Pháp luật

Phóng viên viết: Phía sau vấn đề “nóng”!

Nhật Lân 27/01/2025 07:12

Tác nghiệp đi vào những vấn đề phức tạp nảy sinh trong xã hội, không hiếm trường hợp người làm báo gặp phải sự thật trớ trêu, gây không ít khó khăn khi ngồi trước trang viết.

phiasauvandenong-cover.png

Nhật Lân • 27/01/2025

Tác nghiệp đi vào những vấn đề phức tạp nảy sinh trong xã hội, không hiếm trường hợp người làm báo gặp phải sự thật trớ trêu, gây không ít khó khăn khi ngồi trước trang viết.

phiasauvandenong-tit1.png

Thông tin lao động kiểm ngư mất việc đến với chúng tôi đầu tháng 4/2024. Quá bất ngờ. Vì thời điểm này, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động chống đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp để tháo gỡ thẻ vàng EU. Người chuyển tin, từng là cán bộ kiểm ngư, nay là phóng viên Báo Nghệ An. Anh báo tin vì xót cho những đồng nghiệp cũ khi họ là thuyền trưởng, thợ máy, thủy thủ lành nghề đã có nhiều năm công tác; và vì sự bất nhẫn khi “thiếu họ, tàu kiểm ngư nằm bờ, công tác kiểm ngư trên biển tê liệt hoàn toàn…”.

2 tàu kiểm ngư và 2 chiếc xuồng cao tốc trong thời gian nằm bờ. Ảnh Thành Cường
2 tàu kiểm ngư và 2 chiếc xuồng cao tốc trong thời gian nằm bờ (ảnh chụp tháng 4/2024). Ảnh: Thành Cường

Gặp gỡ lao động kiểm ngư, tưởng như họ - những người dạn dày nắng gió biển khơi vốn can trường, gan góc - sẽ không bị tình cảm chi phối. Vậy nhưng qua trò chuyện, cảm nhận được họ có tình yêu mãnh liệt với nghề, dù đơn vị chủ quản đã thông báo dừng việc, không được trả lương thì vẫn bên 2 chiếc tàu kiểm ngư nằm bờ sông Lam, ấp ôm hy vọng được ký lại hợp đồng để tiếp tục vươn khơi bám biển. Còn thấy ở họ, có niềm tin “người cần việc, nhưng việc cần người”.

Niềm tin ấy của những lao động kiểm ngư là có cơ sở. Bởi những người có trách nhiệm của đơn vị chủ quản khi trao đổi không ít lần khẳng định, để chống khai thác thủy hải sản trái phép phải tăng cường công tác kiểm ngư trên biển. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư trên biển, phải có những lao động này để không chỉ vận hành tàu, ca nô mà còn hỗ trợ việc kiểm tra tàu cá. Vì trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản trái pháp luật trên biển, có không ít đối tượng rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống đối khi bị kiểm tra. Tựu trung, lao động kiểm ngư là không thể thiếu. Thậm chí, có vị lãnh đạo lĩnh vực thủy sản khi được hỏi cũng thốt lên “vì chuyện này mà tôi bạc đầu, mất ăn mất ngủ”.

Một số nhân viên tàu kiểm ngư bị dừng hợp đồng trao đổi với PV Báo Nghệ An về công tác vận hành tàu kiểm soát tàu cá đánh bắt thủy sản trên biển. Ảnh: Thành Cường
Một số nhân viên tàu kiểm ngư bị dừng hợp đồng trao đổi với PV Báo Nghệ An về công tác vận hành tàu kiểm soát tàu cá đánh bắt thủy sản trên biển (ảnh chụp tháng 4/2024). Ảnh: Thành Cường

Về nguyên nhân, được trả lời là do vướng quy định mới nên đơn vị chủ quản không thể ký lại hợp đồng. Đặt ra một số câu hỏi: Sao không kiến nghị cấp trên xem xét? Không tạm thời ứng lương để nhân viên kiểm ngư tiếp tục làm việc trong thời gian chờ cấp trên tìm phương án giải quyết?... Trớ trêu thay, khi “ngoài khơi báo về, hoạt động đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp trên biển vẫn tái diễn”, người có trách nhiệm nói, đồng thời khẳng định đã thực hiện những giải pháp tạm thời như được hỏi, nhưng vô vọng!

Tìm hiểu, thì đúng là có quy định khiến các cơ quan liên quan chưa tìm ra cách bố trí lại được việc làm cho lao động kiểm ngư. Vì vậy, đã là quy định thì… phải thực hiện! Dòng thông tin về thực trạng “lao động kiểm ngư mất việc, tàu kiểm ngư nằm bờ, công tác kiểm ngư tê liệt” đã được Báo Nghệ An chuyển tải. Nhiều cơ quan báo chí sau đó cũng quan tâm, tiếp tục tìm hiểu phản ánh. Các cấp, ngành cũng đã vào cuộc, quan tâm, tập trung tìm giải pháp tháo gỡ để các nhân viên kiểm ngư trở lại tàu, công tác kiểm ngư được hoạt động trở lại.

Chuyến kiểm ngư của tàu KN-668-NA ngày 13-5-2024 sau hơn 2 tháng nằm bờ. Ảnh: Thành Cường
Chuyến kiểm ngư của tàu KN-668-NA ngày 13-5-2024 sau hơn 2 tháng nằm bờ. Ảnh: Thành Cường

Ngày 13/5/2024, ngay sau khi lao động kiểm ngư được tái ký hợp đồng, PV Báo Nghệ An được tham gia chuyến kiểm ngư đầu tiên tàu sau nhiều ngày “tạm dừng” hoạt động. Đó là tàu KN-668-NA, xuất phát từ cảng Cửa Lò đưa Tổ công tác liên ngành kiểm tra khu vực biển đảo Mắt. Chỉ qua ít giờ tuần hành, đã phát hiện một số tàu cá đánh bắt trái phép thủy hải sản. Và, điều đọng lại trong chúng tôi là lấp lánh niềm vui trên những khuôn sạm màu nắng gió của những lao động kiểm ngư…

phiasauvandenong-tit2.png

Giữa tháng 10/2024, Báo Nghệ An nhận được đơn tố cáo của công dân, liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh - doanh nghiệp đang thực hiện dự án trồng dược liệu dưới tán rừng ở xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn. Đơn gồm nhiều nội dung: tranh chấp lợi ích cá nhân trong doanh nghiệp, tình trạng người lao động bị tước đoạt quyền lợi chính đáng,… Nhưng đáng lưu tâm, là nội dung tố cáo hành vi phá rừng phòng hộ để trồng sâm Ngọc Linh.

Hình ảnh phát cây rừng tạo mặt bằng, làm luống trồng cây sâm Ngọc Linh tháng 11/2023 tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Ảnh công dân có đơn cung cấp
Hình ảnh phát cây rừng tạo mặt bằng, làm luống trồng cây sâm Ngọc Linh tháng 11/2023 tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Ảnh công dân có đơn cung cấp

Nghệ An là tỉnh có nhiều vùng rừng biên giới gắn với một bộ phận đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, những năm qua tỉnh đã nghiên cứu về tính đa tác dụng của rừng tự nhiên, để từ đó có chủ trương thử nghiệm các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Hy vọng đây sẽ là một hướng phát triển kinh tế, góp phần thay đổi tích cực đời sống đồng bào miền núi.

Việc Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn liên kết, hợp tác thực hiện trồng sâm Ngọc Linh ở xã Na Ngoi, trong vùng rừng phòng hộ Puxailaileng, được hiểu cũng là mô hình thí điểm trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Ở thời điểm Báo Nghệ An nhận đơn, việc trồng sâm Ngọc Linh đã được triển khai hơn 1 năm. Bởi tính chất thực nghiệm một mô hình kinh tế mới cho vùng cao nên đã có một số đoàn công tác dành thời gian vào vùng núi Puxailaileng để ghé thăm điểm trồng sâm Ngọc Linh. Bởi vậy, việc xem xét, giải quyết đơn tố cáo là điều khiến Ban Biên tập Báo Nghệ An phải cân nhắc.

Vùng rừng phòng hộ khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi trắng xóa màu bạt ni lông của các lán trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc
Vùng rừng phòng hộ khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi trắng xóa màu bạt ni lông của các lán trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc

Với thông tin, tài liệu thu thập được, nội dung liên quan đến rừng phòng hộ Puxailaileng thực sự đáng quan tâm. Xét thấy, rừng phòng hộ Puxailaileng giàu tính đa dạng sinh học, đã được Chính phủ xem xét đưa vào quy hoạch trở thành “khu dự trữ thiên nhiên” để gìn giữ, bảo vệ; về quy định của pháp luật, nghiêm cấm các hành vi làm thay đổi trạng thái rừng phòng hộ; hơn nữa xét thấy, nếu không cảnh báo kịp thời, hợp tác liên kết trồng sâm Ngọc Linh sẽ tiếp tục có thêm những tác động xấu, trở thành “mô hình” lan rộng hệ lụy tương tự đối với các vùng rừng giàu tính đa dạng sinh học trên các vùng núi cao của tỉnh. Vì những lý do này, Báo Nghệ An đã quyết định vào cuộc.

Từ ngày 29 - 31/10/2024, Báo Nghệ An đăng tải tuyến bài “Làm rõ tác động tiêu cực của việc trồng sâm Ngọc Linh lên rừng phòng hộ Puxailaileng”. Trước thông tin mà Báo phản ánh, Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra, làm rõ. Qua đó, xác định việc trồng sâm Ngọc linh chưa đúng với thiết kế phê duyệt, có tác động tiêu cực đến rừng phòng hộ. Ngày 18/11/2024, Báo Nghệ An tiếp tục làm rõ thêm vấn đề này qua bài viết “Qua kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ Puxailaileng: Cần kịp thời, nghiêm túc chấn chỉnh vi phạm!”.

Trong rừng phòng hộ tại Khoảnh 8, Tiểu khu 490, nhiều bụi tre, nứa bị chặt phát, bị xô nghiêng; và ở nhiều vị trí, còn vương vãi những gốc luồng, gốc tre, nứa đã bị đào xới, lật tung. Ảnh Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc
Trong rừng phòng hộ tại Khoảnh 8, Tiểu khu 490, nhiều bụi tre, nứa bị chặt phát, bị xô nghiêng; và ở nhiều vị trí, còn vương vãi những gốc luồng, gốc tre, nứa đã bị đào xới, lật tung. Ảnh Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc

Điều cần nói là khi những tồn tại của việc trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ Puxailaileng được thông tin, Báo Nghệ An nhận được một vài ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cùng với yêu cầu tạm dừng trồng sâm Ngọc Linh để chờ ý kiến của các cơ quan cấp trên là câu trả lời xác đáng. Thêm nữa, ngày 13/12/2024, Sở NN&PTNT có Công văn số 5581/SNN-KHTC yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh thực hiện nghiêm túc Quyết định số 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN ngày 10/8/2023 phê duyệt phương án hợp tác, liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn; yêu cầu chấp hành nghiêm quy định pháp luật, đảm bảo rừng phòng hộ được quản lý, bảo vệ, phát triển. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ, khắc phục các nội dung Báo Nghệ An phản ánh.

Công văn số 5581/SNN-KHTC ngày 13/12/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hợp tác, liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn.
Công văn số 5581/SNN-KHTC ngày 13/12/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hợp tác, liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn.

Đáng lưu ý, cũng tại Công văn số 5581/SNN-KHTC, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn: “Cần xem xét tổ chức hội thảo đánh giá các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đang triển khai trên địa bàn, nhất là các loại dược liệu quý, để làm rõ căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn và cũng như các quy định của pháp luật để địa phương tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ”...

phiasauvandenong-tit3.png

Thông tin về những sai phạm trong thu hồi đất, tái định cư ở thị xã Cửa Lò mà Báo Nghệ An đã chuyển tải, vắt qua 2 năm 2023 – 2024. Nhưng những phản ánh từ cơ sở, và việc thu thập hồ sơ tài liệu liên quan, căn bản được PV Báo Nghệ An góp nhặt từ năm 2022.

Ngược thời gian, giữa năm 2022, đường dây nóng Báo Nghệ An nhận được thông tin của một số cử tri phản ánh việc thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn các phường Nghi Hương, Nghi Hòa (TX. Cửa Lò) thiếu minh bạch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nội dung phản ánh có địa chỉ, gồm cả tổ chức, cá nhân liên quan, bởi vậy, việc xác minh đã được thực hiện. Sau nhiều thời gian xác minh, PV Báo Nghệ An nhận định công dân đã phản ánh đúng. Không chỉ vậy, có những bằng chứng cho thấy sai phạm trong thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn thị xã Cửa Lò là nghiêm trọng, có tính hệ thống, kéo dài qua nhiều thời gian, và có dấu hiệu một số cán bộ chủ chốt UBND thị xã Cửa Lò đã “nhúng chàm”.

Vị trí giao đất tái định cư trong phạm vi quy hoạch đường 21, thuộc phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Nhật Lân
Vị trí giao đất tái định cư trong phạm vi quy hoạch đường 21, thuộc phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Nhật Lân

Dù vụ việc có tính chất rất phức tạp, nhưng lãnh đạo Báo Nghệ An xác định phải có trách nhiệm vào cuộc, chỉ đạo cán bộ, phóng viên của mình, bằng những hồ sơ, tài liệu và thực tiễn cơ sở qua xác minh, điều tra có được, thì lựa chọn hình thức chuyển tải thông tin.

Đó là lý do để trong nhiều hồ sơ thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn thị xã Cửa Lò, PV Báo Nghệ An lựa chọn trường hợp có dấu hiệu sai phạm rõ ràng nhất để hình thành bài viết. Những bài viết “Dấu hiệu sai phạm trong phạm vi quy hoạch đường 21, TX. Cửa Lò”, “Sự “lắt léo” trong thu hồi đất phạm vi quy hoạch đường 21, TX. Cửa Lò?” được Báo Nghệ An đăng tải trong các ngày 26/10, và 2/11 năm 2023. Nội dung công khai trường hợp bị thu hồi đất, và được giao đất tái định cư tại phường Nghi Hòa có dấu hiệu sai phạm của UBND thị xã Cửa Lò và một số đơn vị liên quan.

bia-cac-bai-viet-ve-sai-pham-trong-viec-thu-hoi-dat-bo-tri-tai-dinh-cu-tren-dia-ban-thi-xa-cua-lo-3973.jpg
Bìa các bài viết về sai phạm trong việc thu hồi đất, bố trí tái định cư trên địa bàn thị xã Cửa Lò.

Bởi thông tin của Báo có tính xác thực cao, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò nhận định có một số cán bộ, đảng viên giữ chức vụ quản lý nhà nước lợi dụng chức vụ quyền hạn, đã thực hiện hành vi trái pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản công, làm sút giảm niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Vì vậy, khẩn trương chỉ đạo lập Tổ công tác thực hiện kiểm tra, rà soát công tác thu hồi đất, và tái định cư trên toàn địa bàn thị xã niên độ từ năm 2020 – tháng 6/2023.

Đến ngày 20/12/2023, qua kiểm tra, rà soát đã chỉ ra rất nhiều sai phạm trong thu hồi đất, giao đất tái định cư, liên quan đến cán bộ, đảng viên chủ chốt. Tuy nhiên, do chưa làm rõ được hết các hành vi sai phạm, chưa đưa ra được kết luận những tổ chức, cá nhân có sai phạm, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò đã phải thành lập Tổ công tác mới để kiểm tra, rà soát lại. Bởi tính chất phức tạp, việc kiểm tra kéo dài thêm hơn 3 tháng, sang tháng 4/2024 mới kết thúc. Qua đó xác định, đã có sai phạm trong thu hồi 55 thửa đất, tái định cư 85 thửa đất; bước đầu thu hồi về ngân sách Nhà nước 8,7 tỷ đồng và 4 thửa đất tái định cư. Đồng thời, kết luận một số tổ chức Đảng, những cán bộ đảng viên có sai phạm, gồm cả Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò.

Một vị trí đất trong khu dân cư UBND thị xã Cửa Lò đã thu hồi để thực hiện giao đất tái định cư. Ảnh: Nhật Lân
Một vị trí đất trong khu dân cư đã được thu hồi để thực hiện giao đất tái định cư. Ảnh: Nhật Lân

Từ đây, Thị ủy Cửa Lò đã có báo cáo chi tiết lên Thường trực Tỉnh ủy. Trước những sai phạm nghiêm trọng lĩnh vực đất đai ở thị xã Cửa Lò, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan cấp tỉnh vào cuộc. Đến tháng 6/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cùng một số đảng viên, vì đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, vi phạm pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã khởi tố bị can đối với 9 đối tượng liên quan...

* * *

Như đã nêu ở đầu bài viết, khi tham gia vào những vấn đề phức tạp nảy sinh trong xã hội, không hiếm gặp trường hợp người làm báo sẽ phải đối diện những sự thật trớ trêu, sẽ “nhọc nhằn” để có thể chuyển tải thông tin. 3 sự việc nêu ở trên, chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều sự việc phức tạp nảy sinh trên địa bàn tỉnh mà Báo Nghệ An đã góp phần tham gia giải quyết trong năm 2024…

Phóng viên viết: Phía sau vấn đề “nóng”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO