Làng rèn Nho Lâm

29/08/2015 09:35

(Baonghean) - Về thăm cụ Võ Văn Trình, người sống “bách niên giai lão” ở làng cổ Nho Lâm - tương truyền là cái nôi sinh ra nghề rèn ở Việt Nam để hiểu rõ thêm về một nghề cổ gắn bó với đất nước từ buổi đầu sơ khai cho đến những giai đoạn thăng trầm nhất. Ở tuổi 94, ánh mắt cụ vẫn linh hoạt, quắc thước, chứa đựng sự mạnh mẽ như chính nghề rèn mà cụ từng là một tay búa nổi tiếng nhất vùng…

Làng Nho Lâm (xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu) nằm bên dòng sông Sắt êm đềm - nơi có nghề luyện, đúc sắt lâu đời và được biết đến như là đất tổ nghề rèn. Dù chưa có một nghiên cứu khoa học nào, nhưng với sự tọa lạc của một công trình di tích lịch sử cổ kính, đó là đền thờ Tướng Cao Lỗ - người đã phát minh ra chiếc nỏ thần liên châu thời Thục phán An Dương Vương, cùng những địa danh như sông Sắt, cồn Lò, dấu tích những bức tường rêu phong được xây bằng xỉ sắt là minh chứng rằng mảnh đất này là một trong những cái nôi của nghề rèn.

Cụ Võ Văn Trình, chủ lò rèn Châu Trình xưa,  đang giảng giải về kỹ thuật quai búa trên đe.
Cụ Võ Văn Trình, chủ lò rèn Châu Trình xưa, đang giảng giải về kỹ thuật quai búa trên đe.

Nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc chế tạo các công cụ bằng sắt để phục vụ sản xuất hay vật dụng hàng ngày trở nên hết sức đơn giản với chỉ vài nhịp dập của máy móc. Vậy nên làng nghề Nho Lâm mai một dần, đến nay chỉ còn một số ít người theo được nghề tổ. Và cụ Võ Văn Trình là một trong những người đó. Dù đã 94 tuổi, nhưng khi nhắc đến nghề rèn, dường như trong ánh mắt cụ vẫn còn nguyên nhiệt huyết, nhưng cũng thấp thoáng nỗi niềm luyến tiếc. Cụ cho biết, gia đình cụ 4 đời theo nghề rèn. Ngay từ lúc còn nằm nôi, thay bằng tiếng ru hời của bà, của mẹ là những âm thanh cắc - cụm đều đặn. Những âm thanh thô mộc ngày này qua tháng khác đã nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ làng Nho Lâm ngày ấy. Và như một sự nối tiếp tự nhiên, những đứa trẻ ấy lớn lên lại tiếp tục với những lò lửa hồng, cây sắt rực đỏ và cái búa để tạo ra những thanh âm rất đỗi thân quen với người dân làng Nho Lâm này.

Các sản phẩm làm ra có nhiều, nhưng cụ nhớ nhất giai đoạn rèn binh khí phục vụ cướp chính quyền vào tháng 8/1945. Lúc ấy đời sống nhân dân hết sức cơ cực, lầm than và những gia đình thợ rèn ở làng Nho Lâm cũng không ngoại lệ. Trong một gia đình, người có sức khỏe thì kéo xe cút kít vào Nghi Thiết, đẩy quặng sắt về làm nguyên liệu, người sức yếu hơn thì nhen lò, thổi lửa để luyện. Những người còn lại thay nhau quai búa, quần quật bên lò rèn cả ngày đêm cũng chỉ đủ kiếm bữa cơm đạm bạc qua ngày. Rồi phong trào cách mạng nổ ra, người thợ rèn cũng trở thành một “chiến sỹ” theo cách riêng của mình. Cụ Trình từ một thợ rèn quen với các nông cụ, đồ dùng phục vụ đời sống hàng ngày, nay trở thành tay búa cả rèn kiếm, gươm, giáo, lê… phục vụ cách mạng. Vốn có tay nghề nức tiếng khắp vùng, với bí quyết nung nhiều đời truyền lại, những vũ khí sắc bén mà cụ làm ra theo chân quân và dân ta trong từng bước đấu tranh, góp phần làm nên thành công cuộc cách mạng vĩ đại của toàn dân tộc.

Cụ Trình kể lại quá trình vất vả để rèn được một thanh kiếm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công của thời bấy giờ. Lúc đó, sắt để rèn không phải là sắt cắt sẵn thành thanh mà là sắt nguyên khối do nhà tự luyện thành. Người thợ cả nung sắt trong lò đến khi đỏ rực thì dùng kìm tự chế gắp ra, đặt lên đe. Thao tác này cần sự nhanh nhạy và độ chính xác cao, bởi nung quá lâu thì sắt sẽ không đủ độ cứng, mà lấy ra quá sớm thì sắt lại bị giòn. Sau đó, người thợ cả một tay dùng kìm giữ chặt và “khai hỏa” bằng một tiếng “cắc” từ cây búa lỡ, búa người thợ cả đập ở đâu thì 5 - 7 thợ phụ cứ chỗ ấy mà đập. Cứ như vậy cho đến khi thanh sắt nguội thì lặp lại quy trình nói trên từ đầu. Rèn xong “phần thô” lại đến “phần tinh”, phần này chỉ có thợ cả và một vài thợ phụ có tay nghề tốt mới được tham gia. Rèn xong đem ra bến sông Sắt mài, đóng cán là được một cây kiếm hoàn chỉnh.

Để thành nghề, những người thợ rèn phải trải qua quá trình học nghề khổ luyện vất vả. Bài học đầu tiên là học cách chịu đựng được sức nóng của lò nung luôn đỏ lửa. Ông Châu - con trai cả của cụ Trình nửa đùa nửa thật: “Với những người “ngoại đạo” thì ngay cả việc đứng bên lò nung vào mùa Đông đã khó mà chịu đựng được chứ nói gì mùa Hè. Mà đâu chỉ có vậy, người thợ rèn Nho Lâm còn phải đi hàng chục cây số để thu thập quặng, lên rừng đốn củi về đốt lò. Rèn sắt trong lửa, cũng chính là rèn người…”.

Đến nay, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển, nghề thợ rèn dần lui vào dĩ vãng, trở thành một nghề cổ không còn thông dụng như trước nữa. Việc chế tạo một công cụ bằng sắt không còn vất vả như xưa và người thợ rèn cũng vì thế mà rảnh tay quai, tay búa. Thế nhưng những hoài niệm về một nghề tổ gắn liền với đời sống của nhân dân lao động cũng như những thời khắc trọng đại của đất nước vẫn luôn đau đáu trong lòng những người như cụ Võ Văn Trình.

Cảnh Nam

Mới nhất
x
Làng rèn Nho Lâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO