Làm rõ chế độ chính sách cho chức danh kiêm nhiệm sau sáp nhập

Mỹ Nga 22/11/2019 17:03

(Baonghean.vn) - Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Tờ trình, Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với người đứng đầu tổ chức sau khi sáp nhập hoặc kiêm nhiệm theo tinh thần Nghị quyết 18, nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ mức chế độ chính sách đối với các đối tượng này.

Chiều 22/11, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức chủ trì hội nghị.

Ảnh: Mỹ Nga
Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự có đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng tham dự có Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các ban tham mưu xây dựng Đảng, các cơ quan liên quan. Ảnh: Mỹ Nga

Cần làm rõ chính sách cho chức danh kiêm nhiệm

Tại hội nghị trực tuyến, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị góp ý vào 3 dự thảo văn bản: Dự thảo Tờ trình, Quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh; nhiệm vụ, quyền hạn và chính sách, chế độ đối với chuyên gia cao cấp, chuyên gia, trợ lý, thư ký các đồng chí lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước; Dự thảo Tờ trình, Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với người đứng đầu tổ chức sau khi sáp nhập hoặc kiêm nhiệm theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị; Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trí - xã hội các cấp.

Tại hội nghị, bên cạnh những ý kiến đóng góp hoàn thiện kết cấu văn bản, đại diện các tỉnh, thành trực thuộc, ban, ngành Trung ương đã tích cực đóng góp ý kiến vào nội dung các dự thảo văn bản.

Đối với Nghệ An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với nội dung các dự thảo nêu. Đối với Dự thảo Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với người đứng đầu tổ chức sau khi sáp nhập hoặc kiêm nhiệm phải cần xem xét lại mốc thời gian áp dụng. Hiện dự thảo đang quy định, chế độ chính sách sẽ được áp dụng "sau khi ban hành hướng dẫn", còn việc thực hiện trước khi ban hành hướng dẫn thì sẽ không được áp dụng. Điều này bất hợp lý, bởi nếu quy định như vậy thì các cơ quan đơn vị sẽ chờ hướng dẫn mới thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy, làm ảnh hưởng đến kiện toàn tổ chức. Mặt khác sẽ tạo ra sự không công bằng. Do đó, cần nghiên cứu kỹ, tránh bất cập.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn tham gia đóng góp ý kiến vào nội dung của 3 dự thảo. Ảnh: Mỹ Nga

Đối với Dự thảo quy định chức danh, trong đó có chuyên gia cao cấp, trợ lý, thư ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng nên mở rộng chế độ chuyên gia cho các tỉnh, bởi các tỉnh cũng cần có chuyên gia và các tỉnh có khả năng đào tạo, cũng như xây dựng chuyên gia. Ngoài ra, bổ sung thêm một số đối tượng được sử dụng thư ký, chế độ chính sách cho thư ký, tuy nhiên cần quy định rõ cụ thể số lượng thư ký được xem xét bố trí cho các chức danh.

Ngoài ra, một số ý kiến của các địa phương khác tập trung vào Dự thảo thực hiện chính sách, chế độ đối với người đứng đầu tổ chức sau khi sáp nhập hoặc kiêm nhiệm. Tuy đã xây dựng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm, nhưng với mức phụ cấp kiêm nhiệm còn quá thấp, trong khi mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu, nên chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đã tự mất ý nghĩa của nó. Cơ bản, cán bộ công chức không muốn kiêm nhiệm trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, đơn vị khác vì đồng nghĩa với tăng thêm trách nhiệm, nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Các ý kiến cho rằng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau sáp nhập hoặc đồng thời kiêm nhiệm hai chức danh thì hàng tháng được hưởng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp thâm niên và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, tuy nhiên cần làm rõ hưởng phụ cấp 50% thì hưởng của chức danh nào.

Hoàn thiện các văn bản bám sát thực tiễn

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tổ chức hội nghị trực tuyến. Trong đó công tác cán bộ, cũng như chính sách dành cho các chức danh kiêm nhiệm là nhiệm vụ quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều tồn tại, hạn chế vẫn đang diễn ra, đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện, nhất là phải có chính sách để vừa khuyến khích, động viên, vừa đảm bảo với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, một số tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cho cán bộ, chuyên gia mặc dù đã có từ lâu, nhưng xét trên thực tế công tác thì vẫn còn nhiều bất cập, nên việc phân tích, góp ý từ cơ sở để Trung ương hoàn chỉnh các văn bản sát đúng với thực tiễn.

Ảnh: Mỹ Nga
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga

Đặc biệt, đối với người đứng đầu tổ chức sau khi sáp nhập hoặc kiêm nhiệm theo tinh thần Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37 và Kết luận số 34 của Bộ Chính trị nếu xét trên thực tế thì chế độ kiêm nhiệm vẫn được giải quyết theo các văn bản hiện hành. Tuy nhiên, xét về góc độ công tác tổ chức hiện nay thì cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần phải xác định rõ chế độ cho chức danh nào là hợp lý, từ đó mới khuyến khích được sự đóng góp của cán bộ, người được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm.

Riêng những vấn đề liên quan đến độ tuổi không thích hợp với bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, Trưởng ban Tổ chức Trung ương yêu cầu ban soạn thảo tổng hợp kỹ các góp ý, nhất là góp ý từ cấp tỉnh để có cơ sở hoàn thiện văn bản một cách hoàn chỉnh, chặt chẽ, đúng lộ trình.

Ngoài ra, việc phân định chuyên gia với chức danh được bổ nhiệm phải được hiểu đúng, từ đó có chế độ đãi ngộ phù hợp, tránh chồng chéo. Hơn nữa, chức danh trợ lý, thư ký lãnh đạo phải được rạch ròi, công khai, minh bạch, nhằm phát huy tốt nhất năng lực cá nhân, hoàn thành đúng chức trách nhiệm vụ, vị trí, việc làm.

Đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý rằng, quá trình hoàn thiện không được chậm trễ, song cũng không câu nệ, nóng vội.

Làm rõ chế độ chính sách cho chức danh kiêm nhiệm sau sáp nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO