Làm giàu từ chế biến chè
(Baonghean) - Mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến tiêu thụ chè búp khô và tăng cường gắn kết với các hộ trồng chè, đồng thời tích cực tìm kiếm bạn hàng nên chị Đinh Thị Minh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 10, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiểu những nhọc nhằn, vất vả của người trồng chè, nhất là mỗi khi thấy sản phẩm chè búp sau thu hoạch của bà con không chen được vào một số dây chuyền, xí nghiệp chế biến chè trên địa bàn, năm 2010, chị Nguyễn Thị Minh quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến chè búp khô. Ngay sau khi dây chuyền đi vào hoạt động, sản phẩm chè búp của bà con trong vùng được thu mua hết, tránh được việc nhiều tư thương ép giá. Đồng thời chế biến được khối lượng sản phẩm chè búp khô thành phẩm lớn bán ra thị trường ngoại tỉnh như Hà Nội, Lâm Đồng.
Cơ sở chế biến chè búp của chị Đinh Thị Minh. |
Dây chuyền công nghệ chế biến của chị Minh trị giá gần 1 tỷ đồng, công suất 5 tấn chè búp/ngày gồm máy xử lý đầu vào, máy vò, sấy, lăn, máy sàng, máy quạt cho ra thành phẩm. Để thuận tiện trong thu mua nguyên liệu cũng như xuất bán sản phẩm, chị đầu tư xe bán tải gần 300 triệu đồng sẵn sang hỗ trợ thu mua chè tận vườn cho bà con. Năm 2012, từ hiệu quả kinh doanh bước đầu, chị đổi mới, nâng công suất dây chuyền lên 7 tấn chè búp/ngày. Mô hình kinh tế của chị đã thu mua hàng trăm tấn chè búp tươi/tháng cho bà con trong xã Long Sơn và một số xã trồng chè công nghiệp của huyện Anh Sơn, Con Cuông; xuất bán hàng trăm tấn chè búp khô thành phẩm cho thị trường, tạo việc làm cho 20 nông dân với mức lương ổn định 3 - 4 triệu đồng/người/ tháng.
Nhiều năm gắn bó với việc sản xuất, kinh doanh chè búp ngay tại quê hương, chị Minh không đặt ra tiêu chuẩn nặng nề trong việc phân loại chè và ép giá người dân. Quan điểm của chị là dù có bất cứ lý do nào cũng thu mua hết sản phẩm cho người trồng chè với giá không thấp thua giá thị trường. Điển hình như năm nay, giá chè chị thu mua cao hơn 500 đồng/kg so thị trường, đạt 5.000 đồng/kg chè búp tươi. Nhiều hộ khó khăn không có phương tiện, chị cho xe ô tô vào tận vườn thu mua. Kinh nghiệm được xem là bí quyết giúp chị thành công và chiếm lĩnh được thị trường chế biến chè búp khô đó là biết giữ chữ tín trong làm ăn, coi trọng yếu tố kỹ thuật. Hiện chị thuê 2 kỹ sư tay nghề cao với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng để vận hành máy, giám sát các công đoạn từ thu mua đến từng khâu kỹ thuật chế biến chè.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Đinh Thị Minh còn được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 10. Năm 2014, chị được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012-2014. Ông Đặng Đình Công - Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Toàn xã hiện đã phát triển được trên 240 ha chè công nghiệp. Vì vậy, mô hình chế biến chè của chị Minh là động lực thúc đẩy nhiều hộ dân đẩy mạnh phong trào đầu tư phát triển, mở rộng vùng chè nguyên liệu. Xã Long Sơn hiện đã nhân rộng được 5 cơ sở sản xuất, chế biến chè búp khô, thu mua gần 50% nguyên liệu chè cho bà con trong xã, doanh thu đạt hàng tỷ đồng.
Mai Sơn