Lâm Quang Mỹ - Nhà thơ của hai đất nước

06/01/2014 17:58

(Baonghean) - “…Anh có bao nhiêu (tâm hồn) khi mà anh không chỉ là nhà thơ, mà còn là một người Việt Nam gắn bó thường xuyên với đất nước thứ hai là Ba Lan? Hai tâm hồn trong một nhà thơ, tâm hồn Việt và tâm hồn Ba Lan -Anh thật là giàu có !...”.

Hội Nhà văn Ba Lan vừa tổ chức buổi lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của nhà thơ Lâm Quang Mỹ tại hội trường của Hội, phố Krakowskie Przedmieście 87/79, Warszawa. Tại buổi lễ, ông Marek Wawrzkiewicz, Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan đọc thư chúc mừng trong đó có mấy câu trên. Cũng dịp này ông Paweł Kołakowski, Chủ tịch chính quyền vùng Krasne đọc thư chúc mừng: “…Cá nhân tôi và nhân dân Krasne biết ơn anh về những buổi trình diễn thơ anh đã dành cho lớp trẻ... Chúng tôi tự hào về anh, một con người có tâm hồn lớn, nhưng khiêm tốn vô cùng. Anh đã cùng chúng tôi tạo ra một giai đoạn lịch sử sống động của vùng Krasne - cái nôi dòng họ của nhà thơ lớn Zygmunt Krasinski…”.

 Nhà thơ Lâm Quang Mỹ (thứ 3 từ phải sang) với các văn nghệ sỹ Việt Nam.
Nhà thơ Lâm Quang Mỹ (thứ 3 từ phải sang) với các văn nghệ sỹ Việt Nam.

Hai lá thư chúc mừng ấy tôi được Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho xem. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn

Nhà thơ  Lâm Quang Mỹ.
Nhà thơ Lâm Quang Mỹ.
cho tôi xin mấy tấm ảnh kỷ niệm chụp với Nhà thơ Lâm Quang Mỹ. Và kỷ niệm về anh từ 50 năm trước bỗng ùa về, cứ bung ra khỏi “ổ cứng” tâm tưởng tôi, dù là chuyện đời thường và quá vãng đã nửa thế kỷ tôi vẫn nhớ, là vì nó xẩy ra cùng giờ với một sự kiện lịch sử của đất nước. Đó là chiều 5/8/1964, bất thình lình tàu bay Mỹ ào đến trút bom xuống kho xăng dầu Bến Thủy cách làng Cổ Đan quê tôi chừng 4km theo đường chim bay.

Ngày ấy tôi đang tuổi nhóc, đang ngồi co ro dưới chiếc hầm tròn cá nhân, bỗng một người nháo nhào đè ập lên đầu tôi:

-Cho anh trú với. Ra sông mua mấy bó nứa để đan phên, đang chuẩn bị vác về thì… bom…bom. Nép người sát vào vách hầm để dành chỗ cho anh, bấy giờ tôi mới nhận ra anh ở cách nhà tôi chỉ vài trăm mét.

Sau trận bom đầu tiên của không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, anh lên đường du học. Năm anh đi, làng Cổ Đan vẫn còn, năm sau, ngày 20/5/1965 (nhằm 20/4 ÂL) trận bom oanh tạc liên tục suốt từ 14h-17h đã hủy diệt làng với gần 50 người chết. Làng quê thành vùng trắng không bóng cây bóng người, sau ngày 30/4/1975 một số cư dân làng mới trở về tái lập màu xanh trên vùng đất chết.

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ, tên thật Nguyễn Đình Dũng, SN 1943, quê làng Cổ Đan, xã Nghi Phúc (nay là xóm 6 xã Phúc Thọ). Nói gốc gác để biết anh là người Nghệ chính cống hiện sống cùng vợ con tại Ba Lan. Những người cao tuổi ở “đất học, đất khoai” Cổ Đan vẫn biết anh là một trai làng được du học từ năm 1964, năm 1971 về nước công tác tại Viện Khoa học Việt Nam, sau đó sang Ba Lan làm cộng tác viên khoa học rồi bảo vệ luận án tiến sỹ . Nay ở làng chẳng mấy người biết anh là Lâm Quang Mỹ - nhà thơ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Ba Lan, từng đoạt các giải thưởng thơ của Ba Lan, trong đó có giải thưởng về thơ và hoạt động văn học của Ủy ban UNESCO Ba Lan. Năm 2005 anh được chính quyền Krasne, quê hương của nhà thơ lớn Z. Krasinski, công nhận là công dân danh dự.

Công việc mưu sinh nơi trời Tây vất vả không kém ở trong nước. Sau khi nghỉ hưu, có năm vợ chồng anh về quê giỗ chạp 2-3 lần, lần nào về anh cũng “sắm” những buổi ngồi với mấy đứa đàn em nhâm nhi cà phê bên bờ Lam. Anh bảo, ngồi bên bờ Lam vừa đàm đạo văn chương, vừa tranh thủ “hứng gió biển mang hương vị Cổ Đan để sang trời Tây dùng dần”. Nặng lòng với thi ca, với quê hương, anh nguyện làm nhịp cầu nối đôi bờ để thi ca cũng như văn chương Việt Nam - Ba Lan xích lại gần nhau. Đầu năm 2010, anh về Hà Nội dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, tại hội nghị này anh được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam. Mấy hôm sau tôi về làng thăm vợ chồng anh. Vì không báo trước, tôi đến thì anh đang đi thắp hương ở làng bên nên phải chờ.

Chị Kim Phúc, vợ anh, giáo viên trường xã nghỉ hưu, kể: “Anh làm “Tuyển tập Thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19”, do anh tự chọn và chuyển ngữ sang tiếng Ba Lan, dự định sẽ để ra mắt dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010). Bỗng nhận được tin từ trong nước rằng đầu năm 2010, Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài họp tại Hà Nội. Vậy là anh vội vã làm ngày làm đêm cho kịp giới thiệu tại hội nghị. Tuyển tập được in xong trong 3 ngày, anh đến nhà xuất bản nhận sách mang về để chuẩn bị mấy hôm sau bay về Hà Nội. Vì vừa mừng đã có sách kịp thời vừa vội vàng nên đã quên mặc áo khoác trong khi trời đang lạnh dưới 10 độ C, anh bị cảm lạnh và viêm phổi cấp tính.

Vợ con và bạn bè phải đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Hiềm nỗi vé máy bay Warszawa - Hà Nội đã mua rồi, anh phải “dân vận” nài nỉ với bác sĩ rằng, hai ngày tới phải có mặt tại Hà Nội để kịp dự hội nghị rồi. Động lòng với quyết tâm không dễ lay chuyển của “bệnh nhân đặc biệt” này, bác sĩ đành đồng ý cho anh thuốc men để điều trị ngoại trú. Lên ngồi trên máy bay anh vẫn còn sốt. Thế mà hôm sau vào hội trường, anh đã tỉnh táo nhanh nhẹn như người bình thường. Hỏi thì anh bảo, lâu ngày được gặp anh em bạn bè, thì cái “lũ viêm cảm lăng nhăng ấy” cũng phải nhanh chân tìm đường mà biến đi chứ!

Anh đã cần mẫn thu thập từ nhiều nguồn, dày công chọn ra được 120 bài thơ của 28 tác giả từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19. Chọn được bài theo tiêu chí định tính của mình đã khó, lại phải tìm tham khảo các bản in tiếng Việt khác nhau để gạn đục khơi trong lại càng khó hơn. Sau 2 năm làm việc miệt mài, với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan Pawel Kubiak, “Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19” bằng tiếng Ba Lan đã ra mắt bạn đọc. Cũng như bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật nào, chất lượng dịch thuật có ở tuyển tập của anh thuộc về độc giả biết tiếng Ba Lan thẩm định.

Ông Miłosz Kamil Manaterski, Nhà thơ,Tổng Biên tập Báo điện tử Hội Nhà văn Ba Lan, Ủy viên Hội đồng giám định chất lượng văn học của Hội Nhà văn Ba Lan đã viết bài đánh giá, trong đó có đoạn: “...Vào tháng 1 năm nay, trên trang báo điện tử của Hội Nhà văn Ba Lan, tôi đã viết giới thiệu cuốn “Tuyển tập Thơ Viêt Nam từ thế kỷ 11 đến 19” và cho đó là một sự kiện thơ của năm nay. Sáu tháng sau, tôi đã biết chắc chắn rằng cuốn Tuyển tập đã tự bảo vệ được vị trí là cuốn sách quan trọng nhất trong năm 2010... Đây là một bản dịch rất hay, nó hàm chứa cái đẹp trong thơ của các nhà thơ lớn Việt Nam. Nhắc lại sự khác biệt ngôn ngữ của hai nước ở đây có lẽ không cần thiết. Lâm Quang Mỹ và Paweł Kubiak đã “chắt lọc” hết những gì hay trong tiếng Ba Lan để cho thơ thực sự là thơ, cái đẹp thực là đẹp và đồng thời không làm giảm đi những nét độc đáo trong văn hóa và văn chương Việt...”. Từ nay trên đất nước với bề dày truyền thống văn chương như Ba Lan, văn học Việt Nam sau 1000 năm lịch sử đã có một tuyển tập thơ cổ điển đến với bạn đọc Ba Lan.

Riêng tôi còn “bắt mạch” được cái điều sâu xa hơn làm nên thành công này, đó là kết quả của tình yêu văn chương của anh từ tuổi học đường mà đến nay anh vẫn coi văn chương là “mối tình đầu” chung thủy của mình. Anh yêu văn chương, song thời cuộc chọn anh du học kỹ thuật, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học tự nhiên ở Hà Nội. Những năm 70 thế kỷ trước, tôi đang là lính, mấy lần đến thăm anh ở Viện Vật lý. Anh, một kỹ sư nghèo, xa nhà phải độc thân, ngày tập trung công việc chuyên môn, đêm đêm một mình một bóng tại cơ quan vui với… nàng Thơ. Anh coi vật lý là nghề, thơ ca là nghiệp, và nguyện hành trình suốt đời cùng thơ.

Sau khi nghỉ hưu, anh cùng các nhà thơ Ba Lan tích cực truyền bá, giới thiệu nhiều tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam trên các tạp chí văn học ở Ba Lan. Hơn 20 năm sống ở xứ người, anh xuất bản 5 tập thơ dịch ra nhiều thứ tiếng, có những bài anh viết từ thời sinh viên. Từ khi thâm nhập vào đời sống văn chương của Ba Lan, đến nay anh đã có hơn 1.500 buổi đọc thơ tại các trường học, thư viện, nhà văn hóa, khu an dưỡng... ở Ba Lan và một số nước châu Âu. Nhớ lần ngồi cà fê tại Khu du lịch sinh thái ngã ba Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò), anh trăn trở: Văn học nước mình tuy đã có một số tác phẩm như Truyện Kiều, thơ Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương ..., được trích dịch ra một số thứ tiếng, nhưng vẫn chưa đủ. Tại sao cho đến nay, văn học Việt Nam - cả về số lượng và chất lượng, vẫn chưa được tỏa sáng, chưa được thế giới biết đến nhiều, chưa hội đủ điều kiện để đến với bạn đọc Ba Lan như văn học của các nước khác?

Thưa “lưỡng quốc hội nhà văn” Lâm Quang Mỹ (tôi vẫn gọi đùa anh như vậy), điều anh trăn trở cách nay gần 10 năm, dường như cũng đã vọng đến anh linh các Nhà văn hóa Việt Nam trên cõi cao xanh vời vợi ấy.

Giao Hưởng

Mới nhất
x
Lâm Quang Mỹ - Nhà thơ của hai đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO