Lãng phí tiền tỷ ở trung tâm đào tạo nghề các huyện miền núi

30/10/2015 10:50

(Baonghean) - Những tòa nhà cao tầng với hệ thống máy móc, dụng cụ trang thiết bị hiện đại ở Trung tâm đào tạo nghề các huyện miền núi đang hết sức lãng phí vì quá ít học sinh.

Khó tuyển sinh, lãng phí cơ sở vật chất

Trung tâm dạy nghề huyện Quỳ Châu được xây dựng khang trang, hiện đại với tổng số vốn đầu tư gần 18 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh, ngân sách huyện. Ngoài 3 dãy nhà cao tầng khang trang, hiện đại thì máy móc, trang thiết bị cơ sở vật chất cũng cơ bản được đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề.

Một lớp học may ở Trung tâm dạy nghề huyện Quỳ Châu.
Một lớp học may ở Trung tâm dạy nghề huyện Quỳ Châu.

Tuy nhiên, hiện nay, trung tâm đang gặp khó trong vấn đề tuyển sinh. Ông Phạm Văn Đương, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mỗi năm chỉ tuyển được vài lớp. Từ đầu năm 2015 đến nay mới có khoảng 100 học sinh vào học. Số lượng đăng ký học nghề đang teo dần qua các năm. Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dành cho đối tượng học nghề ở các thôn, bản chứ chưa thu hút được học sinh theo diện phân luồng hoặc học sinh đã tốt nghiệp THPT. Điều này thực sự gây ra lãng phí lớn trong quá trình đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Tại Trung tâm Dạy nghề huyện Quế Phong, dãy nhà 2 tầng với hệ thống nhà xưởng thực hành các môn may, hàn xì, mộc, sửa chữa điện tử, điện dân dụng, vi tính nhưng cũng vắng học sinh.

Trung tâm dạy nghề huyện Quế Phong có cơ sở khang trang, hiện đại.
Trung tâm dạy nghề huyện Quế Phong có cơ sở khang trang, hiện đại.

Mỗi năm trung tâm chỉ tổ chức vỏn vẹn 1 đến 2 lớp dạy nghề may là chính, trang thiết bị đào tạo tại trung tâm cũng dần xuống cấp theo thời gian.

Ông Lê Văn Quê, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Quế Phong cho biết: Để phát huy hiệu quả công tác dạy nghề cho đồng bào, cán bộ trung tâm phải trực tiếp đưa máy móc xuống tận cơ sở để mở lớp dạy nghề lưu động, nhưng do phong tục, tập quán của địa phương là chỉ thích vào rừng, lên rẫy tìm cái gì có thể ăn liền, bán liền chứ không thích đi học nên việc mở lớp cũng rất hạn chế.

Tại huyện Tân Kỳ, Trung tâm dạy nghề huyện là tòa nhà 2 tầng, 12 phòng học cùng các thiết bị thực hành môn hàn điện, điện dân dụng, may công nghiệp, mộc.

Năm 2010, trung tâm mở được 3 lớp chăn nuôi thú y với 95 học viên; năm 2012, trung tâm mở được 7 lớp với 307 học viên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, số lượng học viên ít dần; trung bình mỗi năm chỉ xấp xỉ từ 180 – 200 học viên đến học. Từ đầu năm 2015 đến nay, trung tâm chỉ mở được 2 lớp trung cấp nghề chăn nuôi thú y với 65 học viên.

Các trung tâm cần tự đổi mới

Không thể phủ nhận, những năm qua, công tác dạy nghề ở các huyện miền núi đã có những chuyển biến nhất định. Từ chỗ chỉ có 5 trung tâm dạy nghề vào năm 2005 ở các huyện miền núi thấp, đến nay, tất các huyện miền núi đều có trung tâm, trường dạy nghề. Bên cạnh đó, nhiều chương trình hỗ trợ học nghề đối với người lao động được triển khai. Mỗi năm, 10 huyện miền núi có hàng vạn thanh niên rời ghế nhà trường, bổ sung vào lực lượng lao động tại địa phương.

Thế nhưng, tỷ lệ lao động tham gia học nghề lại rất khiêm tốn. Năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở các huyện miền núi đạt 38%, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân chung của cả tỉnh (46%).

Hệ thống máy móc để dạy nghề may đang bị lãng phí.
Hệ thống máy móc để dạy nghề may đang bị lãng phí.

Theo lãnh đạo của các trung tâm dạy nghề, khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi, đặc biệt là các huyên miền núi cao, là đồng bào dân tộc thiểu số thích lao động tự do tại nương rẫy quê nhà, không quen với lao động có tác phong công nghiệp; rất ít lao động chịu đi học nghề để vào làm việc tại các nhà máy. Một lý do nữa là người lao động mơ hồ, không biết chọn nghề gì. Một số học viên đi học với tâm lý để nhận hỗ trợ là chính…

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, hiện nay, các trung tâm dạy nghề ở miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; chưa nhạy bén tìm “đầu ra” cho lao động, trong khi thời gian đào tạo nghề quá ngắn nên tay nghề của người lao động chưa cao. Cơ cấu dạy nghề cho lao động nông thôn ở các ngành nghề, lĩnh vực ở địa phương chưa thực sự phù hợp. Các trung tâm vẫn đang chú trọng những nghề phi nông nghiệp như sửa chữa vi tính, sửa chữa điện tử, hàn xì; các lớp như chăn nuôi thú y, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp lại rất ít.

Lớp dạy nghề sản xuất nấm ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề Anh Sơn.Ảnh: Sỹ Thuần
Lớp dạy nghề sản xuất nấm ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề Anh Sơn. Ảnh: Sỹ Thuần

Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp của nông dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số không cao, nhưng không phải không có. Vấn đề là việc đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm, gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp và xã hội; đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ rõ ràng.

Ngoài ra, cần có chế độ khuyến khích để thu hút giáo viên dạy nghề về các trung tâm ở miền núi, xây dựng cơ cấu nghề trên nền quy hoạch vùng sản xuất để sau khi học xong, người học kiếm được việc làm ngay; đa dạng các loại hình đào tạo, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động và có chế độ khuyến khích người học trong giai đoạn đầu để tạo thói quen muốn tiếp cận cái mới, xoá bỏ tâm lý ỉ lại...

Minh Quân - Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Lãng phí tiền tỷ ở trung tâm đào tạo nghề các huyện miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO