Pháp luật

Qua kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ Puxailaileng: Cần kịp thời, nghiêm túc chấn chỉnh vi phạm!

Nhóm PV Pháp luật - Bạn đọc 18/11/2024 10:28

Thực hiện kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tác động tiêu cực đến rừng phòng hộ Puxailaileng theo phản ánh của Báo Nghệ An, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn đã chỉ ra được một số tồn tại, vi phạm. Nhưng dù vậy, vẫn có những nội dung cần làm sáng rõ để nghiêm túc chấn chỉnh.

Tạm dừng hoạt động trồng sâm Ngọc Linh

Báo Nghệ An các ngày 29, 30, 31/10/2024 đăng tải tuyến bài “Làm rõ tác động tiêu cực từ việc trồng sâm Ngọc Linh lên rừng phòng hộ Puxailaileng”. Ngày 31/10/2024, Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện Kỳ Sơn cùng đồng thời có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin mà Báo Nghệ An phản ánh.

Ngày 5/11/2024, công tác kiểm tra tại hiện trường vùng trồng sâm Ngọc Linh tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi được thực hiện; đến ngày 7/11/2024, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn có Văn bản số 74/BC-KL báo cáo kết quả kiểm tra.

z6036164885603_77ea54975720d97379052deaf6243828-1cce8c02920cb4415e90a30c8a928357.jpg
Văn bản số 74/BC-KL ngày 7/11/2024 của Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn. Ảnh: Nhóm PV Pháp luật - Bạn đọc

Theo Văn bản số 74/BC-KL, từ tháng 11/2023 đến trước thời điểm Báo Nghệ An có thông tin phản ánh, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn và các đơn vị liên quan đã chủ động tổ chức kiểm tra khu vực hợp tác, liên kết trồng cây dược liệu (4 đợt, vào các ngày 6/11/2023; ngày 5/12/2023; ngày 15/6/2024 và ngày 28/10/2024). Trong các đợt kiểm tra, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn đã nhắc nhở, cảnh báo đơn vị thi công về những tác động tiêu cực đến rừng, đề nghị nghiêm túc triển khai thực hiện trồng cây dược liệu dưới tán rừng đúng theo phương án hợp tác, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để kiểm tra nội dung Báo Nghệ An phản ánh, ngày 5/11/2024, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn chủ trì phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 1 và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra tại hiện trường khu vực hợp tác, liên kết.

Trong rừng phòng hộ tại Khoảnh 8, Tiểu khu 490, nhiều bụi tre, nứa bị chặt phát, bị xô nghiêng; và ở nhiều vị trí, còn vương vãi những gốc luồng, gốc tre, nứa đã bị đào xới, lật tung. Ảnh: Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc.
Trong rừng phòng hộ tại Khoảnh 8, Tiểu khu 490, nhiều bụi tre, nứa bị chặt phát, bị xô nghiêng; và ở nhiều vị trí, còn vương vãi những gốc luồng, gốc tre, nứa đã bị đào xới, lật tung. Ảnh: Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc

Qua kiểm tra, xác định có 4 lán trại tạm của công nhân dựng lên trong khu vực hợp tác liên kết. Tổng diện tích trong bờ rào bảo vệ cây dược liệu là 3,6ha, tại lô 8, khoảnh 8, tiểu khu 490; trong đó đã triển khai thi công tại hiện trường gồm 2 vùng với diện tích 9183m2. Vùng 1 có diện tích 4993m2, gồm 100 luống sâm Ngọc Linh (tổng diện tích các luống là 2110m2). Vùng 2 có diện tích 4190 m2, gồm 30 luống sâm Ngọc Linh và 9 luống lan Kim Tuyến (tổng diện tích các luống là 552m2).

Về cách xử lý thực bì để tạo các luống sâm Ngọc Linh, công ty cào dọn một số gốc nứa tép nằm rải rác và các cành khô, cây mục để tạo mặt bằng, sau đó dùng các vật liệu gồm lưới nhựa cứng, mét, xơ dừa, một ít đất rừng để dựng thành luống. Đối với các luống trồng lan Kim Tuyến, công ty dọn dẹp, cào, xới đất để vun lên thành luống (tổng diện tích 25,5m2).

z5973031055486_b1dc1586446508ebe3eac4381363576c.jpg
Một lều lán trồng sâm ngọc linh dài hun hút trong rừng phòng hộ Puxailaileng. Ảnh: Nhóm PV Pháp luật - Bạn đọc

Qua kiểm tra, không có dấu hiệu cưa, cắt các cây gỗ đứng tại khu vực trồng cây dược liệu. Nhưng đoàn kiểm tra ghi nhận có việc cào, dọn các gốc nứa tép cũ nằm rải rác gần các luống trồng sâm; có việc phủ kín ni lông trên các luống trồng sâm Ngọc Linh. Đồng thời, xác định có các cây gỗ hoai mục bị gãy đổ, cưa cắt xung quanh các luống trồng sâm, nhưng không xác định được thời điểm gãy đổ, cưa cắt.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đảm bảo theo quy định. Cụ thể, công nhân làm việc trong rừng chưa được trang bị các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên dụng; chưa có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan giữa các lô, khoảnh và tiểu khu lân cận trong khu vực hợp tác, liên kết; chưa có quy định, nội quy cụ thể về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trong rừng phòng hộ tại Khoảnh 8, Tiểu khu 490, có một số cây gỗ bị cắt sát gốc cùng một số thân gỗ đang trong thời gian phân hủy, hoai mục. Ảnh: Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc
Trong rừng phòng hộ tại Khoảnh 8, Tiểu khu 490, có một số cây gỗ bị cắt sát gốc cùng một số thân gỗ đang trong thời gian phân hủy, hoai mục. Ảnh: Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc

Sau khi kiểm tra hiện trường, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn đã làm việc với Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh, và kết luận: “Có việc cào xới, vun luống dưới tán rừng để trồng cây lan Kim Tuyến và việc cào dọn một số gốc nứa tép nằm rải rác trong khu vực. Việc này không phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-BQL ngày 29/8/2023 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn. Có tác động đến đất rừng xung quanh các luống trồng cây dược liệu như cào xới các gốc nứa tép đã cũ, phủ ni lông dưới tán rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực hợp tác liên kết chưa đảm bảo theo quy định”.

Qua đó, đề nghị Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tạm dừng hoạt động phát sinh mới cho đến khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền; tiếp thu, khắc phục kịp thời để có tác động ít nhất đến môi trường rừng; phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật đúng theo quy định.

Kết luận đã đúng, đủ?

Nghiên cứu Văn bản số 74/BC-KL, dù Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn đã chỉ ra một số tồn tại, vi phạm và tạm dừng hoạt động của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh, tuy nhiên, vẫn còn những nội dung cần phải được làm sáng rõ.

Cụ thể, ở báo cáo của Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn chưa đánh giá hiện trạng 3,6ha rừng phòng hộ trong phạm vi bờ rào bảo vệ cây dược liệu có gì sai, khác so với hiện trạng trước đây. Theo chúng tôi, đây là việc cần làm rõ, và hoàn toàn có cơ sở để làm rõ.

Vì trong hồ sơ, tài liệu liên quan có báo cáo kết quả điều tra hiện trạng rừng tự nhiên phục vụ xây dựng “Dự án hợp tác, liên kết trồng rừng lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An” do Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ thực hiện hoàn thành hồi tháng 3/2023.

Báo cáo kết quả điều tra hiện trạng rừng tự nhiên khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ. Ảnh: Nhóm PV Pháp luật - Bạn đọc
Báo cáo kết quả điều tra hiện trạng rừng tự nhiên khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi, Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ. Ảnh: Nhóm PV Pháp luật - Bạn đọc

Ở tài liệu này, Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ tổ chức khảo sát điều tra khá cụ thể hiện trạng các loại rừng trong phạm vi khoảnh 8, tiểu khu 490. Trong đó, rừng hỗn giao gỗ - nứa (nơi đã trồng sâm Ngọc Linh và lan Kim Tuyến) được đánh giá có cấu trúc phức tạp; thành phần thực vật chủ yếu là các loại cây trâm, dung, kháo, dẻ, màng tang… hỗn giao với cây nứa. Thậm chí, còn xác định cụ thể trữ lượng của rừng hỗn giao gỗ - nứa, cụ thể mỗi ha có 231,5m3 gỗ và 5.133 cây nứa.

Hơn nữa, ở phương án hợp tác, liên kết trồng dược liệu dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN có nêu rõ tổng diện tích rừng hỗn giao gỗ - nứa thuộc khoảnh 8, tiểu khu 490 là 6,6ha. Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh khoanh rào bảo vệ 3,6ha để triển khai thi công trên diện tích 0,9183ha. Như vậy, vẫn còn nguyên trạng 3ha rừng hỗn giao gỗ - nứa để Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn có thể so sánh, đánh giá được sự sai khác.

