Làm giàu từ vốn vay ủy thác
Từ nguồn vốn vay của hệ thống Ngân hàng CSXH ủy thác thông qua tổ chức đoàn, nhiều thanh niên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu nguồn vốn và cách thức sử dụng nguồn vốn có hiệu quả đối với thanh niên còn là bài toán chưa có lời giải…
(Baonghean) - Từ nguồn vốn vay của hệ thống Ngân hàng CSXH ủy thác thông qua tổ chức đoàn, nhiều thanh niên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu nguồn vốn và cách thức sử dụng nguồn vốn có hiệu quả đối với thanh niên còn là bài toán chưa có lời giải…
Đa dạng những mô hình
Với số vốn ban đầu là 30 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), anh Nguyễn Ngọc Quang (Lĩnh Sơn – Anh Sơn) đã tìm cho mình một hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Nhận thấy trên địa bàn xã, dịch vụ cho thuê rạp đám cưới còn manh mún. “Ngày đẹp”, trong xã có 2,3 đám cưới trùng nhau là không tìm đâu ra cái rạp cưới “nên hồn”, anh quyết định đầu tư 3 bộ rạp cưới, đi kèm là các dịch vụ phục vụ cho đám cưới như loa máy, chủ hôn, “ca sỹ làng”, cỗ bàn. Dịch vụ trọn gói nên không chỉ thanh niên trong xã ưa chuộng mà các xã lân cận cũng “đặt hàng”. Vừa đi dựng rạp cưới cho một đám cưới tại xóm 5 về, anh Quang tươi cười cho biết: “Nếu không có nguồn vốn vay 30 triệu đồng thì không biết lúc nào tôi mới ngẩng mặt lên được”.
Hiện Đoàn xã Lĩnh Sơn quản lý 5 tổ vay vốn với tổng dư nợ hơn 5 tỷ đồng. Nguồn hoa hồng hàng tháng từ vốn ủy thác được 1,5 triệu đồng, là nguồn quỹ quan trọng để duy trì cho các hoạt động của tổ chức Đoàn. Anh Trần Văn Sơn - Bí thư Đoàn xã cho biết: “Hằng năm khi có vốn chúng tôi đã cùng với Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh bình xét xem đối tượng nào sẽ được vay đợt này. Nhà nào có hoàn cảnh khó khăn hơn nhưng biết làm kinh tế chúng tôi sẽ ưu tiên vay trước”. Ngoài các tổ vay vốn thuộc xã Lĩnh Sơn thì các tổ vay vốn thuộc các xã Thành Sơn, Bình Sơn, Tường Sơn đều quản lý tốt nguồn vốn ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với tổng dư nợ hàng năm từ 4 - 5 tỷ đồng, góp vào tổng số dư nợ vốn chính sách qua “kênh” thanh niên của toàn huyện là 33 tỷ đồng. Ông Lê Văn Cần - Giám đốc Ngân hàng chính sách huyện Anh Sơn cho biết: “Thanh niên dám nghĩ, dám làm và rất nhạy bén nên việc ủy thác vốn vay cho thanh niên quản lý đã phát huy hiệu quả đồng vốn. Sắp tới chúng tôi sẽ có gói vốn 100 triệu đồng cho một đối tượng vay nằm trong chương trình tín dụng giải quyết việc làm”.
Cũng như Anh Sơn, huyện Quỳnh Lưu là đơn vị có tổng dư nợ cao nhất tỉnh với 75 tỷ đồng, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn hướng dẫn các hội viên nghèo được vay vốn sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào cây, con, ngành nghề mà các xã, thị trấn, làng, bản có thế mạnh. Nhờ đó, nợ quá hạn trên địa bàn chỉ chiếm 0,1%.
Từ chương trình tín dụng “Giải quyết việc làm cho thanh niên” với số tiền 100 triệu đồng, anh Chu Thiện Quang ở Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) lại tìm cho mình hướng đi thoát nghèo bằng mô hình trang trại vườn - ao -chuồng - rừng rộng 4ha. Anh kể: “Rong ruổi từ Bắc chí Nam với nghề buôn bò giống, loay hoay mãi vẫn không đủ ăn, nay đây mai đó không thể ổn định được cuộc sống gia đình nên tôi nghĩ, chi bằng làm giàu trên chính mảnh đất cha ông để lại. Sẵn đất rộng, ban đầu tôi trồng vài chục gốc nhãn, vải, thả thêm vài chục con dê. Sau này khi có vốn tôi đã mở rộng trồng thêm keo, tăng đàn thêm được 200 con dê và hàng trăm con bò hanàng hóa. Bây giờ thu nhập hàng năm tính tổng cộng cũng hơn 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thời vụ cho hàng chục lao động trên địa bàn”.
Mô hình phát triển kinh tế của anh Chu Thiện Quang (Quỳnh Vinh, TX. Hoàng Mai).
Để thanh niên tiếp cận với nguồn vốn
Hiện nay tổ chức Đoàn toàn tỉnh đang quản lý 12 chương trình tín dụng với tổng số dư nợ là 524,047 tỷ đồng, với 785 tổ vay vốn, giúp Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý tốt nguồn vốn, hầu như không còn tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn giảm 0,204% so với năm 2005. Tuy nhiên, thanh niên vùng nông thôn được tiếp cận với các nguồn vốn vay chính sách xã hội chưa nhiều. Anh Nguyễn Ngọc Quang (Lĩnh Sơn - Anh Sơn) cho biết: “Sắp tới tôi muốn phát triển dịch vụ cho thuê rạp cưới ở 2 xã lân cận nhưng ngặt một nỗi không đủ vốn, nếu dịch vụ này phát triển sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa bàn”.
Mô hình nuôi tôm giống của anh Hoàng Văn Thông ở Quỳnh Bảng có tiếng “ăn nên làm ra” bởi cách thức ương nuôi rất khoa học. Hàng năm, ngoài chi phí giống ban đầu, công tác thau rửa ao chuôm và công tác phòng trừ dịch bệnh, anh thu về khoảng 150 triệu đồng. Thế nhưng khi được hỏi về nguồn vốn ban đầu anh cho biết: “Cách đây mấy năm tôi chỉ được vay 8 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo và đã hoàn trả từ lâu. Nếu được vay nguồn vốn Giải quyết việc làm dành cho thanh niên trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thì tôi sẽ giải quyết cho nhiều lao động hơn nữa”.
Ngoài chương trình xóa đói, giảm nghèo còn có các chương trình tín dụng khác dành cho thanh niên phát triển kinh tế, trong đó đáng lưu ý như Chương trình Giải quyết việc làm. Nếu mô hình SXKD của thanh niên tốt, thu lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay này. Tuy nhiên, thực tế hầu hết thanh niên đều rất khó tiếp cận vì chương trình tín dụng giải quyết việc làm cho thanh niên có số dư nợ thấp nhất trong 12 chương trình tín dụng do thanh niên nhận ủy thác từ Ngân hàng chính sách. Hiện chỉ mới có 7 mô hình thanh niên được tiếp cận với vốn vay ở 3 huyện là Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Anh Sơn.
Theo anh Đặng Minh Chính, Phó Ban thanh niên nông thôn - đô thị thì: “Hàng năm chúng tôi phân bổ vốn (thông qua Ngân hàng chính sách) về huyện, thông qua sự đề xuất và tham mưu của các cấp bộ Đoàn tại huyện giải ngân cho thanh niện vay. Thế nhưng rất ít huyện làm được bộ hồ sơ đạt yêu cầu”. Như vậy, sự quan tâm và năng lực tham mưu của các cấp bộ Đoàn cơ sở rất quan trọng để thanh niên địa bàn được tiếp cận với vốn vay.
Ngoài ra, trong công tác quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách, tổ chức Đoàn phải là những người đảm đương vai trò tổ trưởng, tổ phó tại các tổ tiết kiệm và vay vốn. Thế nhưng hiện nay hầu hết tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn là hội viên Hội Phụ nữ, nên việc phổ biến, tuyên truyền tới ĐVTN được thụ hưởng khi có nhu cầu và đủ điều kiện rất hạn chế.
Ông Trần Khắc Hùng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh lo ngại: “Cán bộ Đoàn thường xuyên biến động nên khó quản lý thu hồi nợ”. Vậy nên, trước hết chính cán bộ Đoàn phải tạo được niềm tin thông qua sự nhiệt huyết, nhanh nhạy và tinh thần dám làm, dám chịu của thanh niên. Khi chuyển giao thế hệ cán bộ Đoàn cần phải tập huấn cho đội ngũ mới thành thạo về nghiệp vụ để nâng cao năng lực và uy tín. Có thế, thanh niên mới tiếp cận được các nguồn vốn vay ủy thác, có điều kiện để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương…
Bài, ảnh: Thanh Nga