"Làng giáo viên" Phan Đăng Lưu

17/08/2015 10:27

(Baonghean) - Đó là ngôi làng mang tên nhà trí thức cách mạng nổi tiếng - Phan Đăng Lưu ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Làng có 120 nóc nhà nhưng đã có hơn 200 người theo nghề giáo viên, nhà ít nhất 1 người, nhà nhiều 7- 8 người, nên ngoài tên làng Phan Đăng Lưu còn có một “danh” khác là “làng giáo viên”…

Làng giáo viên

Làng Phan Đăng Lưu như một chiếc nghiên mực khổng lồ nằm ở phía Nam xã Hoa Thành. Nét hiện đại của làng là có một vài nhà cao tầng mọc lên nhưng tổng thể vẫn giữ được nét xưa cũ, vẫn những mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới những lũy tre xanh hiền hòa. Vẫn còn đó những cồn Bút, cồn Nghiên như biểu tượng ngàn đời của một vùng đất học.

Một góc làng Phan Đăng Lưu.
Một góc làng Phan Đăng Lưu.

Chúng tôi đến thăm làng vào buổi sáng đầy nắng, vừa đến đầu làng đã nghe tiếng trẻ bi bô học bài. Ông Phan Xuân Lực, Bí thư Chi bộ làng Phan Đăng Lưu cho biết: Làng chúng tôi xưa nay luôn coi trọng và đặt sự học lên hàng đầu. Làng này không giàu có về vật chất như các làng quê khác nhưng giàu tri thức. Điều độc đáo nhất là làng chỉ có 120 nóc nhà nhưng đã có hơn 200 người theo nghề dạy học. Giáo viên của làng có đủ các trình độ, dạy từ cấp học mầm non cho đến đại học, trong đó có nhiều người là hiệu trưởng, hiệu phó, làm công tác quản lý giáo dục... Theo ông Lực thì số giáo viên của làng đã về hưu và hiện nay đang đứng trên bục giảng đủ để mở được 4 trường học. Chưa tính đến hàng chục sinh viên của làng hiện nay đang theo học các trường sư phạm.

Trong làng có nhiều gia đình cả 3 đến 4 thế hệ theo nghề “gõ đầu trẻ”, nhiều gia đình bố mẹ, con cái, dâu rể, cháu chắt đều là giáo viên. Những gia đình có cả “tiểu đội” giáo viên như gia đình thầy Phan Đăng Khải (12 người), thầy Phan Xuân Châu (6 người), Thầy Phan Xuân Thu (7 người), thầy Phan Đăng Chuẩn (5 người)... Chúng tôi tìm đến nhà thầy Phan Xuân Châu, nguyên giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu, thấy thầy đang đọc sách. Thầy bảo: Về hưu rồi nhưng vẫn phải đọc, nâng cao kiến thức để dạy cho bọn trẻ trong làng. Tốt nghiệp phổ thông, gác bút nghiên ra trận đánh Mỹ. Hết chiến tranh, thầy trở về tiếp tục ước mơ xưa và trở thành giáo viên dạy Văn cấp III. Thầy Châu lấy vợ cũng là giáo viên và sinh được 3 người con. Nối nghiệp bố mẹ, các con của thầy nay là giáo viên THPT và đã bảo vệ xong luận án thạc sĩ. Tính cả dâu rể, thì gia đình thầy hiện nay có 6 giáo viên.

Thầy Phan Đăng Chuẩn dạy học miễn phí cho học sinh trong làng.
Thầy Phan Đăng Chuẩn dạy học miễn phí cho học sinh trong làng.

Theo chỉ dẫn của thầy Châu, chúng tôi đến nhà thầy Phan Xuân Khải, vợ chồng thầy là giáo viên. Sáu người con của thầy đều học hành đỗ đạt, trong đó tiêu biểu là Tiến sĩ khoa học trẻ Phan Xuân Hiếu - trong 10 gương mặt tiêu biểu được trao giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2013. Hiện nay, gia đình thầy là một “tiểu đội” giáo viên 12 người gồm cả dâu rể. Thầy Khải cho biết: Nghề giáo viên như là nghề truyền thống của làng. Những năm tháng khó khăn nhất, đồng lương không đủ sống nhưng vợ chồng thầy và giáo viên của làng vẫn bám trụ, không ai bỏ nghề. Đây chính là nét đặt biệt nhất của làng. Làng nhiều giáo viên nên rất thuận lợi trong việc dạy dỗ con cháu. Chính vì vậy mảnh đất và con người nơi đây rất lành, thuần chất và cũng rất trí tuệ.

Không chỉ những gia đình có truyền thống giáo viên mà nhiều nông dân với mấy sào ruộng khoán nhưng cũng nuôi các con ăn học nên người như nhà bà Nguyễn Thị Hán có 7 người con, thì cả 7 đều là giáo viên. Bà Hán bảo: “Đời tui nghèo chữ quá nên quý trọng người hay chữ, cố mà bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè các cháu nà...”. Thầy giáo Phan Đăng Chuẩn, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoa Thành, cho biết, hiện nay trên toàn xã Hoa Thành số giáo viên có hơn 1000 người, nhưng xóm Phan Đăng Lưu là điển hình nhất. Có lẽ xã chúng tôi có số giáo viên nhiều nhất trong các làng xã ở Nghệ An. Mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam hay Tết đến xuân về, các thế hệ học trò từ khắp nơi đổ về làng thăm thầy cô giáo cũ đông như trẩy hội. Làng xã ngập tràn trong muôn hoa. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của nghề giáo.

Làng khuyến học

Làng Phan Đăng Lưu xưa còn có tên khác là Làng Đông, Hạ Thành. Đây là vùng đất văn vật, đã có hàng nghìn năm lịch sử. Theo Địa chí - Văn hóa - Lịch sử xã, thì vùng đất này nổi tiếng về truyền thống hiếu học, một trong những cái nôi của khoa cử và học giỏi bậc nhất huyện Yên Thành... Từ thời xa xưa, làng xã đã giành một phần ruộng đất làm “học điền” để cấp cho những học trò nghèo học giỏi, đỗ đạt. Ở đây có những gia đình, dòng họ liên tục nhiều thế hệ, nhiều triều đại có người đỗ đạt cao. Nhiều người trong số họ đã thành những học quan, những vị sư biểu trong triều đình... Đặc biệt, làng là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng nhà trí thức cách mạng kiệt xuất Phan Đăng Lưu (1902 - 1941).

Nối tiếp truyền thống đó, làng Phan Đăng Lưu bao đời nay luôn thực hiện tốt phong trào khuyến học. Theo thầy Phan Đăng Chuẩn: Phong trào khuyến học, hội khuyến học của làng, của các dòng họ ở đây có từ xa xưa. Mỗi năm vào dịp 2/9 (trước ngày tựu trường) làng và các dòng họ đều tổ chức gặp gỡ, động viên, trao thưởng cho con em học giỏi. Quỹ khen thưởng do những người con của làng đã thành đạt lập nên để thúc đẩy truyền thống hiếu học của làng. Những gia đình nào khó khăn hội sẽ giúp đỡ để con em theo đuổi sự học đến cùng. Đây chính là sự động viên khích lệ tinh thần không dễ gì có được đối với các thế hệ học sinh của làng.

Đều đặn 19h hằng ngày, loa phóng thanh làng sẽ vang lên nhắc nhở học sinh học bài; tổ an ninh trật tự làng sẽ đi kiểm tra. Gia đình nào có hành vi cản trở hay làm ảnh hưởng đến giờ học của con cháu cũng bị nhắc nhở, vi phạm nhiều lần sẽ bị khiển trách trên đài phát thanh của làng. Nhờ đó, việc tự học của học sinh làng đã trở thành nề nếp. Ngoài ra, làng còn có thêm Hội giáo viên. Đây là nơi sinh hoạt của những thầy cô giáo đã về hưu. Hội không chỉ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thăm hỏi động viên chia sẻ với nhau những vui buồn và những khó khăn trong cuộc sống... mà còn là nơi chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm về nghề dạy học cho các giáo viên đang đứng trên bục giảng,...

Chính vì sinh ra trong ngôi làng nhiều giáo viên và phong trào khuyến học như thế nên học trò của làng giai đoạn nào cũng có học sinh giỏi các cấp, có tỉ lệ đậu vào các trường đại học cao nhất huyện. Tính đến nay, con số tiến sĩ của làng lên đến hàng chục. Điển hình như nhà thầy Phan Đăng Diêu có đến 3 người con là tiến sỹ hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng ở các viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước. Hầu như ở lĩnh vực nào cũng đều có con em làng tham gia, trong đó có người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn... có người là cán bộ cao cấp của Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.

Ông Nguyễn Khắc Đức, Chủ tịch UBND xã Hoa Thành cho biết: Dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời chiến cũng như thời bình, Hoa Thành vẫn giữ vững là đơn vị hàng đầu về giáo dục của huyện nhà. Làng Phan Đăng Lưu được xem như một làng nghề giáo viên truyền thống, là một trong những làng điển hình thúc đẩy phong trào hiếu học, khuyến học, khuyến tài của xã, huyện ngày càng phát triển và lan rộng.

Bài, ảnh: Tiến Dũng

Mới nhất

x
"Làng giáo viên" Phan Đăng Lưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO