Làm giàu nhờ trồng cỏ, nuôi bò

16/09/2013 20:57

Trồng cỏ nuôi bò là chuyện lạ, tưởng chừng khó có thể thành hiện thực ở các bản làng vùng cao. Thế nhưng, chuyện đó bây giờ đã trở nên quen thuộc với những người nông dân khao khát làm giàu, trong đó phải kể đến bà con bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn...

(Baonghean) - Trồng cỏ nuôi bò là chuyện lạ, tưởng chừng khó có thể thành hiện thực ở các bản làng vùng cao. Thế nhưng, chuyện đó bây giờ đã trở nên quen thuộc với những người nông dân khao khát làm giàu, trong đó phải kể đến bà con bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn...

Già làng Vừ Lía Tỉa, năm nay hơn 80 tuổi, hiện được bản suy tôn là người có uy tín của bản Mường Lống 1 (Mường Lống , Kỳ Sơn). Cụ bảo: “Mường Lống bây giờ đất chật người đông, ruộng nương không còn nhiều như trước, đất đai cằn cỗi. Nếu chỉ trông cậy vào rẫy lúa, rẫy ngô thì rất khó khăn, sẽ không có tiền mua muối mắm, sắm quần áo mới cho các em đến trường. Do đó bà con dân bản đã chuyển mạnh sang phát triển chăn nuôi”. Rồi cụ kể tiếp: “Mình già cả neo người, chỉ nuôi được 5 con bò (3 bò mạ sinh sản và 2 bò đực giống), 2 con lợn, 100 con gà. Ngoài có thực phẩm chi dùng hàng ngày, mỗi năm có thêm vài chục triệu đồng. Còn các hộ khác trong bản, họ nuôi nhiều, thu nhập lớn lắm!”.



Các hộ trong bản chăn dắt bò.

Về bản Mường Lống 1 hôm nay, cuộc sống của bà con đã đổi thay nhiều. Gia súc, gia cầm không còn cảnh chung sống với người. Nhiều hộ có nhà cột kê nền lát gạch men sạch sẽ, cổng chào bản có thêm dòng chữ “Đơn vị văn hóa”. Trong vườn hộ bên cạnh cây mận Tam Hoa là những vạt cỏ voi xanh rờn.

Bí thư chi bộ Xồng Bá Danh cho hay: Hiệu quả kinh tế của cây mận bây giờ không bằng cây cỏ voi. Tìm hiểu, tôi thực sự bất ngờ khi biết, hầu hết các gia đình trong bản Mường Lống 1 đều trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò. Họ không chỉ trồng trong vườn mà trồng ở các rẫy với diện tích hàng ha, cỏ voi phát triển đến đâu bò sinh sôi đến đó.

Theo con số thống kê đến nay, cả bản có 70/128 gia đình trồng cỏ, nuôi bò nhốt đưa tổng đàn trâu bò của bản hiện có trên 360 con (trong đó 32 con trâu và 328 con bò), bình quân mỗi hộ nuôi gần 3 con. Lý giải vì sao Mường Lống 1 lại có phong trào chăn nuôi bò phát triển mạnh? Lãnh đạo xã cho biết, bà con rất nhạy bén, thức thời trong làm ăn, sớm tiếp cận với kinh tế thị trường. Cũng như nhiều vùng núi cao, trước đây, người Mông bản Mường Lống 1 chủ yếu nuôi trâu nhiều hơn bò, bởi nuôi trâu để làm sức kéo mà bò lại không cày bừa khỏe bằng trâu.

Còn bây giờ, chuyển sang sản xuất hàng hóa, người dân ở đây lại chọn con bò để phát triển vì bò là con vật rất dễ nuôi, chịu được thời tiết giá lạnh vùng cao, ít bệnh tật, sinh sản đều, dễ chăm sóc. Mặt khác, giống bò cũng dễ chọn, dễ mua hơn giống trâu. Mặc dù hiện tại, mỗi con trâu đực kéo được tư thương mua tại chỗ với giá 40-50 triệu đồng, cao hơn giá bò đực 15-20 triệu đồng, bà con vẫn không mặn mà vì trâu lắm bệnh, lại hay chết rét, nguồn giống lại rất khó. Ngoài những yếu tố trên thì hiện tại “đầu ra” con bò cũng rất thuận lợi.

Ông Vừ Bá Tu - Chi ủy viên, kiêm bưu tá xã được mọi người coi là đầu mối thông tin của bản, bộc bạch: “Trước đây, nuôi được con bò đã khổ, muốn tiêu thụ lại càng khổ hơn. Phải mất hàng ngày đường đưa ra chợ huyện Mường Xén mới bán được, nên không ai muốn nuôi. Bây giờ, đầu ra sản phẩm không phải lo nghĩ, ngày nào cũng có tư thương gõ cửa hỏi mua bò mà giá bán cũng không kém miền xuôi”. Mường Lống chưa hình thành được chợ mua bán trâu bò sôi động như chợ Ú ở Đại Sơn, nhưng mỗi tháng cũng có dăm ba xe chuyển hàng chục con bò ở đây về xuôi tiêu thụ.

Người dân bản Mường Lống 1 rất vui mừng, ngoài sản xuất nương rẫy tự túc lương thực, đã có thêm nghề trồng cỏ nuôi bò hàng hóa, từ đó giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Cá biệt, có những gia đình đã đổi đời, có của ăn của để. Điển hình là Vừ Chống Và và Vừ Vả Vờ, vốn là hộ khó khăn, nay đã có đàn bò hàng trăm triệu đồng. Riêng Vừ Chống Và hiện nay có 15 con bò, mỗi năm thu từ chăn nuôi bò gần 200 triệu đồng!


Văn Đoàn

Mới nhất
x
Làm giàu nhờ trồng cỏ, nuôi bò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO