Làng biển ngày cuối năm
(Baonghean) - Huyện Quỳnh Lưu có 3 xã ven biển đặc biệt khó khăn (Quỳnh Lộc, Quỳnh Liên, Quỳnh Thọ) thì Quỳnh Thọ là xã nghèo nhất. Bao nhiêu năm qua, người dân nơi đây vẫn đang cố gắng để thoát nghèo, không ngừng học hỏi để khắc phục cái sự "không ưu ái" của tự nhiên dành cho mảnh đất quê mình, cũng như cái bấp bênh của nghề biển...
Huyện Quỳnh Lưu có 14 xã biển, được người dân "chia" ra làm 2 vùng bãi ngang và bãi dọc. Xã Quỳnh Thọ được xếp vào bãi dọc (gồm 4 xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Sơn Hải, Quỳnh Thọ), nhưng lại nằm tách riêng ra như một doi đất phía cuối rìa huyện Quỳnh Lưu, giáp với Diễn Châu. Vốn cũng sinh ra từ quê biển, tôi cứ băn khoăn, tại sao là một xã ven biển, hơn nửa xã ra khơi đánh lưới, đi câu, có nông nghiệp, diêm nghiệp, và những ngành dịch vụ khác... người dân cần cù chịu khó, mà Quỳnh Thọ mãi vẫn nghèo?
Được Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Văn Tý, giải thích, tôi mới phần nào hiểu được. Quỳnh Thọ tất cả 6 thôn, có 2 thôn Thọ Nhân, Thọ Thành làm muối, Thọ Phú làm nông nghiệp. Cái khó của xã ở chỗ, đất ở thôn có thể làm làm lúa được thì lại nằm ở vị trí cuối sông Thai đổ ra cửa biển. Nước sông lợ, mỗi đợt nước lên lại chảy tràn vào ruộng đồng. Thế là đất bị nhiễm mặn trồng lúa không năng suất. Nước sông đi qua làm mất "ngọt" của ruộng lúa, nhưng lại rửa bớt mặn của ruộng muối. Diêm dân xã Quỳnh Thọ lại khổ vì làm muối... không mặn. Mồ hôi diêm dân còn mặn hơn cả muối.
Cửa Thơi ngày cuối năm
Còn 3 thôn Thọ Đồng, Thọ Tiến, Thọ Thắng làm nghề biển. Đó là nghề truyền thống của người dân nơi đây, từ khi có làng, cũng là lúc có nghề đi biển. Đời sống kinh tế khó khăn, xuất phát điểm còn thấp, ngư dân ít tiền nên chủ yếu đóng thuyền nhỏ hoặc đi bạn - tức là làm thuê cho các thuyền lớn ở xã khác. Nghề biển manh mún, nhỏ lẻ, bởi vậy mà dù có từ lâu đời, nhiều thợ giỏi, hiệu quả kinh tế không cao.
Ông Mai Văn Nhâm (71 tuổi) thôn Thọ Đồng 1, Quỳnh Thọ nói: "Nhà tôi bao nhiêu đời đi biển. Trình độ và kinh nghiệm đi biển của dân Quỳnh Thọ không thua kém gì các xã khác. Nhưng hiểu biết thì còn hạn chế lắm. Xã cũng có chính sách khuyến khích cho vay vốn mua thuyền, đời này qua đời khác đi thuyền nhỏ, làm thuê, giờ cho cầm cả gần tỷ bạc trong tay để đứng ra mua thuyền tự quản lý lấy, tự làm ăn lấy thì ít người dám lắm. Giờ lớp trẻ lên, khác lớp già chúng tôi nhiều rồi, mong là sẽ khá hơn đời cha ông chúng".
Tôi về Quỳnh Thọ vào những ngày giáp Tết, nhìn về phía cửa Thơi, hàng trăm con thuyền đang ra khơi đánh cá. "Họ đi chuyến cuối cùng của năm đấy, chuyến đi kiếm tiền về ăn Tết. Năm nay trời lặng, nên đi nhiều, kia kìa, cái thuyền đấy đang đổ đá, đổ dầu, tý nữa là đi luôn. Nhưng mà thuyền to chủ yếu là của bên Sơn Hải, chứ Quỳnh Thọ chỉ được 2 chiếc thôi. Rứa cũng là hơn năm ngoái, có mỗi một chiếc". Mấy người phụ nữ đang ngồi trên bờ nhanh nhảu nói. Hỏi mới hay, các chị làm nghề buôn cá, cứ tờ mờ sáng lại ra đây ngồi chờ xem có thuyền nào về để mua bán. Chị Nguyễn Thị Hương (42 tuổi) cho biết: "Không làm thì lấy chi mà ăn hả cô? Bây dừ, chồng đi biển thì vợ ở nhà chạy chợ, buôn bán lặt vặt, trồng màu hay làm muối... Chứ ra ngoài đó, bữa trúng thì được dăm ba triệu, bữa không trúng luồng thì vừa đủ tiền dầu cho tàu chạy, vất vả lắm".
Những con thuyền nối đuôi nhau ra biển, để lại cảnh yên ắng nơi cửa Thơi. Tôi để ý thấy một con tàu đang có người mà vẫn nằm yên một chỗ. Thì ra, đó là tàu của gia đình anh Trần Văn Đông (1984), ở thôn Thọ Đồng, xã Quỳnh Thọ - một trong hai thuyền lớn của xã vừa mới đi về. Vẫn nguyên bộ quần áo "tả tơi" chưa kịp tắm rửa sau 8 ngày ở ngoài biển, anh nở nụ cười hiền lành nói: "Có ai mặc đồ đẹp đi biển bao giờ! Thuyền chúng tôi về từ 4h sáng, vừa mới bán hết cá xong, anh em đang xếp lưới rồi chia nhau về nhà tắm rửa nghỉ ngơi. Đây là gia đình có việc nên mới về thế này, chứ bình thường chưa về mô, 26, 27 Tết mới về. Thuyền chúng tôi có 7 người, chuyến này đi mỗi anh em chia nhau cũng được hơn 8 triệu đồng".
Thuyền về
Anh kể mình bắt đầu đi biển từ năm mới 11 tuổi. Hồi đó, chỉ đi vào dịp nghỉ hè. Lên trên thuyền nấu cơm cho các anh, các bác, rồi phụ việc lặt vặt, cho quen công việc trên tàu, quen sóng gió biển, quen những dấu hiệu của thời tiết, để hiểu quy luật từng con nước... Hồi ấy, cứ được lên thuyền là thích. Khoảng 10 năm trở lại đây, anh mới chính thức là thủy thủ. Lớn lên, khi bản thân mình trở thành trụ cột gia đình thay cho người cha già yếu, gánh nặng kinh tế gia đình đặt lên mỗi chuyến tàu ra khơi, thì cái cảm giác thích thú, háo hức trẻ thơ ấy không còn nữa, mà là lo toan, là trách nhiệm. Anh và cả những người dân quê biển khác đều hiểu, biển cả, không chỉ là nơi thả bay những ước mơ, khát vọng, mà còn là nguồn nuôi sống cả gia đình, nơi mưu sinh truyền thống của làng quê này, và cả bao lo âu thấp thỏm khi con người rời xa khỏi xóm làng với mái nhà, ngọn cây quen thuộc, đứng trên con thuyền giữa mênh mông sóng nước không thấy đâu là bờ. Cậu em trai kém anh 3 tuổi cũng đã trưởng thành và nối nghiệp cha ông với cái nghề biển đầy vất vả mà cũng lắm mê say.
Năm nay nhuận, thường những năm như thế này rất được cá, thuyền đi về nặng hơn. Nhưng anh Trần Văn Đông đang lo lắng, tiền thì kiếm được nhiều hơn, nhưng tính ra lại không hơn những năm trước là bao nhiêu, vì đồng tiền ngày một mất giá: "Ngày xưa, mỗi lần thuyền về anh em chia nhau mỗi người được 2 triệu đồng là quý lắm, mừng lắm rồi. Nhưng giờ kiếm được 6, 7 triệu đồng mà chưa kịp tiêu đã hết".
Nghề sóng nước, biết là vất vả, lắm lo toan, nhiều nguy hiểm. "Duyên nợ" bao nhiêu đời nay, những chàng trai quê biển vẫn lớn lên, nhuộm nắng gió màu da nâu bóng, đôi chân rắn chắc, khuôn mặt dạn dày. Từ những con thuyền dùng, thuyền thúng bé nhỏ, đến bây giờ là thuyền máy, tàu to, từ những lần đi biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đến bây giờ biết chủ động nắm bắt thông tin thời tiết và trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc, cứu hộ. Từ đời này qua đời khác, họ vẫn vững tin và không ngừng hy vọng để đi về phía biển.
Người dân đang làm lại sân muối cho vụ mới
Còn những người đàn bà, mang vẻ đẹp mặn mòi của biển, tính cách chịu thương chịu khó, trở thành người vợ, người mẹ là bến bờ vững chắc cho những chuyến tàu thuyền ngoài khơi xa. Bà Trần Thị Giao (62 tuổi), thôn Thọ Đồng, xã Quỳnh Thọ có tới 5 người con đi biển. Ngày xưa, bà tiễn chồng ra khơi, đến giờ, bà lại lần lượt nuôi từng đứa con khôn lớn và để chúng đi theo cái nghề của cha ông truyền lại. "Đã sinh ra ở làng này, trời cho cái nghề thì cứ rứa mà sống với biển thôi. Mong là trời thương, đi ra sóng yên bể lặng, trúng luồng nhiều cá mà về. Ở nhà tui chỉ biết chờ rứa, rồi đi buôn đồng nát, con cái nó cũng có vợ con của nó phải lo, mình kiếm thêm chút tiền mà tiêu lặt vặt, Tết đến nơi rồi".
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Tý, ông nói với tôi về những giải pháp được xã đề ra trong năm tới, cố gắng đưa Quỳnh Thọ thoát nghèo. Riêng với nghề biển, xã khyến khích phát triển các ngành sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, tiếp tục phấn đấu vận động nhân dân mua thêm 2 tàu lớn đi khai thác, nâng tổng số tàu thuyền lên 4 chiếc, đẩy mạnh khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, phát triển nhanh các mô hình nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao như quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh lên 12 ha và mô hình nuôi ngao ven biển 19 ha...
Xã cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đẩy mạnh phát triển cây lương thực ngắn ngày như lúa, ngô, lạc, vừng... cho năng suất cao, phù hợp với loại đất cát ven biển. Năm vừa qua, diện tích gieo trồng lúa là 40,9 ha, ngô là 120 ha, và lạc là 110 ha. Để tránh tình trạng nước sông rửa mặn đồng muối, xã sẽ tập trung đầu tư cải tạo nâng cấp đồng muối, hệ thống thủy lợi tưới tiêu nội đồng, đẩy mạnh thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như làm chạt lọc cải tiến, tăng cường công tác quản lý, lưu thông muối đảm bảo giá và thị trường tiêu thụ.
Ngày cuối năm, trời hửng nắng. Mầm xanh tươi của ngô, của lạc đang đâm chồi trên màu đất nâu. Đi trên con đường đê qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhìn những ruộng muối rộng mênh mông, người dân đang làm lại sân để bắt đầu vụ mới. Công đoạn làm sân là quan trọng nhất. Sân muối làm từ vôi và cát biển - loại cát nắm lên rất nhẹ mà nhìn kỹ thì có rất nhiều là vỏ của sò, điệp bị sóng đánh vỡ ra thành từng mảnh nhỏ - chứ không phải là cát sông. Sau khi láng xong sân, thì dùng than để mài cho bóng, cho phẳng, đến mức đặt cái thước lên, nhìn từ bên này sang bên kia không được lọt tý ánh sáng nào qua. Có như thế, khi làm muối mới nhanh lên, và thu hoạch được nhiều. Ông Trần Văn Đại (46 tuổi) đưa tay quệt những giọt mồ hôi giữa mùa Đông lạnh nói: "Từ giờ, mà nhất là nếu về vào dịp tháng 3, thì nhìn thấy đồng muối đông vui lắm, người ta dầm sân thùm thụp cả ngày".
Cái góc chợ quê bé nhỏ cũng xôn xao hẳn lên. Tết sắp đến rồi, người ta đi "chợ cọ" để bán rủi năm cũ và mua may cho năm mới. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn cần cù lao động, không thôi lạc quan, tin tưởng ở phía trước. Tôi hít căng trong lồng ngực cái vị mặn mòi của muối, của mắm ruốc, cái mùi tanh nồng của cá tôm lẩn quất trong không khí. Rồi mai đây, mảnh đất nghèo Quỳnh Thọ này sẽ đổi thay?!
Bài, ảnh: Hồ Lài