Đường vào vùng trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ xã Na Ngoi.
Đường vào vùng trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ Puxailaileng ken kín đủ loại cây rừng. Ảnh: Nhóm PV Pháp luật - Bạn đọc

Về việc Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn đưa ra kết luận: “Có cào dọn một số gốc nứa tép nằm rải rác trong khu vực”; “Có tác động đến đất rừng xung quanh các luống trồng cây dược liệu như cào xới các gốc nứa tép đã cũ”, theo chúng tôi (PV) là chưa xác đáng.

Sở dĩ có nhận định này vì những hình ảnh, clip, băng ghi âm chúng tôi có được (đã sử dụng một phần trong tuyến bài “Làm rõ tác động tiêu cực từ việc trồng sâm Ngọc Linh lên rừng phòng hộ Puxailaileng”) chứng minh người lao động của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh phát, đào những bụi nứa còn tươi nguyên trong rừng phòng hộ để tạo mặt bằng trồng sâm Ngọc Linh; thậm chí, có cả hình ảnh, clip ghi lại cảnh lãnh đạo của công ty này trước ngổn ngang những bụi nứa đã bị chặt, đào, đưa lên khỏi bề mặt đất rừng.

Hành vi phát rừng để tạo mặt bằng trồng cây sâm ngọc linh (ảnh công dân có đơn cung cấp)
Hành vi phát rừng để tạo mặt bằng trồng cây sâm ngọc linh. Ảnh: Công dân có đơn cung cấp
Hình ảnh phát cây rừng tạo mặt bằng, làm luống trồng cây sâm Ngọc Linh tháng 11/2023 tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Ảnh công dân có đơn cung cấp
Hình ảnh phát cây rừng tạo mặt bằng, làm luống trồng cây sâm Ngọc Linh tháng 11/2023 tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Công dân có đơn cung cấp

Bên cạnh đó, từ tháng 11 đến tháng 12/2023, hành vi phát, đào bụi nứa trong rừng phòng hộ của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh đã bị UBND xã Na Ngoi và kiểm lâm địa bàn phát hiện, lập biên bản đến 2 lần. Đối chiếu với thực tế hiện trường của chúng tôi ngày 21/10/2024 (có sự tham gia của ông Hờ Bá Xểnh - Kiểm lâm địa bàn xã Na Ngoi), những tài liệu trên là bằng chứng xác thực. Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn có thể sử dụng, để cùng với việc kiểm tra hiện trường ngày 5/11/2024, đưa ra được kết luận rõ ràng hơn hành vi của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tác động đến rừng phòng hộ!

z6036148926064_49b3936d764ac50acedc41ac1454da9e.jpg
Hai biên bản UBND xã Na Ngoi và kiểm lâm địa bàn lập sau khi phát hiện Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh thực hiện hành vi phát, đào bụi nứa trong rừng phòng hộ Puxailaileng. Ảnh: Nhóm PV Pháp luật - Bạn đọc

Chưa hết, tại Báo cáo số 74/BC-KL chưa có đánh giá về tính chất phòng hộ của rừng trong phạm vi bờ rào bảo vệ diện tích 3,6ha có suy giảm hay không? Đây thực sự là nội dung rất quan trọng, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đưa ra những quyết định chính xác đối với việc hợp tác, liên kết trồng dược liệu dưới tán rừng của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh với Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn. Bởi việc trồng sâm Ngọc Linh theo mô hình tập trung, gồm 130 luống có mái che ni lông với tổng diện tích 0,9183ha, đã chiếm đến hơn 1/4 diện tích 3,6ha rừng phòng hộ. Phạm vi diện tích 0,9183ha này đã trở thành vườn sâm Ngọc Linh, sẽ không còn cơ hội tái sinh rừng, phát triển rừng.

“Quy trình làm đất phải thực hiện theo phương thức để có tác động ít nhất đến môi trường rừng. Vì vậy, các loại cây dược liệu trồng trong dự án đều được thực hiện theo phương thức gần như tự nhiên, các cây được trồng theo hố có đường kính khoảng 10cm, theo mật độ phù hợp với từng loại cây, không cày xới, vun luống trong rừng để trồng các loại cây dược liệu” (Hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng cây dược liệu dưới tán rừng - Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-BQL ngày 29/8/2023).

Cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật

Tại Báo cáo số 74/BC-KL, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn có nhắc đến ý kiến của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh với nội dung như sau: “Qua làm việc, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh công nhận có những tác động nhất định đến hệ sinh thái rừng trong quá trình triển khai trồng dược liệu. Cụ thể là trong khâu xử lý thực bì, làm đất, và việc phủ ni lông trên mặt luống để chăm sóc những cây sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, công ty khẳng định, phải có những tác động như vậy mới trồng được cây sâm Ngọc Linh...”; “kiến nghị xem xét, rà soát, điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện thực tế khu vực trồng dược liệu”.

Vì vậy, thời gian qua chúng tôi (PV) đã tìm hiểu việc thực hiện chương trình trồng dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn của tỉnh. Để rồi được biết ở các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong... đã có một số mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đạt được kết quả khả quan. Và biết PGS.TS Đào Thị Minh Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học là một trong những người tiên phong, có sự gắn kết mật thiết với Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, tổ chức Quỹ môi trường toàn cầu, để tổ chức thực hiện.

z6036154889762_734ca755435ea111b9ca89ea3b299956-6fe8a7cce0374996dd287e830575c943.jpg
PGS.TS Đào Thị Minh Châu. Ảnh: Tiến Đông

Theo PGS.TS Đào Thị Minh Châu, các dự án, chương trình trồng cây dược liệu dưới tán rừng hiện đang thực hiện trong phạm vi rừng sản xuất. Dù vậy, trước khi thực hiện cũng đều khảo sát kỹ hiện trạng thảm thực vật dưới tán rừng để xác định các loài dược liệu đưa vào trồng phù hợp với điều kiện sinh thái, giúp phát triển tốt, làm tăng độ che phủ của rừng, không làm thay đổi cấu trúc của hệ sinh thái rừng. PGS.TS Đào Thị Minh Châu đã nói rằng, bà không đồng tình với việc phát dọn rừng đến mức làm thay đổi cấu trúc và chức năng của rừng để trồng dược liệu. Đặc biệt là với rừng phòng hộ, vì những can thiệp lớn sẽ làm thay đổi điều kiện sinh thái, thay đổi cấu trúc rừng, sẽ làm giảm đi chức năng điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, chống xói mòn...

Đồng thời PGS.TS Đào Thị Minh Châu đưa ra khuyến cáo: “Trong hệ sinh thái rừng, không chỉ có các loài cây và động vật mà còn bao gồm cả vi khuẩn, đất đai, nước và khí quyển. Tất cả những thành phần này kết hợp với nhau để tạo nên một môi trường sống phức tạp nhưng cân bằng, trong đó, mỗi yếu tố đều đóng góp vào sự tồn tại và phát triển của hệ thống. Việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng là cần thiết để chúng ta đạt được đồng thời 2 mục tiêu, gồm tạo sinh kế cho người dân để quản lý rừng tốt hơn và bảo tồn đa dạng sinh học. Vì vậy, việc thực hiện dự án trồng dược liệu dưới tán rừng nên thực hiện theo cách trồng xen dắm dưới tán các loài cây khác, loài này sống dựa vào những loài khác và ngược lại, mật độ trồng vừa phải để không chiếm không gian của các loài khác trong hệ sinh thái chung, tạo điều kiện để cả hệ sinh thái cùng phát triển”.

Vùng rừng phòng hộ khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi trắng xóa màu bạt ni lông của các lán trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc
Vùng rừng phòng hộ khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi trắng xóa màu bạt ni lông của các lều lán trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: Nhóm P.V Pháp luật - Bạn đọc

Những trao đổi của PGS.TS Đào Thị Minh Châu trong việc trồng dược liệu dưới tán rừng là sát đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như Điểm 2, Điều 25 (sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp trong rừng phòng hộ), Nghị định 156/NĐ-CP quy định: “Chủ rừng, bên nhận khoán ổn định là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phòng hộ, nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng và khả năng phòng hộ của rừng”.

Bởi vậy, với những gì đã phản ánh qua tuyến bài “Làm rõ tác động tiêu cực từ việc trồng sâm Ngọc Linh lên rừng phòng hộ Puxailaileng” và những nội dung nêu ở trên, đề nghị các cơ quan chức năng đánh giá chính xác những tác động tiêu cực lên rừng phòng hộ khoảnh 8, tiểu khu 490, thuộc khu “dự trữ thiên nhiên” Puxailaileng, kịp thời chấn chỉnh nghiêm theo quy định pháp luật!

Mới nhất

x
Qua kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ Puxailaileng: Cần kịp thời, nghiêm túc chấn chỉnh vi phạm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO