Làng pháo năm xưa, làng mộc hôm nay

14/01/2013 18:26

(Baonghean) - Nếu như ngày xưa, pháo Tây Hồ có tiếng là nổ đanh, giòn nhưng cũng đầy rủi ro, nguy hiểm thì ngày nay hàng mộc ở đây được khen là mẫu mã đa dạng, phong phú, hợp thời, bền và đẹp. Cách đây ít lâu, Tây Hồ được tỉnh công nhận là 1 trong 3 làng nghề của huyện Nam Đàn.

Anh Phan Quốc Chung, 41 tuổi, chủ một xưởng mộc kể với tôi rằng, hồi năm 1994 anh cùng người em trai đang tính làm thêm nghề phụ là làm pháo để kiếm sống, thì Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 406/TTg, cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Trong lúc loay hoay tìm kế sinh nhai thì huyện cử cán bộ về giúp địa phương bàn cách chuyển đổi nghề và gợi ý bà con xây dựng và phát triển các nghề phụ như mộc, may… Thấy hay, anh em Chung bàn nhau làm mộc. Rất nhiều khó khăn đang chờ họ phía trước: nghề phải đi học, dụng cụ làm nghề từ cái bào trở lên phải vay tiền để mua; rồi gỗ lạt ở đâu, sản phẩm làm ra ai mua. Biết là khó nhưng cả hai đều quyết tâm, thanh niên trai tráng không thể cứ bám ruộng mãi được.

Cái khó ló cái khôn, rất gian nan, vất vả để có nghề, sống được với nghề. Và rồi, hai anh em Chung cũng tạo được cơ ngơi nghề mộc như hôm nay. Xưởng của hai anh có trên 10 công nhân, làm quanh năm với các mặt hàng như bàn ghế, tủ, sập và các mặt hàng dân dụng bằng gỗ khác. Kèm theo là một chiếc ô tô dùng để chở hàng và nguyên vật liệu đi các nơi. Nhớ lại chuyện xưa, Chung bảo, so với nghề làm pháo thì nghề mộc đảm bảo cuộc sống hơn nhiều. Đó là chưa nói đến hồi đó, hễ nghe một tiếng “đùng” bất thường là cả làng cứ thon thót. Trước chỉ thị cấm pháo ít tháng, ở Tây Hồ này đã xảy ra một vụ nổ thuốc pháo làm ngôi nhà mái bằng bị sập, hai người làm công chết tại chỗ. Làm pháo khác gì đùa với tử thần. May mà có chủ trương cấm pháo, chủ trương chuyển nghề phù hợp.



Thợ lành nghề đang chạm trổ những nét hoa văn tinh xảo.

Khác với khởi nghiệp của anh Chung, anh Phan Công Hợi, chủ cơ sở mộc Vân Hợi lại khác. Hồi trong làng, nghề pháo đang thịnh hành thì nghề mộc chỉ có vài ba nhà theo đuổi. Anh biết, nghề này vừa an toàn vừa có tương lai. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu đồ gỗ càng lớn. Nếu như những năm đầu, vợ chồng anh chỉ dám thuê vài ba thợ, chủ yếu là giúp việc thì những năm gần đây xưởng mộc anh có trên 10 thợ làm thường xuyên. Trong đó có những thợ lành nghề từ Nam Định đến đầu quân. Hiện sản phẩm chủ yếu của anh nghiêng về phần “tâm linh” như bàn thờ, hậu sự và một số sản phẩm liên quan khác. Với những đường trổ hoa văn tinh xảo và bằng những loại gỗ phù hợp như mít, dổi, lại có cách chiều khách dù là khách khó tính nhất nên các mặt hành của cơ sở Vân Hợi được khách hàng gần xa ưa chuộng.

Ông Phan Công Thanh, khối trưởng kiêm khuyến công của Thị trấn Nam Đàn cho biết, từ khi có Chỉ thị 406/TTg, các hộ sản xuất pháo đã chuyển sang làm các nghề phụ khác. Trong số 110 hộ của khối có 13 hộ mở xưởng mộc, còn lại một số làm nghề may và một số nghề phụ khác. Riêng nghề mộc, các chủ xưởng đã tập trung đầu tư công cụ sản xuất theo hướng cơ khí hóa, điện khí hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiết kiệm sức lao động của thợ. Từ khi được công nhận là làng nghề thì các xưởng mộc ở đây làm ăn ngày càng “bài bản” hơn. Trong đó, sản phẩm không chỉ mẫu mã đa dạng, phong phú, hợp thời, bền chắc mà giá cả cũng hợp lý có tín nhiệm với khách hàng gần xa. Nhờ đó, nghề mộc đã tạo việc làm thường xuyên cho bà con trong khối phố với thu nhập ổn định từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần xóa đói giảm nghèo trong khối phố. Kinh tế ổn định tạo thuận lợi cho các mặt văn hóa, giáo dục phát triển, hiện khối phố có gần 20 em đang theo học các trường cao đẳng, đại học; an ninh trật tự ổn định.

Thị trấn Nam Đàn đã đồng ý quy hoạch một vùng đất có vị trí thuận lợi để tập trung các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nghề mộc. Lúc đó, không chỉ vệ sinh môi trường được đảm bảo hơn mà các chủ cơ sở sản xuất có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp thị sản phẩm...

Được biết, cùng với khối phố Tây Hồ, huyện Nam Đàn đang xây dựng một làng nghề mộc ở xã Xuân Hòa. Ở xã này hiện đang có gần 30 gia đình mở xưởng làm nghề mộc, trong đó có những xưởng khá quy mô thu hút từ 5 đên 10 thợ lành nghề và thợ mùa vụ. Đặc biệt hơn, tại xã này bắt đầu hình thành những hộ chuyên đầu tư chuyên sâu vào một sản phẩm như ông Hiếu chuyên làm cầu thang, ông Nam chuyên làm “lộc bình”, ông Mai chuyên salon, tủ..


Việt Long

Mới nhất

x
Làng pháo năm xưa, làng mộc hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO