Làm thế nào chấm dứt tình trạng tàu nằm bờ do thiếu lao động?

Xuân Hoàng 11/04/2018 09:11

(Baonghean) - Tàu thuyền ngày càng lớn, phương tiện đánh bắt hiện đại hơn, do vậy đòi hỏi lao động nghề biển phải được đào tạo, đặc biệt là thuyền trưởng, máy trưởng. Đã có tình trạng tàu phải nằm bờ do thiếu lao động.

Vai trò của thuyền trưởng

Ông Nguyễn Văn Minh ở xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) sở hữu 3 con tàu công suất máy từ 700 CV/tàu trở lên. Tuy nhiên từ ra Tết đến nay, 1 trong số 3 con tàu của ông không đủ lao động để ra khơi. Nguyên nhân theo ông Minh cho biết: Từ trước Tết, ông nhờ người cháu làm thuyền trưởng, do chưa có kinh nghiệm trong đánh bắt hải sản nên sản lượng đánh bắt được không nhiều, thành ra tiền lãi thấp, lương công nhân không đảm bảo. Do vậy, những lao động trên tàu của ông không theo nữa, thành ra thiếu nhân lực, khiến tàu của ông phải nằm bờ một thời gian sau Tết.

Nghề khai thác hải sản, vai trò của thuyền trưởng và máy trưởng quyết định hiệu quả trong mỗi chuyến biển. Ảnh: Xuân Hoàng
Nghề khai thác hải sản, vai trò của thuyền trưởng và máy trưởng quyết định hiệu quả trong mỗi chuyến biển. Ảnh: Xuân Hoàng
Lão ngư Nguyễn Văn Hải, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Thiếu lao động nghề biển là có, nhưng chỉ xảy ra ở một số chủ tàu thuyền mà thôi, bởi phụ thuộc vào hiệu quả của con tàu đó. Nghề biển cũng như các nghề khác, nếu thợ cả giỏi thì công nhân đông, ngược lại thợ cả tay nghề chưa cao thì lao động ít. Với nghề biển, đòi hỏi thuyền trưởng phải có nhiều kinh nghiệm thì sản lượng đánh bắt cao, đồng nghĩa với trả lương cho lao động đảm bảo thì lúc nào cũng có đủ lao động và ngược lại. Do vậy, những con tàu nằm bờ dài ngày, nếu không phải nghỉ bảo dưỡng thì lý do chính là thiếu lao động.

Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Long cho biết: Địa phương có 106 tàu thuyền, trong đó có 100 chiếc công suất máy 400CV trở lên, đánh bắt bằng nghề lưới vây. Đặc thù của nghề lưới vây là thuyền to máy lớn, sử dụng phương tiện đánh bắt hiện đại, trong khi đánh bắt, thuyền trưởng cần phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật đánh bắt. Ví dụ, khi phát hiện đàn cá, thuyền trưởng phải áp dụng thực tế về tốc độ gió, hướng gió, đàn cá di chuyển như thế nào... để điều chỉnh lưới cho phù hợp thì đánh bắt mới hiệu quả. Nếu không chỉ bắt được một phần của đàn cá mà thôi. Do vậy, những con tàu thiếu lao động thường rơi vào những tàu làm nghề lưới vây, thuyền trưởng thiếu kinh nghiệm, thiết bị máy móc nhỏ, cũ lạc hậu... đánh bắt không hiệu quả. Trước đây, chưa có 2 tời lưới bằng máy, mỗi con thuyền sử dụng 18 - 20 lao động, thì nay các chủ tàu đầu tư hàng chục triệu đồng lắp đặt tời máy nên số lao động giảm xuống còn 14 - 16 lao động.

Để nghề khai thác hải sản nói chung, nghề lưới vây nói riêng đánh bắt có hiệu quả, theo ông Chắt, các chủ tàu cần phải có phương pháp sắp xếp tổ chức sản xuất; phải có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm trong khai thác; thuyền trưởng phải làm chủ được các trang thiết bị trên tàu; tàu phải được trang bị các thiết bị đánh bắt hiện đại.

Ông Phan Văn Hải - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho rằng: Nghề đánh bắt hải sản trên biển, thuyền trưởng và máy trưởng luôn phải quán xuyến mọi công việc trong quá trình đánh bắt. Do vậy, yếu tố quan trọng nhất là thuyền trưởng và máy trưởng phải có nhiều kinh nghiệm, còn lao động phổ thông chỉ làm theo sự điều hành bằng các công việc tay chân, hỗ trợ trong quá trình đánh bắt. Bởi vậy, nhiều chủ tàu ở Quỳnh Lập lâu nay thường thuê nhân công từ các huyện khác, tình trạng tàu thuyền thiếu lao động ở Quỳnh Lập không nhiều, nếu có chỉ xảy ra một vài chuyến, chứ không kéo dài tháng này qua tháng khác.

Cần đào tạo lao động nghề biển

Ông Chu Quốc Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Mấy năm gần đây, nghề khai thác, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản cung cấp cho nội địa và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 3.900 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó có trên 1.200 tàu công suất từ 90CV trở lên. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là thực trạng thiếu lao động đi biển, đặc biệt trình độ kỹ thuật lao động đi biển còn thấp. Do vậy, những năm qua, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thủy sản, mỗi năm, Chi cục Thủy sản phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho thuyền trưởng, máy trưởng và 118 chứng chỉ thuyền viên, tuy nhiên số lượng được đào tạo chưa nhiều so với nhu cầu thực tế.

Về lâu dài, các địa phương và các chủ tàu và hiệp hội nghề cá ở vùng ven biển cần có chiến lược đào tạo lao động nghề biển một cách bài bản để chủ động đánh bắt và phát triển nghề truyền thống, nhất là các kỹ thuật đánh bắt tiên tiến đang áp dụng trong hiện đại hóa đội tàu và các quy định của Nhà nước, quốc tế về đánh bắt, khai thác nguồn lợi trên biển.

Thiếu lao động nghề biển, đã có những con tàu nằm bờ  như thế này. Ảnh: Xuân Hoàng
Thiếu lao động nghề biển, đã có những con tàu nằm bờ như thế này. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhân lực nghề cá là yếu tố quyết định thành công của mỗi chuyến biển. Hiện đại hóa nghề cá là nhân tố chủ chốt tạo nên chuyển biến về chất, đem lại giá trị kinh tế cao trong khai thác hải sản. Tuy nhiên, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới lại chưa được nhiều ngư dân thường xuyên cập nhật, tiếp thu, vận dụng, nhất là ngư dân vùng Diễn Châu, Nghi Lộc phần lớn sử dụng tàu thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ.

Việc thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật trong đánh bắt hải sản trên biển, không những hiệu quả thấp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của thuyền viên. Đã có không ít thuyền viên tử vong trong quá trình đánh bắt cá trên biển, do thiếu kỹ năng trong nghề. Bởi vậy, công tác khuyến ngư, đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới giúp ngư dân làm chủ ngư trường, chủ động trong mọi tình huống sản xuất trên biển là hết sức cấp thiết. Đây sẽ là yếu tố tạo được cú hích mạnh cho phát triển nghề cá của tỉnh./.

Mới nhất
x
Làm thế nào chấm dứt tình trạng tàu nằm bờ do thiếu lao động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO