Lần đầu tiên phát hiện hai hố đen trong chòm sao
Các nhà thiên văn quốc tế thông báo họ tìm thấy hai hố đen trong một chòm sao dày đặc thuộc dải Ngân Hà.
Hình minh họa hai hố đen gần nhau. Ảnh: discoverymagazine.com.
Stefan Umbreit, một nhà thiên văn của Đại học Northwestern tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp tìm thấy cặp hố đen sau khi phân tích dữ liệu của Messier 22, chòm sao cách trái đất chừng 10.000 năm ánh sáng. Mỗi hố đen có khối lượng gấp từ 10 tới 20 lần mặt trời, Telegraph đưa tin.
Vùng trong không gian có trường hấp dẫn mạnh đến nỗi mọi dạng vật chất, kể cả ánh sáng, không thể thoát ra khỏi mặt biên của nó được gọi là hố đen. Chúng là phần còn lại của những ngôi sao siêu lớn đã "chết" do tự sụp đổ vào bên trong. Từ nhiều năm qua giới thiên văn tin rằng mỗi chòm sao chỉ chứa một hố đen. Vì thế phát hiện mới có thể dẫn tới việc xem xét lại giả thuyết về sự tồn tại của hố đen trong mỗi chòm sao.
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy mọi giả thuyết và mô hình đều cần được điều chỉnh", James Miller-Jones, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Nhóm nghiên cứu đã lập mô hình để tái hiện quá trình tiến hóa của chòm sao Messier 22. Mô hình cho thấy, nhiều hố đen hình thành trong quá trình tiến hóa của nó. Vì thế, cặp hố đen mà nhóm chuyên gia vừa phát hiện không phải là những hố đen duy nhất trong chòm sao này.
"Messier 22 có thể chứa tới 100 hố đen, song chúng tôi chỉ có thể tìm ra chúng nếu chúng nuốt chửng các ngôi sao", Miller-Jones nói.
(Theo VnExpress) - QN