Lan tỏa và trường tồn

22/01/2015 11:22

(Baonghean) - Đối với người dân Diễn Châu, từ lâu các hoạt động văn hóa của làng, xã luôn gắn với những điệu hò, câu ví giận thương mộc mạc mà sâu lắng tình người. Ở vùng quê này, từ người già tới người trẻ đều thuộc một đôi câu trong các làn điệu ví, giặm, đó chính là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của người dân nơi đây…

CLB Dân ca ví, giặm xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) hiện có 20 người tham gia, nghệ nhân lớn tuổi nhất là cụ Hoàng Tiến Phác (90 tuổi), người trẻ tuổi nhất là cháu Vũ Thị Yến Nhi, (10 tuổi). Trong các buổi sinh hoạt, các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy các làn điệu cho lớp trẻ. Nhờ thế mà Dân ca ví, giặm ở đây có sức sống bền bỉ, được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cụ Phác tâm sự: Các làn điệu Dân ca, ví, giặm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Đặc biệt, trong các ngày hội làng, hội xóm, hay ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của bà con đều không thể thiếu những câu ví phường vải, ví phường cấy… gắn với những sinh hoạt làng, xã khiến cho các buổi giao lưu văn nghệ thêm phần hấp dẫn.

Ông Ngô Khắc Duy và cháu nội Ngô Hoàng Anh tập một sáng tác dân ca ví, giặm lời mới.
Ông Ngô Khắc Duy và cháu nội Ngô Hoàng Anh tập một sáng tác dân ca ví, giặm lời mới.

CLB Dân ca ví, giặm xã Diễn Thái có 18 hội viên tham gia, chủ yếu là anh, chị em gắn bó với công việc đồng ruộng. Việc luyện tập dân ca được thực hiện vào ban đêm, tuy nhiên với tinh thần nhiệt huyết và lòng yêu thích nên tất cả hội viên đều tham gia tích cực, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Hiện tại 10/10 xóm của Diễn Thái đã thành lập được 10 tổ hát dân ca. Các tổ chức như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh viên, người cao tuổi đều thành lập các nhóm hát dân ca.

Dân ca ví, giặm cũng đã “bám rễ” trong đời sống tinh thần của các gia đình khắp các làng quê Diễn Châu. Được thừa hưởng lòng đam mê Dân ca ví, giặm và năng khiếu chơi đàn bầu từ ông nội, nên khi lên 5 tuổi, cô bé Ngô Hoàng Anh ở xã Diễn Hoa đã là một tài năng trẻ của làng dân ca, gặt hái nhiều thành công tại các hội diễn trong và ngoài tỉnh. Ngày ngày trong ngôi nhà nhỏ, hai ông cháu vẫn miệt mài với các làn điệu dân ca với ước muốn giản dị: Mạch nguồn dân ca sẽ chảy mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác... Ông Ngô Khắc Duy, ông nội của bé Hoàng Anh tâm sự: Từ khi còn trẻ tôi đã yêu thích Dân ca ví, giặm, đi đến đâu bà con cũng yêu cầu đàn hát cho họ nghe. Bây giờ có tuổi thì muốn con cháu mình cũng phải biết đàn hát dân ca, chỉ với mong muốn khi các cháu trưởng thành sẽ lưu tâm gìn giữ bản sắc văn hóa của cha ông. Vì vậy mà tôi dồn hết tâm sức để dạy cho cháu. Còn bé Ngô Hoàng Anh thì chia sẻ: Cháu rất thích đàn và hát các làn điệu dân ca, từ ông nội, cháu thuộc rất nhiều làn điệu khác nhau. Sau này lớn lên, cháu mong ước trở thành nghệ nhân dân ca.

Dân ca ví, giặm có sức sống vô cùng mạnh mẽ trong đời sống tinh thần người Diễn Châu. Trong kháng chiến, dân ca đã cổ vũ quân, dân vững tâm chiến đấu, không ngại hy sinh, gian khổ bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, sức sống của Dân ca ví, giặm được thể hiện bởi sự ra đời của 11 CLB cấp xã và hàng ngàn tổ nhóm dân ca từ thôn xóm cho đến xã, huyện. Các CLB đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các xóm, làng. Với mục tiêu đưa dân ca trở thành môn nghệ thuật quần chúng, phòng Văn hóa huyện Diễn Châu đã xây dựng và triển khai một cách có hiệu quả chương trình phát triển phong trào đàn hát Dân ca xứ Nghệ. Cụ thể như khôi phục các không gian trình diễn dân gian trong các địa bàn dân cư; các CLB dân ca ra đời được đầu tư nhạc cụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động. Tại hội diễn nghệ thuật quần chúng hàng năm, Ban tổ chức đều bắt buộc dành 30% thời lượng cho các tiết mục dân ca.

Bên cạnh đó đã tổ chức những cuộc thi hát đối dân ca giữa các câu lạc bộ, những cuộc sinh hoạt dân ca cộng đồng. Một phương thức bảo tồn khác, đó là đã đưa được những làn điệu dân ca vào các trường học thông qua những tiết học nhạc và hội thi, hội diễn. Vì vậy mà đến nay, phong trào dạy và hát dân ca trong nhà trường được học sinh hưởng ứng tích cực; đã thành lập được trên 100 câu lạc bộ từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông. Bên cạnh đó huyện đã xây dựng được đội ngũ sáng tác khá chuyên nghiệp nên đã xây dựng được những vở kịch dân ca hay, sáng tạo thêm những làn điệu mới, đủ khả năng chuyển tải những cung bậc của cuộc sống hiện đại. Ông Trần Sỹ Hồng – Trưởng phòng VHTT huyện Diễn Châu trao đổi: Với sự quan tâm phát triển dân ca trong thế hệ trẻ, bây giờ tất cả các trường học ở Diễn Châu đều đã có CLB dân ca. Ở các câu lạc bộ cấp xã, chúng tôi chỉ đạo sinh hoạt vào ngày Rằm hàng tháng, ít nhất mỗi quý chúng tôi tổ chức cho các câu lạc bộ cơ sở giao lưu một lần, mỗi năm huyện tổ chức 2 kỳ giao lưu cho các câu lạc bộ trong toàn huyện.

Giữa sự phong phú và đa dạng của đời sống âm nhạc hiện đại, thì với những đặc trưng văn hóa rất riêng, Dân ca ví, giặm vẫn như mạch ngầm bền sâu trong lòng mỗi người dân Diễn Châu và trường tồn cùng thời gian trên mảnh đất này.

Mai Giang

Lan tỏa và trường tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO