'Làng giáo viên' trên thượng nguồn sông Lam

Tiến Hùng 19/11/2022 07:09

(Baonghean.vn) - Cách TP. Vinh chừng 170 km, có 1 ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên dòng sông Lam, lâu nay được gọi với cái tên “Làng giáo viên”. Ở đây, gần như “ra ngõ gặp giáo viên”, có những gia đình đến 6 người con cùng đi theo nghề giáo, mặc dù việc dạy và học ở ngôi làng vùng cao này đầy gian nan, vất vả.

“Ra ngõ gặp giáo viên”

Trung tuần tháng 11, chúng tôi ngược dòng sông Lam, tìm lên làng Mỏ (xã Tam Quang, huyện Tương Dương). Những ngày này, không khí rộn ràng đã bao trùm mọi ngõ ngách trong làng. Trưởng làng, ông Lê Văn Vỹ (56 tuổi), đang tất bật chuẩn bị cho lễ tri ân các giáo viên trong làng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Năm nay chúng tôi sẽ làm to, dù kinh phí không có nhiều”, ông Vỹ khoe. Làng Mỏ của ông Vỹ còn có cái tên gọi khác là làng Mỏ Than, nhưng lâu nay vẫn được gọi với cái tên là “làng giáo viên” hoặc “làng hưu” vì có nhiều người được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, người dân trong làng vẫn thích được gọi với cái tên “làng giáo viên”, bởi đó là niềm tự hào của họ. Làng hiện nay chỉ có 181 hộ nhưng có đến 108 người theo nghề dạy học. Trong đó, có gần 20 người đang là quản lý, hiệu trưởng hoặc hiệu phó các trường. Có những ngôi trường như Trường tiểu học Tam Quang 1, cả hiệu trưởng lẫn 2 hiệu phó đều là con em làng Mỏ.

108 giáo viên so với những ngôi làng dưới xuôi đã là hiếm gặp, còn đối với bản làng vùng cao heo hút tận Tương Dương quả thực là kỳ tích. Bởi ở trên này đường sá đi lại khó khăn, đời sống kinh tế chật vật, những đứa trẻ lớn lên học được hết con chữ đã là tốt. “108 là mới tính những người hiện có hộ khẩu trong làng, chưa kể nhiều trường hợp con em trong làng đi dạy rồi lấy chồng nơi khác hoặc những người ra trường được phân đi dạy xa quê, hiện đã chuyển khẩu. Nếu tính cả thì đông lắm, không xuể đâu. Hầu như nhà nào cũng có ít nhất 1 người làm nghề giáo”, ông Vỹ nói.

Làng Mỏ nằm bên tả ngạn sông Lam. Ảnh: Tiến Hùng

Vợ ông Vỹ cũng đi theo nghề giáo, hiện là hiệu phó trường tiểu học gần nhà. Khi chúng tôi đến, ông Vỹ đang lên danh sách khách mời và chuẩn bị những phần quà cho tiệc tri ân sắp tới. Nhiều năm nay, cứ dịp 20/11, làng Mỏ lại tổ chức những buổi tiệc như thế. Năm nay, làng dự kiến trích kinh phí để tặng thưởng cho những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. “Chỉ tặng cho giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thôi, vì cấp huyện nhiều quá, làng không đủ kinh phí. Còn bữa tiệc thì cũng do các gia đình góp lại”, ông Vỹ nói thêm.

Gian nan nghề giáo ở vùng cao

Làng Mỏ nằm ở tả ngạn sông Lam, dựa lưng vào dãy núi đá sừng sững. Gọi là làng Mỏ là bởi ở đây nằm cách mỏ than duy nhất của tỉnh Nghệ An chỉ chừng 2km. Mỏ than này có trữ lượng lớn, được khai thác từ thời chống Pháp đến nay. Những năm thập niên 70 của thế kỷ trước, xí nghiệp khai thác than được đầu tư bài bản, công nhân tăng lên nhanh chóng, có thời điểm lên đến 700 người. Công nhân hầu hết đều đến từ các huyện dưới xuôi, vì thế mỗi lần về thăm nhà, họ phải vượt hàng trăm km. Đường sá đi lại khó khăn, có khi phải cuốc bộ cả tuần mới về tới nhà. Vì thế, để được gần gia đình, nhiều công nhân đã đưa cả vợ, con từ quê lên rồi dựng nhà ở doi đất ven sông sinh sống. Nhiều công nhân sau khi về hưu, vì đã quen với cuộc sống rừng núi, cũng quyết định ở lại. Cứ như thế, làng Mỏ dần được hình thành.

Đến năm 1985, làng Mỏ chính thức được thành lập, với khoảng 50 hộ dân. Ông Phan Văn Đạt (74 tuổi), là 1 trong 50 hộ đầu tiên của làng. Vợ chồng ông Đạt từ Đô Lương lên định cư ở đây từ năm 1983. Họ có với nhau 5 người con gái thì cả 5 hiện nay đều là giáo viên. Tính cả con rể, ông Đạt có đến 6 người chọn đi theo nghiệp cầm bút. Ở làng Mỏ, những gia đình có đến 6 người con làm giáo viên như ông Đạt không hiếm, thậm chí có nhà đến 8 người. Ở đây, dường như thế hệ đầu tiên đều là cán bộ hoặc công nhân mỏ than. Còn thế hệ thứ 2 hầu hết đều được bố mẹ định hướng đi làm nghề giáo.

“Mặc dù là công nhân Nhà nước nhưng lương chúng tôi hồi đó thấp lắm, không đủ nuôi sống gia đình đâu. Bậc làm cha mẹ suốt ngày lầm lũi trong mỏ than, làm việc nặng nhọc, nên ai cũng muốn con cái mình thoát cái cảnh đó. Vì thế mà dù rất cực khổ, nhưng vẫn đầu tư, động viên con em cố gắng học hành. Chúng tôi định hướng cho các con theo nghề giáo vì nghĩ nghề cầm bút nó không vất vả như làm mỏ than, lại được trân trọng”, ông Đạt nói về lý do cho các con đi học ngành sư phạm.

Ông Đạt có 5 người con gái thì cả 5 đều đi làm giáo viên. Ảnh: Tiến Hùng

Kể từ khi cầu Tam Quang được xây dựng hơn 10 năm trước, việc đi lại của người dân làng Mỏ đã thuận tiện hơn rất nhiều. Còn trước đây, do nằm biệt lập ở bên kia sông Lam, con đường đến trường của con em làng Mỏ rất gian nan. “Con em muốn đến trường đều phải đi đò. Ngày đó, đò lật liên tục. Cũng may là trẻ em trong làng từ nhỏ đã quen với sông nước nên ai cũng biết bơi. Nhiều hôm trễ đò, cảnh những đứa trẻ phải cởi quần áo, đội cặp trên đầu rồi bơi qua sông là chuyện thường”, ông Đạt kể thêm.

Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, thời điểm đó để có tiền cho con ăn học, đối với cư dân làng Mỏ cũng là một bài toán khó. Bởi đồng lương công nhân quá ít ỏi, ruộng lại không có. Họ phải chạy ăn từng bữa. Để có tiền trang trải, những người công nhân tranh thủ ngày nghỉ để lên rừng nhặt củi, hái măng mang về bán. Họ quần quật làm đủ thứ việc, với một khát vọng con cái được ăn học đến nơi, đến chốn. “Có thời điểm, nhà tôi có đến 3 cô con gái cùng theo học đại học dưới Vinh. Cứ mỗi lần con báo về hết tiền, 2 vợ chồng lại giật mình. Những lúc đó, phải vay mượn khắp làng. Bây giờ nhớ lại vẫn không thể hiểu nổi chúng tôi lại có thể bám trụ được”, ông Đạt kể.

Đầu tư cho con cái đi theo nghề giáo với hy vọng chính thoát khỏi cảnh làm mỏ vất vả của bố mẹ, nhưng ông Đạt cũng như nhiều người khác trong làng không ngờ rằng, khi con cái ra trường, nghề giáo viên đi gieo con chữ ở huyện vùng cao Tương Dương lại còn gian nan, vất vả hơn cả làm mỏ. Cô con gái đầu năm nay đã 49 tuổi của ông Đạt sau khi ra trường được phân về dạy trong huyện, nhưng cách nhà gần 100km. Phương tiện không có, đường sá lại cách trở, mỗi lần đến trường đều phải cuốc bộ. Trong khi, đồng lương giáo viên còn thấp hơn cả lương công nhân mỏ. Ban đầu, tuy có chút thất vọng, nhưng những đứa con sau, ông Đạt cũng lần lượt định hướng chúng đi theo nghề giáo. Bởi ông cho rằng, dù sao đó cũng là một nghề cao quý, được xã hội coi trọng.

Gia đình thầy Hoàn cũng có đến 8 chị em đi theo nghề giáo. Ảnh: Tiến Hùng

Cách nhà ông Đạt chừng vài trăm mét là nhà của thầy Nguyễn Hồng Hoàn (52 tuổi). Thầy Hoàn đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1, còn vợ là Hiệu phó Trường Tiểu học Tam Quang 2. Gia đình thầy Hoàn cũng có đến 5 chị em ruột đi theo nghề giáo, tính cả dâu và rể nữa là 8 người. Ngoài ra, thế hệ con cháu cũng đang có 5 người làm giáo viên. Chưa kể, con trai thầy Hoàn cũng đang theo học một trường sư phạm ở Hà Nội.

Đại gia đình thầy Hoàn trong lễ gặp mặt - giao lưu của làng Mỏ nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: NVCC

“Bố tôi ở Nam Đàn lên đây làm công nhân mỏ rồi đưa cả gia đình lên đây sinh sống luôn. Chị em chúng tôi là những người đầu tiên ở làng Mỏ đi làm nhà giáo. Ban đầu, bố mẹ cũng mong muốn con cái làm nghề này bớt vất vả hơn. Nhưng không ngờ nghề giáo ở vùng cao lại còn khó khăn gấp bội”, thầy Hoàn kể. Dù đã đi dạy tròn 30 năm, nhưng đây mới là năm đầu tiên thầy được về công tác trong xã.

Năm 1992, sau khi ra trường, thầy Hoàn được phân về dạy ở xã Luân Mai (nay đã bị xóa sổ vì thuộc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ), dù cùng thuộc huyện Tương Dương, nhưng đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Thầy Hoàn nhớ lại, những năm đó, để đến được trường phải tốn mất khoảng 4 ngày. Có những chuyến không may trễ đò, hành trình tăng lên cả tuần. Vì thế, mỗi năm thầy chỉ dám về nhà dịp Tết và nghỉ hè. Trong khi đồng lương dè sẻn lắm mới đủ cho chi tiêu. “Bây giờ thì đỡ hơn chút, nhưng ngày xưa việc gieo chữ ở vùng cao gian nan lắm. Dù vậy, con em làng Mỏ cũng không ngần ngại đi theo nghề giáo. Chúng tôi rất tự hào vì điều đó”, thầy Hoàn nói.

Làng Mỏ hiện có 181 hộ. Ảnh: Tiến Hùng

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, toàn xã có hơn 8.000 nhân khẩu, 78% trong đó là người Thái. Xã về đích nông thôn mới năm 2017, là xã thứ 2 của huyện cán được đích. Đây cũng là xã biên giới đầu tiên của Nghệ An về đích nông thôn mới. Toàn xã hiện có 311 người làm nghề giáo vẫn đang làm việc, chưa kể số lượng lớn đã về hưu hoặc chuyển đi nơi khác. Trong đó, làng Mỏ chiếm số lượng đông đảo. “Đồng lương ít ỏi khiến cuộc sống của những người giáo viên vùng cao này vẫn rất chật vật. Tuy nhiên, điều mà những người thầy ở vùng cao này luôn cảm thấy hạnh phúc là họ đã chấp nhận và vượt qua gian khó để gieo chữ và mang được tri thức đến với học sinh ở những vùng sâu”, bà Hiền nói.

Huyện Tương Dương hiện có 1.400 giáo viên đang giảng dạy ở các trường học thuộc 17 xã, thị trấn, nhưng riêng xã Tam Quang đã đóng góp 311 giáo viên. Theo thống kê của ngành Giáo dục huyện, toàn bộ trường học trên địa bàn đều có ít nhất một giáo viên quê ở Tam Quang.

Mới nhất

x
'Làng giáo viên' trên thượng nguồn sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO