Làm giàu trên đất khó
(Baonghean.vn)- Trên mảnh đất khô cằn, nghèo khó Giang Sơn Tây (Đô Lương, mô hình trang trại của Anh Bùi Thế Phượng- xóm Bắc Giang trở thành điển hình nông dân vươn lên phát triển kinh tế vàlàm giàu trên quê hương.
Xóm Bắc Giang của xã Giang Sơn Tây là một vùng núi khó khăn, nằm gần cuối xã, giáp ranh xã Lam Sơn và Tào Sơn(Anh Sơn). Trước đây, vùng này trùng điệp cây dại, sỏi đá, đường đi lối lại men theo từng mép đồi. Điều này làm cho không ít nông dân chùn bước trong việc khai hoang, phát triển kinh tế. Đối với vợ chồng anh Bùi Thế Phượng và chị Nguyễn Thị Thủy, do không có vốn đầu tư ban đầu, anh đã lần lượt đưa cây mía về trồng nhưng mía rớt giá rồi thất bại, cây chè công nghiệp khó tiêu thụ, rồi cây lạc cũng thất thu. Năm 2007, sau nhiều tính toán, trăn trở, anh Phượng đã cùng vợ mạnh dạn đầu tư gần 2 ha vùng núi đồi, thuê đập Đồng Thiên để mở trang trại kế hợp chăn nuôi gà, vịt, nuôi cá và trồng cây ăn quả. Anh thuê người múc đất, san lắp mặt bằng để có thể tạo dựng cơ ngơi theo như tính toán.
Để thuận canh, thuận cưtrong việc xây dựng, anh Phượng quyết định dồn đổi toàn bộ ruộng vườn nhà mình ở nhiều vị trí khác nhau chấp nhận về nhận một vùng đất xấuvùng Bắc Giang. Với đồng vốn dành dụm và vay mượn, anh đã quyết định xây chuồng, thả 150 con lợn thịt, 500 con gà, 1000 con vịt, múc 1 ha đất nuôi cá rô phi đơn tính. Tuy nhiên, do phải tính toán theo kiểu chắp vá, không có điều kiện đầu tư chăm sóc khoa học nên hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, trong điều kiện 3 đứa con ăn học đại học, việc đầu tư chiều sâu anh chị không có khả năng.
Thời điểm năm 2011, toàn xã Giang Sơn Tây đang được huyện khuyến khích để nông dân được tiếp cận vay vốn phát triển kinh tế và giải quyết việc làm. Anh Phượng là một trong 4 hộ trong xã được ngân hàng CSXH huyện Đô Lương giải quyết cho vay 100 triệu đồng. Cơ hội mới như được mở ra, vợ chồng chị đã tập trung đầu tư, chăm sóc và hoàn thiện 1 ha rừng cây nguyên liệu khép kín trên đất đồi cao khô, bê tông hóa 2/4 ao nuôi cá, nuôi 100 con gà đẻ, 100 con chim bồ câu, nhím, trồng 100 gốc chuối, 50 gốc vải thiều. Đặc biệt, anh có thêm điều kiện để xây chuồng trại,đầu tư hạ tầng chăn nuôi một cách khoa học, bài bản, chuyển từ hình thức chăn nuôi tự nhiên sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Để có thể duy trì mô hình và có hiệu quả và bền vững, anh Phượng học tập kinh nghiệm bạn bè, tham quan các mô hình trang trại kết hợp trong và ngoài tỉnh. Nhờ chịu khó, biết tính toán phù hợp với sự biến động của thị trường, đến nay đã hơn 2 năm phát triển trạng trại, mô hình kinh tế kết hợp của vợ chồng anh Phượng chị Thủy bước đầu cho thu nhập khả quan.
Theo tính toán của anh thì nuôi cá rô phi khoảng 5-6 tháng là có thu hoạch liên tục, bình quân mỗi ngày có thể có 50 kg cá thịt, trọng lượng từ 5 lượng đến 1 kg/con, giá bán 40 ngàn/kg, trừ chi phí thì mỗi mỗi ngày đã có lãi gần 1,2 triệu đồng tiền cá, mỗi ngày anh chị thu hoạch 60 quả trứng gà, 100 quả trứng vịt, giá bán bình quân 3 ngàn đồng/quả, thu nhập trên 450 ngàn đồng/ngày... Như vậy nếu tính chung thì hiện tại chị đã có thu nhập lãi ròng gần 100 triệu/năm từ chăn nuôi và cây quả, chưa kể vườn cây keo nguyên liệu đang ở tuổi phát triển tốt, dự báo mùa thu hoạch ăn giá. Hiện nay mô hình trang trại của anh Phượnggiải quyết việc làm cho 5 công nhân lao động tại địa phương với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, trong số các mô hình trang trại sử dụng vốn vay giải quyết việc làm tại Đô Lương thì mô hình trang trại của anh Bùi Thế Phượng ở Giang Sơn Tây là một mô hình kinh tế phát huy hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ tốt môi trường, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương. Khi được hỏi về dự tính cho tương lai, anh Phượng chỉ tay về phía đồi rừng, vui vẻ: “mong ước của tôi là khi có thêm đồng vốn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa các hình thức chăn nuôi và trồng rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn”.
Lương Mai