…”. Trong năm 2013, gia đình chị đã xuất hai lứa trên 1 tạ, thu về hơn chục triệu đồng. Để tránh gà bị dịch bệnh, anh Thoong dành thời gian học hỏi kinh nghiệm từ Trạm khuyến nông và những người có kinh nghiệm chăn nuôi ở các bản làng khác. Nhờ vậy mà đàn gà nhà anh không bị dịch cúm lần nào, phát triển nhanh. Những chuồng gà được làm bên cạnh ao cá, để tận dụng phân làm thức ăn cho cá. Hiện tại, gia đình anh có 3 ao cá, nuôi các giống cá trắm, cá mè, cá trôi… Diện tích ao cá không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm tươi cho gia đình để cải thiện bữa ăn mà còn bán ra thị trường hơn nửa tấn cá.

Hướng phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, với những “cây con” mà thị trường ưa chuộng của anh Thoong được bà con trong bản ngợi khen. Nhiều người ở bản Kẹo Lực và các bản lân cận đã tìm đến anh học hỏi mô hình. Với quyết tâm làm giàu, mỗi dịp ra chợ huyện hoặc các vùng miền, anh luôn ghé thăm các cửa hàng, hỏi tỉ mỉ về nhu cầu của người mua, giá bán, giá mua của các mặt hàng để chủ động sản xuất, chăn nuôi. Anh Thoong chia sẻ: “Mình phải làm thế, vì trang trại ở dưới thung lũng, cách các chợ hàng mấy chục cây số, sản phẩm làm ra khó vận chuyển… Những sản phẩm như ngô, sắn, mía có khối lượng lớn mình phải tìm khách hàng giao kèo trước rồi mới tiến hành trồng”.

Nhiều lần ra chợ huyện thấy không có các sản phẩm hoa quả của bản địa bày bán, ngoại trừ một ít chuối do bà con các bản trồng, còn hầu hết trái cây được vận chuyển từ nơi khác đến. Nghĩ rằng đất thung lũng của mình trồng được cây xoài, anh Thoong bắt xe xuống Thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương mua giống về trồng. Thời điểm này, vụ xoài đầu tiên sắp thu hoạch. Cây xoài hợp đất, được chăm bón tốt nên 76 gốc cho quả to, căng mọng và ngọt, ước tính thu về gần 1 tấn quả. Thương lái biết vậy đã tìm đến đặt cọc 15 triệu đồng ngay tại vườn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tùy theo địa hình để trồng các loại cây phù hợp; trong đó, cây sắn giá trị kinh tế thấp, nhưng bù lại chi phí ít, dễ chăm sóc và cũng không khó tiêu thụ nên vợ chồng Thoong khai hoang, trồng 1 ha. Lại thấy mọi người chuộng cây mía, bán được giá nên anh chị đã vào bản chọn những cây mía to và ngọt nhất về làm giống, trồng trên 0,7 ha. Năm ngoái, khi bán ra mỗi cây với giá 10 nghìn đồng anh chị đã thu về hơn 6 triệu đồng tiền lãi.

Đánh giá về mô hình kinh tế của vợ chồng anh Thoong chị Hoa, Ông Kha Văn Bông – Trưởng bản Kẹo Lực chia sẻ: “Bản ta đất dốc nên khó làm ăn lắm, trên địa bàn này có thung lũng Pù - húc, nơi đây, từ trước ít người dám xống. Thế nên, lúc đầu thấy gia đình “nó” (anh Thoong) dựng chòi ở dưới đó khai hoang ai cũng ái ngại. Nhưng giờ nhiều người lại muốn làm theo lắm. Diện tích thung lũng còn nhiều, lại có gia đình thằng Thoong truyền kinh nghiệm làm giàu nên dân bản quyết tâm cùng xuống khai hoang mở trang trại. Hy vọng dân Kẹo Lực sẽ sớm thoát được cái đói, cái nghèo …”.

Bài, ảnh: Thanh Quỳnh

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Làm giàu dưới thung lũng Pù Húc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO