Làng chài Bình Minh
Nhắc đến các làng chài, người ta thường nghĩ tới những gia đình đông đúc với 4-5 người con trở lên. Vậy nhưng, có một làng chài đã hơn 10 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, các cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt. Đó là làng chài Bình Minh, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.
(Baonghean) Nhắc đến các làng chài, người ta thường nghĩ tới những gia đình đông đúc với 4-5 người con trở lên. Vậy nhưng, có một làng chài đã hơn 10 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, các cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt. Đó là làng chài Bình Minh, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.
Làng chài Bình Minh có tổng diện tích 6,5 ha với 90 hộ dân, gần 500 nhân khẩu, 111 nữ có độ tuổi từ 15 - 49 tuổi, 76 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trong đó, 83 hộ sống bằng nghề chài lưới. Đất chật, người đông, đời sống người dân làng chài chủ yếu dựa vào đánh bắt, khai thác, vận chuyển và buôn bán thuỷ, hải sản. Trước đây, hủ tục “có nếp, có tẻ”, "khát" con trai để có người nối dõi, có nhân lực đi biển... ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con. Nhận thức của người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn hạn chế là nguyên nhân dẫn đến mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở đây đạt “kỷ lục” của huyện Nghi Lộc. Cuộc sống không ổn định, thêm vào đó là sinh nhiều con, dẫn đến hậu quả là đói nghèo và thất học kéo dài triền miên từ năm này sang năm khác.
Tranh thủ tư vấn cho các ngư dân sử dụng các BPTT hiện đại khi thuyền về.
Xác định KHHGĐ là biện pháp hiệu quả trong cuộc chiến chống lại đói nghèo và thất học, Chi ủy xóm dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền xã đã vào cuộc trực tiếp chỉ đạo các đoàn thể như: Tiểu Ban công tác Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi... phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đến từng đối tượng, từng gia đình, ban hành nghị quyết, xây dựng hương ước mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con để có điều kiện nuôi dạy con cái chu đáo. Sau đó, thông qua các đảng viên, thành viên triển khai rộng đến toàn thể bà con trong xóm. Tiêu chí về sinh con thứ ba trở lên trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong bình xét thi đua xếp loại đảng viên, tập thể, cá nhân, bình xét gia đình văn hoá.
Bên cạnh vai trò của Chi uỷ, các đoàn thể - một nhân tố đóng vai trò quyết định trong sự thành công của chương trình DS/KHHGĐ nơi đây không thể không nhắc đến là cán bộ, cộng tác viên dân số địa phương. Bên cạnh việc tư vấn trực tiếp từng đối tượng, từng hộ gia đình, định kỳ 3 tháng 1 lần, Ban Dân số xã phối hợp với chi hội phụ nữ tổ chức lồng ghép tuyên truyền công tác Dân số, chăm sóc SKSS-KHHGĐ trong các buổi sinh hoạt các đoàn thể, xóm...
Chị Phạm Thị Yến - Cộng tác viên Dân số kiêm Chi hội trưởng phụ nữ làng chài cho biết: Để 1 cặp vợ chồng thực hiện biện pháp tránh thai, không sinh con thứ ba trở lên, ngoài sự hưởng ứng của người vợ còn phải được sự đồng thuận của người chồng. Nhưng vận động mấy ông chồng mới là khó. Có nhiều ông chồng phản ứng dữ dội: "Mấy bà về đi, chúng tôi đẻ, chúng tôi nuôi, việc gì đến mấy bà, làm nghề chài lưới mà không có con trai để đi biển thì lấy chi mà bỏ vô mồm". Nhưng dần dần họ hiểu ra. Chị Yến bảo, để có được kết quả như hiện nay là nhờ áp dụng "mưa dầm thấm lâu", với cách thức: "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", trực tiếp đưa đối tượng đi đình sản, đặt dụng cụ tử cung và thực hiện một số biện pháp khác như tiêm tránh thai, dùng bao cao su, uống viên tránh thai.
Từ năm 2002 trở lại đây làng chài Bình Minh không có người vi phạm sinh con thứ 3 trở lên. Cùng với việc không sinh con thứ ba, nhiều cặp vợ chồng còn giãn thời gian từ 3 đến 5 năm giữa hai lần sinh để có điều kiện chăm sóc con cái. Hiện nay, làng chài có 15 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con một bề, trong đó 7 cặp có 2 con 1 bề là gái nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có cặp nào sinh con thứ ba.
Vợ chồng anh Hoà, chị Thuỷ làm nghề chài lưới có 2 con 1 bề là gái, khi chúng tôi hỏi chị có ý định sinh thêm con trai để đi biển cùng anh không, chị cười: "Tôi thấy con nào cũng là con, quan trọng là mình đầu tư cho con học cái chữ để sau này chúng mài mà ăn dần. Chúng tôi quyết định sẽ không sinh thêm con nữa để có sức khoẻ, thời gian làm kinh tế nuôi hai cháu ăn học".
Năm 2011, làng chài Bình Minh có 7 em đậu đại học và cao đẳng, tỷ lệ này cao hơn so với các xóm khác của xã. Đặc biệt, phụ nữ làng chài đã biết chăm sóc bản thân - tỉ lệ viêm nhiễm đường sinh sản giảm nhiều so với trước đây. Từ trung bình mỗi gia đình có 5 - 6 con, nay chỉ còn 2 - 3 con, trên 50% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của làng chài chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Những kết quả trên đã đem lại lợi ích thiết thực trong công tác xoá đói giảm nghèo. Hiện nay, số hộ giàu của làng chài chiếm 52%, hộ nghèo giảm xuống dưới 5%. Và làng chài có hệ thống đường bê tông đầu tiên trong toàn xã.
Ông Nguyễn Công Nam - Chủ tịch UBND, Trưởng ban DS/KHHGĐ xã cho biết: Làng chài Bình Minh là một trong những đơn vị đầu tiên của xã thực hiện thành công chính sách DS/KHHGĐ của Đảng và Nhà nước. Để có được thành quả này, UBND xã hàng năm đều đưa công tác Dân số vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH của xã, coi đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các ban, ngành, đoàn thể, chi bộ trong sạch vững mạnh. Theo ông, việc chỉ đạo Ban DS/KHHGĐ xã phối hợp các ngành nhằm đa dạng hoá các hình thức truyền thông; nhân rộng mô hình các CLB không sinh con thứ 3 trở lên... là những hoạt động góp phần quan trọng để làng chài Bình Minh đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác DS/KHHGĐ.
Không có nhiều những làng chài như Bình Minh - hơn 10 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, là một trong những làng chài đầu tiên của huyện Nghi Lộc được UBND tỉnh công nhận Làng văn hoá. Thiết nghĩ, cấp uỷ chính quyền xã Phúc Thọ cũng như huyện Nghi Lộc cần có những biện pháp tích cực hơn nữa để duy trì điển hình này, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn huyện.
T.Hiền - K.Chung