Làm thế nào để không phụ thuộc thị trường Trung Quốc?

21/08/2014 13:32

(Baonghean) - Nghệ An là địa phương có tiềm năng lớn về nông, lâm sản; ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất và đem lại nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, trước những biến động thị trường thời gian gần đây, ngành công nghiệp này đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Theo số liệu của Cục Thống kê và Sở Công thương Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 163,7 triệu USD, tăng 12,22% so với cùng kỳ năm 2013. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước là hàng rau quả tăng 357,69%; cà phê tăng 169,95%; hạt tiêu tăng 282,95%; hàng dệt may tăng 127,51%; sản phẩm bằng gỗ tăng 8,4 lần; đồ chơi trẻ em tăng 104,45%. Tuy nhiên, một số hàng nông sản, thực phẩm chế biến xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng thủ công mỹ nghệ, gỗ băm dăm… đều giảm cả về số lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Sản phẩm mật rỉ xuất khẩu giảm mạnh, từ 15.144 tấn 6 tháng đầu năm 2013 xuống còn 8.310 tấn trong 6 tháng đầu năm nay. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, một số mặt hàng như: gạo tẻ, cao su, hành tía, tỏi khô, lạc nhân, sản phẩm bằng nhựa không xuất khẩu được. Qua cơ cấu ngành hàng và số liệu xuất khẩu cho thấy, sản phẩm nông, lâm nghiệp xuất khẩu đang chủ yếu xuất thô, hoặc ở dạng sơ chế, tính bền vững chưa cao; sản phẩm qua chế biến sâu còn chiếm tỷ trọng thấp. Điều này cho thấy, quá trình sản xuất gắn với chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp xuất khẩu còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là, ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp của Nghệ An hầu hết quy mô còn nhỏ; cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị lạc hậu so với các nước phát triển; nguồn nhân lực, khả năng quản trị còn hạn chế. Do đó, các sản phẩm chế biến chủ yếu mới ở dạng sơ chế (như gỗ băm dăm, mủ cao su…), hầu như chưa thể sản xuất được sản phẩm cuối cùng đưa ra thị trường. Một số sản phẩm có dư lượng hóa chất cấm cao. Mặt khác, một số ngành có vùng nguyên liệu không ổn định, không đáp ứng được công suất của máy móc và yêu cầu xuất khẩu. Từ thực tế đó, sản phẩm xuất khẩu khó lòng đạt được các tiêu chí khắt khe của các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản và EU, mà chủ yếu mới chỉ thâm nhập vào được những thị trường tương đối dễ tính, yêu cầu không khắt khe về chất lượng, lớn nhất là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc dẫn đến tính ổn định trong sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp chưa cao một khi thị trường này có biến động.

Thực tế trên đã đặt ra yêu cầu có tính cấp thiết là phải đổi mới mạnh mẽ ngành sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp xuất khẩu. Đây cũng là xu hướng chung trong quy luật phát triển hiện nay. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường ngoài Trung Quốc như Mỹ và EU, doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố. Quan trọng vẫn là bài toán về vốn, thứ hai là về vùng nguyên liệu và các yêu cầu khác về nguồn nhân lực, kỹ thuật…”. Đề ra của bài toán trên là không đơn giản, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thực sự quyết tâm, cộng với sự vào cuộc hiệu quả của các cơ quan chức năng, việc tìm ra lời giải không phải là không làm được. Trước hết, cần làm tốt khâu quy hoạch về phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, bảo đảm cung ứng đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đáp ứng quy mô máy móc và nhu cầu thị trường. Thứ hai, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm cũng hết sức quan trọng. Muốn phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu thì phải tìm hiểu kỹ về thị trường, tìm kiếm được các đối tác có năng lực và nhu cầu bền vững, có tính lâu dài. Từ những yêu cầu của thị trường xuất khẩu mà có những phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ phù hợp.

Mặt khác, muốn phát triển bền vững, tất yếu ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu phải tìm cách thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, hướng đến các thị trường có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm như Nhật Bản, Mỹ và EU. Muốn vậy, ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu phải có sự thay đổi mang tính chất đột phá về quy mô, công nghệ, nhân lực, quản trị để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Đây là yêu cầu và thách thức rất lớn, nhưng cũng là cơ hội để ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu có bước phát triển mới, tạo ra những hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế - xã hội – khoa học kỹ thuật, công nghệ, tiệm cận với trình độ phát triển chung với các địa phương trong nước có nền công nghiệp phát triển và quốc tế.

Quang Đ­ại

Mới nhất
x
Làm thế nào để không phụ thuộc thị trường Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO