Làm thế nào để 'cứu' vùng sản xuất cam Vinh

Xuân Hoàng-Văn Trường

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trước thực trạng hiện nay có nhiều diện tích cam Vinh của Nghệ An đang bị thoái hóa, nhiễm bệnh, lụi tàn, chất lượng và năng suất thấp, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có giải pháp hữu hiệu để “cứu” vùng cam.
Một số diện tích cam ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) lụi tàn do nhiễm bệnh. Ảnh: Văn Trường.
Một số diện tích cam ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) lụi tàn do nhiễm bệnh. Ảnh: Văn Trường.

Nhiều bất cập

Nghệ An là tỉnh có điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu phù hợp phát triển của cây cam, đặc biệt là các vùng đất bazan ở các huyện miền Tây như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ…. Cây cam có giá trị kinh tế cao đã được khẳng định từ lâu nên đã được tỉnh quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung. Để phát triển cây cam, tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách, cơ chế để phát triển liên quan đến cây cam.

Tuy nhiên, qua thời gian, các vùng trồng cam nảy sinh những bất cập.Nhiều diện tích cam ở Nghệ An đang bị thoái hoá, nhiễm bệnh, lụi tàn, chất lượng và năng suất thấp.

Việc sản xuất giống cây cam trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do các tổ chức, cá nhân tự nhân giống để trồng hoặc mua từ các địa phương khác mà không kiểm soát được chất lượng nguồn gốc. Các giống bán trên thị trường không dán nhãn hàng hóa theo quy định nên không truy được nguồn gốc xuất xứ.

Hầu hết các vườn cam còn sót lại ở vùng Phủ Quỳ (Quỳ Hợp) đều có năng suất thấp, chất lượng kém. Ảnh: Văn Trường.
Hầu hết các vườn cam còn sót lại ở vùng Phủ Quỳ (Quỳ Hợp) đều có năng suất thấp, chất lượng kém. Ảnh: Văn Trường.

Công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng nguồn giống cam còn gặp nhiều khó khăn do chưa lấy mẫu để giám định mẫu sản phẩm cây giống. Các cành ghép, mắt ghép được lấy từ các cây mẹ không được trồng cách ly trong nhà kín, nhà lưới nên không kiểm soát được dịch bệnh.

Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch cam còn bất cập, dẫn đến nhiều vùng người dân trồng cam mang tính tự phát, không theo quy hoạch. Trồng lấn sang vùng đất được quy hoạch cho cây trồng khác, thậm chí trồng trên các vùng đất xấu làm cho cây sinh trưởng kém, năng suất và chất lượng thấp.

Đối với công tác phòng trừ sâu bệnh, người trồng cam sử dụng thuốc BVTV hóa học còn lạm dụng về tăng số lần phun, tăng nồng độ và liều lượng. Kết hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc làm cho cho các đối tượng dịch hại nhờn thuốc, phát sinh và gây hại thường xuyên hơn.

Theo điều tra khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, trung bình hàng năm người sản xuất cam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích, điều hòa sinh trưởng từ 16 - 22 lần/năm.

Một số vùng cam ở huyện Quỳ Hợp chuyển đổi sang trồng cây khác để phục hồi đất. Ảnh: Văn Trường.
Một số vùng cam ở huyện Quỳ Hợp chuyển đổi sang trồng cây khác để phục hồi đất. Ảnh: Văn Trường.

Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm cam chủ yếu là người dân tự bán hoặc bán cho các tư thương nên giá cả không ổn định. Chưa hình thành được nhiều chuỗi sản phẩm liên kết từ người sản xuất đến các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù có thương hiệu “Cam Vinh” nhưng vẫn còn tình trạng chủ vườn cam không dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, nên các sản phẩm cam kém chất lượng trà trộn và không kiểm soát được. Nhiều giống cam chất lượng thấp đã được trồng trước đây nhưng vẫn chưa được thay bằng giống mới có năng suất, chất lượng tốt.

Hướng đi nào cho cây cam?

Một hộ dân trồng cam lâu năm ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) chia sẻ: Trước thực trạng thua lỗ vì cây cam trong những năm qua, chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn cần có giải pháp nghiên cứu để hướng dẫn người dân phục hồi đất, sớm trồng lại giống cam mới để phát triển vùng cam ổn định.

Ông Trương Văn Biên - chủ hộ trồng cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành) cho rằng, ngoài vấn đề cây giống thì việc chăm sóc sau khi trồng đóng vai trò quyết định đến năng suất và chất lượng. Theo ông Biên, để phòng trừ sâu bệnh trên cây cam hiệu quả và không ảnh hưởng đến môi trường đất, người trồng cam cần nghiên cứu sản xuất thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học để sử dụng.

Đối với phân bón, ngoài phân hữu cơ, cần chọn loại phân bón hóa học có chất lượng tốt để bón số lượng vừa phải, không nên bón quá nhiều. “Tôi đang có 5 ha cam 8 năm tuổi, hàng năm do sử dụng thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học, nên vườn cam phát triển tốt, ít sâu bệnh hại và không ảnh hưởng gì đến môi trường không khí và đất”, ông Trương Văn Biên chia sẻ.

Phát triển vùng cam ở huyện Yên Thành. Ảnh: Quang An
Phát triển vùng cam ở huyện Yên Thành. Ảnh: Quang An

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết: Địa bàn huyện Yên Thành hiện có trên 200 ha cam, chủ yếu tập trung ở các xã Đồng Thành, Minh Thành, Xuân Thành. Hiện nay, diện tích cam của huyện Yên Thành chủ yếu từ 10 - 12 năm tuổi, chưa đến chu kỳ thoái hóa đất, tuy nhiên, huyện chỉ đạo các xã trồng cam thực hiện biện pháp “tái canh” phục hồi vườn cam. Cụ thể là tập trung sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, sử dụng các chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh.

Trao đối với chuyên gia nông nghiệp, ông Doãn Trí Tuệ cho rằng, nguyên nhân nhiều diện tích cam bị nhiễm bệnh chủ yếu là do cây giống không đảm bảo sạch bệnh. Do vậy, để cam Vinh phát triển tốt, đạt năng suất cao, chất lượng tốt, trước hết phải quản lý tốt khâu giống. Nghệ An cần có sơ sở sản xuất cây giống cam đạt chất lượng, sạch bệnh để cung ứng đủ cho người trồng cam. Cùng đó, cam là cây cần nước, nhưng không thích nghi với tình trạng úng nước.

Do vậy, người trồng cam không nên trồng trên vùng đất có độ dốc quá cao và vùng đất quá thấp. Cuối cùng, cần xử lý dứt điểm đối với những cây cam bị nhiễm bệnh. Hiện nay, cây cam trên địa bàn Nghệ An bị nhiễm 2 bệnh chính: Bệnh Greening và bệnh thối rễ, vàng lá, rụng quả. Cả 2 bệnh này hiện đang tồn tại và phát triển ở các vùng cam ở Nghệ An. Để trị được bệnh, trước hết giống phải sạch bệnh, cây đã bị bệnh thì phát hiện kịp thời và đào cả gốc rễ để đốt, bón vôi vào và lấp lại.

Để đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh phát triển cam hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng tốt, bảo vệ và phát triển thương hiệu “Cam Vinh”, ông Nguyễn Tiến Đức - Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: Việc gắn quy hoạch trồng cam của các huyện, xã với đề án chung của tỉnh, không dàn trải mà cần tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với các cơ sở chế biến là điều hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác bảo tồn quỹ gen và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cam; du nhập các giống cam có chất lượng cao, có thời điểm thu hoạch trong năm khác với giống cam Xã Đoài, cam Valencia, cam BH để rải vụ... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người sản xuất loại bỏ giống cũ, những vườn cam già cỗi và những vườn bị nhiễm bệnh, trồng thay thế bằng giống ghép sạch bệnh.

Đối với vườn trồng mới, trồng lại, áp dụng đồng bộ khâu chọn giống từ các viện, trung tâm nghiên cứu để đảm bảo chất lượng, áp dụng quy trình trồng và chăm sóc theo quy trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, tăng cường sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, quản lý dịch hại IPM, các biện pháp canh tác, tỉa cành tạo tán, tủ gốc giữ ẩm trong mùa khô nóng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước...

Hiện tượng cam Vinh trên địa bàn Nghệ An rụng hàng loạt. Ảnh: Quang An
Hiện tượng cam Vinh trên địa bàn Nghệ An rụng hàng loạt. Ảnh: Quang An

Chỉ nên bố trí trồng cam ở độ dốc dưới 250, những diện tích có độ dốc từ 10 - 250 phải tiến hành tạo đường đồng mức, áp dụng kỹ thuật giữ cỏ trong vườn, trồng xen các loại cây để hạn chế xói mòn, rửa trôi và tăng hiệu quả kinh tế; trên đỉnh đồi cần giữ rừng để chắn gió, giữ độ ẩm cho đất trồng.

Đối với các vườn cam kém hiệu quả, cần tiến hành cải tạo đất, tăng cường bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, không lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM,… để phục hồi lại vườn cam, tăng hiệu quả sản xuất.

Các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả. Các cây giống cam khi lưu thông trên thị trường phải dán nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Khuyến cáo người dân mua cây giống tại các cơ sở buôn bán uy tín, mua tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu để đảm bảo chất lượng cây giống.

Về bảo vệ thực vật, tổ chức tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại trên cây cam, từ đó đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch hại có hiệu quả, nhất là một số đối tượng dịch hại nguy hiểm như bệnh Greening, nhện đỏ…

Tăng cường đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cam. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc sử dụng trên cây cam, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật của Nhà nước về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật...

tin mới

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.