Lặng lẽ chăm sóc người bệnh

17/03/2013 16:25

Từ một bệnh nhân phong của trại phong Quỳnh Lập (năm 1973), Sau một năm chữa trị khỏi bệnh, Phan Văn Ích (SN 1956, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) học làm điều dưỡng, ở lại phục vụ những người mang căn bệnh mình từng mắc. Cứ thế, suốt 37 năm trời ông gắn bó với công việc ở làng Phong và tận tụy với người bệnh.

(Baonghean) - Từ một bệnh nhân phong của trại phong Quỳnh Lập (năm 1973), Sau một năm chữa trị khỏi bệnh, Phan Văn Ích (SN 1956, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) học làm điều dưỡng, ở lại phục vụ những người mang căn bệnh mình từng mắc. Cứ thế, suốt 37 năm trời ông gắn bó với công việc ở làng Phong và tận tụy với người bệnh.

Nghe về làng phong – trại phong Quỳnh Lập lâu lắm rồi, nhưng đây là mới lần đầu tiên tôi đến nơi đặc biệt này. Khó nói hết những cảm xúc của người lần đầu đến với nơi mà chưa hết mặc cảm, xa cách của xã hội; nhưng hẳn ai chưa đồng ý với tôi rằng, sẽ thật gần gũi, khâm phục và ấm lòng khi hiểu về tình người đặc biệt thấm đẫm ở đây. Chuyện về điều dưỡng viên Phan Văn Ích là như thế…

Dẫm dẫm chiếc chân giả xuống nền nhà, ông nở nụ cười hiền hậu, nụ cười khiến người ta nghĩ dường như bao nhiêu nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn của một bệnh nhân phong ngày xưa đã tan biến. Nhưng làm sao mà quên được, chỉ là, nhớ thì để làm gì? Ông chậm rãi kể: “Tôi phát hiện ra mình bị phong năm mình mới 12 tuổi. Ngày ấy, bệnh phong người ta cho là bị hủi nó ghê gớm lắm. Người ta còn truyền tai nhau ai mắc bệnh phong thì bị chôn sống, rắc vôi 7 lần… Tôi giấu bệnh suốt 5 năm trời, từ năm 1968 đến năm 1973, chỉ người trong gia đình là biết.



Trong thời gian đó, tôi vẫn đi dân công hỏa tuyến ở quê, vận chuyển gạo, lương thực lên thuyền cho bộ đội, chân lở loét mà không dám băng bó, nên mới bị nhiễm trùng dần dần. Đến khi nặng quá mới chuyển ra viện phong”.

Hồi đó, vì chiến tranh, Bệnh viện phong Quỳnh Lập đã sơ tán lên tận xã Quỳnh Thắng. Một năm sau (1974) thì bệnh viện quay trở về Quỳnh Lập để xây dựng lại. Tiếp tục điều trị thêm nửa năm thì Phan Công Ích khỏi bệnh. Tuy nhiên, vì chân phải đã nhiễm trùng quá nặng nên phải cắt bỏ. Vi khuẩn Hansen không còn nữa, nhưng cái tiếng mắc bệnh “hủi” thì không thể nào xóa. Mang trong mình mặc cảm với người đời, nhưng Phan Văn Ích tìm được sự đồng đảm, sẻ chia ở cái làng phong heo hút, cậu thanh niên 18 tuổi đã quyết định ở lại. Được các bác sĩ hướng dẫn và dạy cho cách chăm sóc người bệnh, cộng với những gì mình biết về bệnh từ bản thân, thấu hiểu được tâm tư, suy nghĩ của những phận đời cùng cảnh ngộ, Phan Văn Ích nhanh chóng “thạo việc” và trở thành một phụ tá nhiệt tình, tận tâm với người bệnh.

Sau 3 năm “vừa học vừa hành”, Phan Văn Ích được đưa vào Trường Trung cấp y khoa Vinh thi lấy chứng chỉ điều dưỡng viên, trở về thành nhân viên hợp đồng của bệnh viện. Kể từ đó cho đến nay, tròn 40 năm Phan Văn Ích gắn bó với trại phong và 37 năm miệt mài không ngừng nghỉ chăm sóc bệnh nhân phong.

Ông vẫn nhớ như in những năm tháng trại phong Quỳnh Lập còn khó khăn, cơ khổ thiếu thốn trăm bề. Đó là kim tiêm sau khi dùng cho người này được trùng trong nước sôi hoặc đốt nóng để tiêm cho người khác. Đó là điện chưa có, dầu hỏa thiếu, nhiều đêm đốt hòn than lấy ánh sáng để băng bó cho bệnh nhân… Ông cùng y bác sĩ, hộ lý đã vượt qua những ngày tháng ấy, cố gắng làm những điều tốt nhất cho người bệnh mà chẳng nản lòng hay sợ hãi.

Đối với một người đã trải qua hết tất cả những gì mà người bị bệnh phong đang trải qua, thì ông đã không còn sợ, không còn ngại điều gì nữa, từ lau rửa, vệ sinh ổ lở loét, băng bó, tiêm truyền… Thái độ, sự quan tâm, lo lắng tận tình của y tá, bác sĩ cũng chính là sự chữa bệnh bằng tinh thần rất lớn cho người mắc bệnh phong. Nỗi đau của người bị bệnh phong, không phải ở những vết loét, những bàn chân, bàn tay nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, mà là sự xa lánh, kỳ thị của mọi người, ngay cả chính bản thân gia đình họ. Phải rời bỏ quê hương, người thân đến một nơi heo hút chìm trong cây cối rậm rạp và sóng biển vỗ ngày đêm, sống cô đơn và cay đắng. Khỏi bệnh, may mắn còn khỏe mạnh rồi tìm được hạnh phúc lứa đôi, sinh con đẻ cái, có động lực để sống trong cuộc đời. Nhưng có người kém may mắn hơn, sức khỏe yếu quá đành sống một mình, thì cần lắm những tấm lòng quan tâm, chia sẻ của mọi người, của y bác sĩ.

Với điều dưỡng Phan Văn Ích, sau chừng ấy năm gắn bó, đơn giản là nhớ hết từng tên họ bệnh nhân, từng hoàn cảnh gia đình, quê quán; là nói bông đùa vài câu lúc thay băng ổ loét, là cái nắm tay, vỗ vai; là thỉnh thoảng đi qua nhà bệnh nhân vào ngồi cùng mâm ăn bữa cơm với họ, hỏi han con cái học hành… đã làm ấm lòng những người lấy nơi đây làm quê hương thứ hai sinh sống. Ai cũng biết, cũng nhớ, cũng mong dáng người thấp đậm, tiếng cười hiền hậu của người điều dưỡng già Phan Văn Ích. Gia đình ông Nguyễn Hữu Đệ và bà Vũ Thị Thịnh còn nhận ông làm con nuôi.

Làng phong Quỳnh Lập bây giờ còn khoảng hơn 200 người bệnh. Hầu hết, vi khuẩn phong đã không còn, nhưng vì mắc bệnh lâu, nặng nên sức đề kháng yếu, những vết loét không lành lại được, và mắc thêm những chứng khác như tiểu đường, thần kinh… Có khoảng hơn 60 bệnh nhân như thế hiện đang ở khu chăm sóc toàn diện, đều là những người già, cô đơn, không có gia đình. Tập thể bác sĩ, y tá, hộ lý trở thành gia đình của họ. Không chỉ điều dưỡng Phan Văn Ích mà còn đó bác sĩ Hải, anh Hùng, cô Luyến, cô Kim, cô Thu… lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân. Rất nhiều hộ lý, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện là con em bệnh nhân phong, đó đã là thế hệ thứ hai, thứ ba của làng phong.

Cuộc đời của điều dưỡng Phan Văn Ích còn thêm một lần hồi sinh từ mảnh đất này, khi ông tìm được hạnh phúc riêng với cô gái làng bên, không bị bệnh phong nhưng vượt qua mọi định kiến để đến với ông. Giờ ông bà đã có 5 người con, đều có nghề nghiệp ổn định và học hành chu đáo. Nơi đây, dưới màu xanh của hàng phi lao thẳng vút đi vào làng, của những ngọn dừa mấy chục năm tuổi, của rừng thông bạt ngàn, những đứa trẻ vẫn được sinh ra lớn lên, tới trường, là một minh chứng của sự sống hồi sinh ở làng phong và thêm hiểu tâm nguyện, tấm lòng của người điều dưỡng viên già Phan Văn Ích đang lặng lẽ chăm sóc người bệnh và góp phần cho sự hồi sinh đó.


Hồ Lài

Mới nhất
x
Lặng lẽ chăm sóc người bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO