Lặng lẽ đánh thức “mầm thiện”

29/10/2012 18:34

Ai cũng biết rằng đằng sau những cánh cửa sắt nặng nề ấy là những con người bị mất quyền công dân. Giữa 4 bức tường xám xịt ấy là sự trả giá, là hình phạt và những sám hối. Và, trong những thẳm sâu ấy vẫn nhiều những khao khát vươn tới thiện lương, ủ mầm ánh sáng của lương tri và hy vọng.

(Baonghean) - Ai cũng biết rằng đằng sau những cánh cửa sắt nặng nề ấy là những con người bị mất quyền công dân. Giữa 4 bức tường xám xịt ấy là sự trả giá, là hình phạt và những sám hối. Và, trong những thẳm sâu ấy vẫn nhiều những khao khát vươn tới thiện lương, ủ mầm ánh sáng của lương tri và hy vọng.Chị - đại úy Nguyễn Thị Liên và những đồng đội của chị là những người đã đi tìm, đánh thức những “mầm thiện” ấy.

Đã hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Liên gắn bó với Trại tạm giam Công an tỉnh ở nhiệm vụ quản giáo. Chị nhớ mãi cái ngày mới tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát, chuyên ngành Quản lý, cải tạo phạm nhân, bước chân về nhận việc tại nơi này khi vừa tròn 20 tuổi và mới chỉ quen với tội phạm, tâm lý tội phạm trên... sách vở”. Đã có không ít lần, nước mắt chị chảy trong nỗi uất ức, sự bất lực, thậm chí cả... tủi thân nữa. “Nhưng đó chỉ là một quãng ngắn của thời trẻ tuổi- chị tâm sự - “Và những lúc ấy, tôi chỉ khóc khi có một mình. Vừa khóc vừa ngẫm nghĩ về cuộc gặp gỡ với một đối tượng cộm cán nào đó, hay những lời chửi rủa, sự phản ứng lỳ lợm... của phạm nhân”.



Quản giáo Nguyễn Thị Liên thường xuyên gặp gỡ, giáo dục các phạm nhân mà chị quản lý

Chị đã trưởng thành lên bằng những va vấp của thực tế khắc nghiệt như vậy. Khi mà đằng sau cái cánh cổng sắt rít lên ken két kia, chị đã bước vào một thế giới khác. Không điện thoại, không internet, những dãy nhà kín mít chỉ hở ra những cái chấn song đen đúa, những chiếc bàn đá lạnh, những ngọn gió hun hút hành lang dài, những đôi mắt hận thù, mỏi mệt, buồn đau, tuyệt vọng, những gương mặt lạnh lùng, hung hãn hay đáng thương... Trong ấy, một xã hội thu nhỏ với muôn vàn mặt trái, đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi và những con đường dẫn tới tội lỗi. Chị nhớ lại ngày đầu chập chững đã học được từ công việc và đồng nghiệp của mình sức chịu đựng phi thường. Chị đã được đồng đội cũ- anh Nguyễn Văn Thiềng, một quản giáo bên phạm nhân nam, đã tận tình truyền dạy cho chị rất nhiều kinh nghiệm: lúc nào thì cứng rắn, lúc nào cần mềm mỏng, cách bố trí buồng cho phạm nhân thế nào để tiện quản lý. Một ngày của chị bắt đầu với tiếng kẻng báo sáng, khi phạm nhân trong khu giam giữ trở dậy. Chị cầm chùm chìa khóa đến với từng buồng giam để thực hiện việc kiểm danh, điểm diện. Đây cũng là lúc chị phải “nắm tình hình” rất nhanh qua những lời hỏi han, hay đơn giản chỉ là cái liếc mắt tinh ý. Đêm qua liệu có gì bất thường? Liệu có cãi lộn, đánh nhau? Liệu có ai đã thêm suy sụp, tuyệt vọng? Liệu đã nảy thêm những mưu toan, những ý định cùng đường? Hơn ai hết, chị hiểu rằng, kể cả những tên phạm tội kinh hoàng nhất, dẫu đã bị xã hội ngoài kia chối bỏ quyền làm người thì họ cũng là một con người. Một con người đã từng khát khao những điều tốt đẹp, một con người với yêu thương, hờn giận, một con người với thẳm sâu suy nghĩ mà người khác khó lòng đo đếm, tận hiểu. Không ít bài học cay đắng từ những vụ phạm nhân đánh nhau tới mất mạng trong buồng giam, phạm nhân phá cùm, cưa cửa đào thoát, phạm nhân tìm đường tới cái chết... Có thể đang cười nói đấy, nhưng ai hay trong đầu óc kia đang diễn ra những gì?

Chính vì lẽ đó, mà bao nhiêu nỗi niềm ở phía sau song sắt ấy, chị khao khát mình được sẻ chia, được thấu hiểu. Hàng nghìn lượt phạm nhân nữ, hàng nghìn số phận đàn bà với những chuỗi đau đớn, lầm lỡ... đã nhận được lặng lẽ một niềm cảm thông ấy đằng sau ánh nhìn tưởng chừng nghiêm khắc, lạnh lùng của người cán bộ quản giáo. Như một người đàn bà được gọi là “lưu manh chuyên nghiệp” tên Hà Thị H. quê Hà Tĩnh, đã có 5 tiền án, mỗi lần vào trại đều gây náo loạn bởi những màn đánh lộn, kích động chia rẽ mất đoàn kết tại mỗi phòng giam. Chị đã gọi riêng nữ tù nhân này để trò chuyện nhiều lần và chạm đến nỗi niềm sâu thẳm nhất của con người này. Ấy là nỗi đơn độc của một người không chồng, không con, không có nơi trở về mà nương tựa và hy vọng. Bàn tay chị đã đặt trên đôi bờ vai tưởng như gân guốc ấy, để rồi nó đã trĩu xuống trong một chiều đầy mưa. Hay là một nữ tù nhân trẻ tuổi mang án tử hình vì tội buôn bán ma túy Lữ Thị M. M cũng chưa có chồng, con, lại có thêm em trai bị chung thân với cùng tội danh. Biết rằng M. đau khổ và tuyệt vọng, rất dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, chị Liên thường xuyên qua lại hỏi han. Nhận thấy cái ánh mắt ấm áp của người quản giáo phản chiếu trên gương mặt rã rời của mình, nhận thấy cái ân cần của đôi bàn tay, sự chân tình trong từng lời khuyên nhủ, câu gọi khẽ giữa đêm khuya qua chấn song lạnh giá… M đã vững tâm hơn. M biết ân hận, biết chuộc phần nào lầm lỗi bằng lá đơn tự nguyện xin tố cáo thêm về những đối tượng trong đường dây buôn ma túy. Hay như Quách Thị E. khi gây án “vẫn đang là một đứa trẻ”. E đã cùng đồng bọn thực hiện vụ bắt cóc tống tiền tại Diễn Châu năm 2011. Khi vào trại, E chỉ có độc một bộ áo quần. Chị Liên không khỏi xót xa: “E trẻ dại quá, chỉ bằng tuổi con mình. Vào đây, vẫn còn nguyên nét ngây ngô, hay khóc nhớ mẹ. Tôi thường gọi E ra, nói với tình cảm của một người mẹ và cháu đã nhận ra những sai lầm bồng bột của mình. E đã hứa sẽ làm lại, sẽ sống tốt, và tôi tin vào điều ấy”. Còn với đối tượng Nguyễn Thị C, một người đàn bà ở tuổi 60 bị bắt với tội danh buôn ma túy, chị cũng dành niềm cảm thông sâu sắc. “Mỗi một ngày qua, tôi lại thấy mái tóc bà ấy bạc thêm. Thể trạng của bà ấy yếu, hoàn cảnh có những khó khăn. Mỗi lần nhìn bà ấy, tôi lại như thấy mẹ mình trước đây. Tôi luôn giục bà ăn phần cơm cho hết vì bà ấy ăn rất yếu. Đi qua đi lại vẫn thấy chạnh lòng khi thấy cái bóng gầy co ro trong phòng giam, ngày nóng không có quạt… ”

Hơn 40 phạm nhân nữ (hiện tại), hơn 40 số phận chất chứa bao nỗi niềm. Làm sao để có thể bố trí nơi giam giữ phù hợp, không chỉ để quản lý mà còn để nắm bắt tình hình không phải là chuyện đơn giản. Cứ tưởng rằng, cái nhịp sống đơn điệu ấy, môi trường ấy sẽ khiến người ta "phát ngán", nhưng với chị Liên: “Nếu nói rằng yêu công việc này, thì nghe như có vẻ lên gân quá chăng, nhưng quả thực có lẽ tôi đã có cái duyên, cái nghiệp với nghề quản giáo. Tôi thấy mình hợp với công việc này, buồn vui, ám ảnh cùng nó. Hơn 20 năm tưởng đã chai mòn, vậy mà tôi vẫn luôn giật mình mỗi đêm khi nghe điện thoại réo, lòng cứ bất an canh cánh khi rời xa những dãy nhà giam giữ ấy.”- chị Liên thật lòng chia sẻ.

Đã có tới hơn 20 năm, nhưng cảm giác của mỗi đêm trực vẫn không thể xóa nhòa. Chị đã không thể gọi tên chính xác cái cảm giác của mình, khi bước đi trong đêm giữa những dãy nhà im lìm, cái hành lang hút gió, nghe tiếng giày lộc cộc khua lên của chính mình và phía trước là bóng mình đổ dài. Chị biết chắc, sau tiếng bước chân của mình đi mỗi đêm, tới sáng, là biết bao giấc ngủ chập chờn trong kia, nơi mái tóc xanh của những người đàn bà lầm lỗi bạc dần lo nghĩ, nhớ thương, hối tiếc và hãi hùng... Quy định buồng giam là nghiêm ngặt, không được nghe tiếng động, nhưng đã có những lúc chị lắng mình trong bóng tối để nghe rõ tiếng nước mắt chảy, tiếng nấc nghẹn trong những lồng ngực, đôi khi là tiếng hát khe khẽ như gọi về một thanh xuân trong trẻo... Có nhiều người trong số họ đã không thể ngờ, khi vào tới chốn lao tù vẫn nhận được một niềm ấm áp khi chị quản giáo gọi lại, ân cần hỏi han, tặng thêm bộ quần áo, mua thêm viên thuốc...

“Quản giáo, đó là công việc phức tạp nhất trong các công việc tại trại giam, đặc biệt là đối với nữ giới. Vậy nhưng điều khiến cánh đàn ông chúng tôi vẫn phải khâm phục chị Liên là sự lặng lẽ, bền bỉ. Hơn 20 năm qua, chị không một lời than phiền, chưa một lần nào đề xuất chuyển công tác khác ”- Giám thị Trại giam, Thượng tá Trần Thăng Long kể về nữ cán bộ quản giáo của mình đầy tự hào. Anh cho biết, chị Liên không chỉ là chiến sỹ thi đua nhiều năm liền, là tấm gương tiêu biểu của đơn vị, của ngành mà chị còn là một điển hình “làm theo gương Bác”. Công việc này là một công việc đặc thù, không dễ để nhìn thấy “chiến công” như các công việc khác. Để không chỉ đồng nghiệp tôn trọng, mà các đối tượng tù nhân cũng phải cúi mình khuất phục, nể sợ, ấy là nhờ chị Liên mẫu mực trong sinh hoạt, chấp hành điều lệnh, yêu công việc của mình, và quan trọng hơn cả là tấm lòng bao dung, sự gần gũi, khéo léo mà cương quyết. Nhờ chị ấy mà nhiều phạm nhân đã tỉnh ngộ, ăn năn, nhiều vụ án đi tới đích thành công nhờ sự thành khẩn khai báo của đối tượng. Chị ấy “học theo Bác” bằng việc “nói” ít, “làm” nhiều, bằng tấm lòng một con người tin ở “mầm thiện”?!


Thùy Vinh

Mới nhất
x
Lặng lẽ đánh thức “mầm thiện”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO