Làng nghề ngóng… chợ

29/10/2012 17:53

(Baonghean) - Đến cổng làng nghề hoa Kim Phúc, Kim Chi (xã Nghi Ân, Thành phố Vinh) vào lúc tờ mờ sáng sẽ thấy từng đoàn người già, trẻ, gái, trai nhẫn nại chở, đẩy những chiếc xe kềnh càng cây, hoa tỏa đi bán rong khắp các nẻo đường. Và, khi trời chạng vạng tối lại thấy từng đoàn người già, trẻ, gái, trai nhẫn nại chở, đẩy những cây, hoa chưa bán được trở về nhà. Lúc đó, sẽ thấu hiểu được vì sao họ cần có một cái chợ đến như vậy…

Làng... bán rong

Làng nghề hoa cây cảnh Kim Phúc, Kim Chi được công nhận năm 2010. Nhưng trong suy nghĩ mỗi người dân nơi đây thì thân phận họ cũng chỉ như những người bán rong. Anh Lê Văn Hùng (làng Kim Phúc) là chủ một vườn cây thuộc loại lớn trong vùng được nhiều người biết đến. Cây dăm trăm, dăm triệu cũng có, mà cỡ vài chục, thậm chí cả trăm triệu cũng chẳng thiếu. “Thế nhưng tôi cũng chẳng thể ngồi bán tại vườn mà phải đưa đi bán khắp nơi. Địa bàn hoạt động gồm Vinh, Nam Đàn, Cửa Lò, thậm chí vào Thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh để bán” - anh Hùng nói. “Cứ tờ mờ sáng, nhà nào cũng vậy, vợ chồng con cái í ới xốc nhau dậy chất cây, hoa lên xe máy, xe đạp rồi cứ thế lên đường. Mà cái cảnh bán rong trên phố thì anh biết đấy…”. Còn theo anh Nguyễn Viết Thắng - nguyên Bí thư Chi bộ xóm Kim Phúc thì dù đã có cái ăn, cái mặc từ nghề hoa, cây cảnh nhưng dân làng hoa còn cực lắm vì không có nơi trưng bày, bán sản phẩm cố định. Theo anh, để có sản phẩm đẹp là cả một sự công phu của người trồng cây với những khoảng thời gian dài đằng đẵng, thế nhưng không có chỗ trưng bày, giá trị của cây bị giảm sút, người làm ra sản phẩm hết sức nhọc nhằn và ảnh hưởng không hay cho xã hội. “Cứ vào dịp giáp Tết là rõ nhất. Thời điểm đó nhu cầu của người mua lớn thế nhưng, vì không có chợ chuyên dụng nên hầu như cung đường nào của thành phố cũng có người bán hoa, cây cảnh,nên cảnh lộn xộn mất trật tự giao thông và ô nhiễm môi trường…”- anh Thắng cho biết.



Vườn cây cảnh của anh Nguyễn Văn Thắng
(làng Kim Phúc - xã Nghi Ân - TP.Vinh)

Là những người thường xuyên đưa hàng hoa, cây cảnh bán tại vỉa hè Đại lộ Lê Nin (TP.Vinh), các chị Trần Thị Nguyệt, Trần Thị Hà (làng Kim Chi) cho biết đã theo “nghiệp” bán rong hơn 15 năm. Theo các chị, đi bán rong cực vô cùng. Cực không chỉ vì bỏ công, bỏ sức chăm bẵm cây, hoa rồi rong ruổi từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà mà còn vì bị xua đuổi, thậm chí bị bắt hàng vì lỗi vi phạm trật tự đô thị. Chị Nguyệt than thở: “Bọn mình đứng ở chỗ nào cũng bị đẩy đuổi. Không chỉ vậy, nhiều lần mình còn bị mấy ông trật tự đô thị bắt đem hàng đưa về trụ sở. Có lần họ cho nộp phạt nhưng có những lần họ không chịu. Thế là cây bị héo hết vì không được tưới tắm… Khổ thế, nhưng không đi bán rong thì lấy gì sinh nhai”. Rồi chị Nguyệt ao ước: “Mong chi Nhà nước cho dân một cái chợ. Làng nghề được công nhận rồi thì cũng nên có chợ để dân có chỗ tiêu thụ sản phẩm…”.

Xã vào cuộc chậm

Làng nghề hoa, cây cảnh Kim Chi, Kim Phúc được công nhận vào năm 2010. Đến nay cả hai làng đã có khoảng 200 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Không chỉ vậy, tại xóm Kim Mỹ (cũng thuộc xã Nghi Ân) đã có thêm gần 30 hộ bắt đầu tham gia nghề này. Theo ông Nguyễn Đình Trúc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân thì nghề hoa, cây cảnh đã đem lại thu nhập tương đối cao và là nguồn thu nhập chính của người dân. Tuy nhiên vì chưa có điểm bán cố định nên dân phải đi bán rong khắp nơi, gây mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Vì những lý do đó nên khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Nghi Ân đã kiến nghị quy hoạch chợ đầu mối hoa cây cảnh và đã được UBND Thành phố Vinh đồng tình. Ông Trúc cho biết: “Quy hoạch chợ đầu mối đã được phê duyệt tại quy hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2011 và mặt bằng để xây dựng chợ đã được bố trí tại khu vực đất nông nghiệp thuộc xóm Kim Chi (gần sân bay Vinh, đối diện Khu công nghiệp nhỏ Nghi Phú). Nhưng kinh phí gặp nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện. Bây giờ Nghi Ân đang mong muốn thành phố có chỉ đạo cụ thể việc đầu tư xây dựng chợ…”.

Đúng như lời ông Trúc, chính quyền Thành phố Vinh rất ủng hộ việc xây dựng chợ đầu mối hoa, cây cảnh ở xã Nghi Ân. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố thì chính quyền xã vào cuộc quá chậm. Ông Chỉnh nói: “Chợ đầu mối hoa cây cảnh Nghi Ân không chỉ phục vụ cho người dân Kim Chi, Kim Phúc, Kim Mỹ mà còn cho cả những người trồng hoa, cây cảnh ở các xã Đông Vĩnh, Nghi Liên... Chợ không chỉ giải quyết nhu cầu mua bán của dân, giảm thiểu những bất cập trong lĩnh vực trật tự đô thị, môi trường mà còn là nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu văn hóa, du lịch, tổ chức hội chợ… Vì sự cần thiết đó nên từ năm 2011, thành phố đã cân đối ngân sách để Nghi Ân xây dựng hồ sơ khảo sát, xây dựng đồ án kinh tế kỹ thuật và lập dự toán nhưng xã chưa thực hiện. Năm 2012, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, thành phố vẫn tiếp tục cân đối cho Nghi Ân 200 triệu đồng, thế nhưng đến thời điểm này đồ án vẫn chưa được xây dựng. Muốn tiến tới giải phóng mặt bằng, phân khai các khoản đầu tư xây dựng chợ thì chính quyền xã phải tổ chức thực hiện đồ án để UBND thành phố xem xét. Thành phố sẽ chỉ đạo để chính quyền xã khẩn trương triển khai…”.

Như vậy, với những gì lãnh đạo Thành phố Vinh đã nói thì vấn đề cốt yếu đặt ra tại thời điểm này là chính quyền xã Nghi Ân cần phải khẩn trương vào cuộc bởi mong mỏi về một cái chợ hoa, cây cảnh của người dân trồng hoa, cây cảnh Kim Phúc, Kim Chi… là rất rõ. Người dân làng nghề khi được hỏi đều khẳng định, việc đóng góp kinh phí xây dựng chợ là trách nhiệm của mọi người, cùng với Nhà nước để xây dựng một chợ cho làng hoa, cây cảnh nơi đây.


Nhật Lân

Mới nhất
x
Làng nghề ngóng… chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO