Lắng nghe và thấu hiểu
(Baonghean) - Cuộc sống không thể thiếu những cuộc tranh luận. Nhiều vấn đề, sự việc có kết cục tốt đẹp hơn là nhờ có tranh luận. Vì theo nghĩa khởi thủy, tranh luận là bàn cãi để tìm ra lẽ phải. Như vậy, tranh luận không phải là để phân định thắng, thua mà là để nhận biết đúng - sai, phải - trái, nên làm hay không nên làm.
Thế nhưng, lắm khi vì góc nhìn và mục đích khác nhau nên dẫn đến việc tranh luận đi chệch khỏi nghĩa chính thống của nó và trở thành một cuộc “khẩu chiến” để phân định thắng, thua, nhằm thỏa mãn cái tôi cá nhân hoặc để đạt được một mục tiêu có lợi cho một người hay một nhóm người nào đó hơn là tìm ra lẽ phải. Ví dụ như cuộc tranh luận đang diễn ra khá gay gắt xung quanh việc Bộ GTVT đề xuất xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Bên muốn có công trình để thực hiện việc xây dựng sân bay thì nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng, vì cho rằng đến năm 2017, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam.
Một góc phối cảnh sân bay Long Thành. |
Cái vướng mắc lớn nhất là kinh phí thực hiện quá lớn, chỉ riêng giai đoạn 1 dự kiến tốn cỡ gần 8 tỷ USD (tương đương với trên 160 nghìn tỉ đồng). Dĩ nhiên, tiềm lực quốc gia không đủ để có ngay một núi tiền cỡ đó và chuyện đi vay là không thể tránh khỏi. Mà đi vay thì phải trả lãi, thậm chí là lãi cao. Nhưng đó là trong trường hợp “ăn nên, làm ra”, có tiền để trả cả gốc lẫn lãi. Còn trong trường hợp làm ăn thất bát thì không biết sẽ phải xoay trở thế nào với núi nợ khổng lồ đó. Đó cũng chính là lý do để bên phản đối việc xây dựng sân bay Long Thành làm căn cứ để phản bác một cách kịch liệt. Để giải tỏa sự lo ngại này, bên ủng hộ đưa ra giải pháp là Nhà nước sẽ đầu tư phần hạ tầng “cứng”, không sinh lợi (giải phóng mặt bằng, đường băng...), phần còn lại sẽ do doanh nghiệp tự đầu tư, Nhà nước không phải đi vay mượn. Ý kiến khác đề xuất sẽ sử dụng quỹ đất Sân bay Tân Sơn Nhất để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Tóm lại, theo những ý kiến này, việc xây mới Sân bay Long Thành hoàn toàn khả thi và có thể nói đây là một đề án khá hấp dẫn. Nhưng đó mới chỉ là sự hấp dẫn trên lý thuyết. Về phía phản đối lại có lý lẽ riêng. Họ cho rằng Sân bay Tân Sơn Nhất chưa hẳn đã quá tải vì chỉ số đường băng, sân đỗ và nhà ga đều đáp ứng yêu cầu cho hiện tại và tương lai. Chưa nói việc khai thác hạ tầng của Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay vẫn chưa hợp lý, nếu biết sắp xếp, bố trí khai thác hợp lý hơn, thì khả năng vài năm nữa mới đạt công suất của cả hai nhà ga. Về hiệu quả kinh tế, không ít ý kiến còn băn khoăn, nếu đầu tư Sân bay Long Thành, chỉ riêng giai đoạn 1 với công suất khoảng 20 triệu khách/năm đã cần tới 164.000 tỷ đồng. Nếu đầu tư để đạt công suất 100 triệu khách/năm, số tiền sẽ cao gấp đôi số vốn giai đoạn 1.
Với tình hình nguồn vốn như hiện nay, dù Nhà nước chỉ đầu tư 50% ngân sách cho giai đoạn 1, thì phần còn lại cũng rất khó thuyết phục để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chưa nói tới việc có doanh nghiệp nào chịu bỏ tiền vào sân bay hay không, bởi chỉ riêng khoản kinh phí nếu Nhà nước đồng ý là 4 tỷ USD thì cũng không dễ xoay. Cho dù, có thể vay từ nguồn ODA, nhưng liệu có vay được và có nên vay bởi cách đây mấy năm, tổng thu ngân sách có được bao nhiêu thì chi thường xuyên khoảng 50%, bây giờ đã lên đến 72%. Đích thân Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri đã phải lên tiếng là: “Với đà này còn lên nữa, phần còn lại không đủ trả nợ đến hạn, phải vay để trả nợ”. Như vậy, thời gian tới, vay nợ chủ yếu để trả nợ đã vay chứ không chỉ để đầu tư cho phát triển. Và hiện nay, nợ công đã chạm đỉnh an toàn với mức bình quân mỗi người dân nước Việt gánh khoảng 20 triệu đồng tiền nợ. Người ta cũng đã viện dẫn Vinashin như là một sự “đổ bể vĩ đại” cho việc đầu tư theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, bằng việc vay nợ nước ngoài đầu tư lớn để ngành đóng tàu đạt đẳng cấp thế giới.
Để rồi chỉ còn lại những công trình ngàn tỷ phơi mưa nắng. Đến đây mới thấy rõ ra là việc tranh luận giữa hai bên đi trệch khỏi mục đích ban đầu là nhằm để tìm ra lẽ phải, mà chỉ khư khư giữ quan điểm để cố kéo phần thắng thuộc về mình. Và thường là những cuộc tranh luận theo kiểu phân định thắng thua thì sẽ không có hồi kết và vô bổ. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không cần tranh luận nữa, mà vẫn phải tiếp tục tranh luận để hiểu vấn đề rõ ràng hơn, để có thêm những quan điểm, giải pháp khác nữa nhằm giải quyết tốt vấn đề. Trở lại với việc xây hay không xây dựng Sân bay Long Thành, thì bên nào cũng cho là mình đúng và không bên nào chịu nghe bên nào cả. Phía nào cũng đều cố gắng chứng minh phía kia sai, chẳng ai thuyết phục được ai và còn làm cho sự việc trở nên rối rắm, phức tạp hơn. Vì thế, cần có một người ở giữa lắng nghe cặn kẽ, đầy đủ tất cả ý kiến của cả hai bên với thái độ công tâm để có cái nhìn nhiều chiều, không phiến diện và tập hợp được đầy đủ thông tin để đi đến quyết định cuối cùng.
Người đóng vai trò “luôn luôn lắng nghe” để rồi “luôn luôn thấu hiểu” và đưa ra những quyết định đúng đắn chính là các đại biểu của dân. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề xây dựng Sân bay Long Thành sẽ được đặt lên bàn nghị sự. Chỉ mong các Đại biểu Quốc hội lắng nghe các bên tranh luận và cả tranh luận với nhau để làm sáng rõ vấn đề. Thấu hiểu vấn đề và cũng hiểu thấu tận chân tơ, kẽ tóc của vấn đề để đưa ra quyết định đúng đắn. Nếu quyết định trúng, sẽ tạo thêm động lực cho kinh tế nước nhà cất cánh, còn nếu trật thì sự thiệt hại sẽ vô cùng lớn và không chỉ nằm ở địa hạt kinh tế, bạc tiền thôi đâu. Cho nên, nhất thiết phải lắng nghe và nhất thiết phải thấu hiểu!
Bụt Sơn