Làm thế nào để thể thao Nghệ An không ngừng phát triển?
Trong những năm qua, sự nghiệp thể dục thể thao Nghệ An đã có những bước tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng phong trào thể dục thể thao quần chúng, lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao, cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu, đội ngũ cán bộ của ngành TDTT. Tuy nhiên, trước yêu cầu của phong trào ngày càng phát triển, để thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, thể thao Nghệ An vẫn còn một số mặt cần nhanh chóng khắc phục, đó là:
(Baonghean) - Trong những năm qua, sự nghiệp thể dục thể thao Nghệ An đã có những bước tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng phong trào thể dục thể thao quần chúng, lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao, cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu, đội ngũ cán bộ của ngành TDTT. Tuy nhiên, trước yêu cầu của phong trào ngày càng phát triển, để thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, thể thao Nghệ An vẫn còn một số mặt cần nhanh chóng khắc phục, đó là:
- Phong trào thể dục thể thao quần chúng đến nay phát triển vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu định hướng chỉ đạo cho nên chất lượng của phong trào chưa cao.
- Hệ thống đào tạo VĐV vẫn chưa được hình thành và ổn định từ tỉnh xuống cơ sở. Vì vậy, chưa tuyển chọn được những em có năng khiếu để tập trung đào tạo huấn luyện, nhất là những môn thể thao mũi nhọn của tỉnh.
- Hệ thống thi đấu thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao chưa rõ ràng. Hiện nay đang tập trung ở những môn dễ kêu gọi tài trợ như bóng đá, cầu lông, còn các môn thể thao trọng điểm khác như điền kinh, bơi lội đang còn dựa vào ngành Giáo dục và Đào tạo thông qua Hội khỏe Phù Đổng hàng năm là chủ yếu.
- Việc chỉ đạo xây dựng câu lạc bộ thể thao một hay nhiều môn ở cơ sở, xã có phong trào thể dục thể thao khá chưa được quan tâm chú ý (mặc dù năm 2004 đã thí điểm thành công ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng).
Trước những tồn tại trên, thể thao Nghệ An cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
1. Xây dựng các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo, quản lý phong trào thể dục thể thao trên địa bàn theo định hướng của ngành, của tỉnh.
2. Tập trung thí điểm, nhân rộng mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở (thôn, xóm, làng, bản một vài môn thể thao). Xây dựng xã thể thao tiên tiến.
3. Đưa thể thao vào trường học các cấp với hai hình thức: Nội khóa (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngoại khóa chú trọng các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh.
4. Thành lập các liên đoàn thể thao, hội thể thao để quản lí hoạt động trên địa bàn tỉnh như Liên đoàn Võ thuật, Liên đoàn Cầu lông như hiện nay.
5. Tham mưu cho tỉnh có chế độ chính sách nhằm thu hút các nguồn tài trợ từ xã hội hóa để hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các giải thể thao cho những vận động viên ưu tú…
6. Hình thành hai hệ thống thi đấu: Hệ thống thi đấu phong trào rộng cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Hệ thống thi đấu phục vụ cho thể thao thành tích cao, chủ yếu là vận động viên trẻ.
7. Chú trọng đưa khoa học kỹ thuật vào công tác huấn luyện, tuyển chọn, dinh dưỡng, hồi phục sau tập luyện và thi đấu nhằm nhanh chóng nâng cao thành tích thể thao Nghệ An ngang tầm khu vực và châu Á, có một số môn có huy chương thế giới.
8. Quy hoạch tổng thể về thể dục thể thao dài hạn trên địa bàn tỉnh, từ xóm, xã, huyện, tỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, các chỉ tiêu được đặt ra cụ thể về phong trào thể dục thể thao quần chúng; hệ thống đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao, xác định các môn thể thao trọng điểm để đầu tư; quy hoạch về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài các cấp. Chú ý quy hoạch từ xã lên huyện, tỉnh.
Nguyễn Hoàng (Hà Nội)