Lặng thầm cô đỡ thôn bản
(Baonghean) - Cô đỡ thôn bản như những con ong thợ cần mẫn và chăm chỉ, góp phần thay đổi hành vi, nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các thôn, bản. Mỗi khi nhắc đến họ, bà con dân bản đều thấy gần gũi, tin yêu...
Chúng tôi về bản Cướm, xã Diên Lãm (Quỳ Châu) trong một ngày nắng đẹp. Đi trên những con đường đất nhão nhoẹt, mới thấy được sự vất vả của cô đỡ thôn bản nơi đây. Bản Cướm là 1 trong 6 bản của xã Châu Phong có địa hình cách trở, đi lại khó khăn, do đó, dân bản mỗi khi muốn đến khám ở trạm y tế xã phải đi bộ 7 – 8 cây số.
Chị Quang Thị Tuyết - cô đỡ bản Cướm thăm sản phụ trong bản. |
Theo chân chị Quang Thị Tuyết – cô đỡ bản Cướm, đến tư vấn sau sinh cho sản phụ Lương Thị Hương. Chị Lương Thị Hương cho biết: “Sau khi sinh, cách 1 ngày chị Tuyết lại đến thăm rốn cho bé một lần, dặn phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé và vết mổ của mẹ. Từ khi thôn bản có cô đỡ, các sản phụ của bản rất yên tâm vì được tư vấn về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nếu có gì khác thường là gọi cô đỡ đến ngay, kể cả lúc đêm khuya, mưa gió họ luôn có mặt”.
Chị Tuyết gắn bó với bản Cướm trong vai nhân viên y tế bản gần 8 năm nay. Năm 2012, sau khi tham gia khóa học 6 tháng “Đào tạo cô đỡ thôn bản vùng khó khăn” trong khuôn khổ “Dự án mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản” của tỉnh, chị kiêm luôn vai cô đỡ bản Cướm. Hàng ngày, vào các buổi chiều, chị phải vượt đường xa, trèo đèo lội suối để thăm khám sức khỏe cho chị em mang thai, bởi họ chỉ ở nhà vào thời gian từ 6 - 7 giờ tối; không gặp ở nhà, chị lại lên nương, lên rẫy để tuyên truyền, nói cái hay, cái tốt về vấn đề CSSKSS cho chị em. Với sự kiên trì vận động của cô đỡ thôn bản, hiện nay, 100% phụ nữ mang thai ở bản Cướm đều đến trạm y tế xã khám thai định kỳ và đẻ tại trạm, những ca đẻ khó đều được chuyển tuyến kịp thời.
Từ khi đảm nhiệm vai trò cô đỡ bản Quàng (xã Châu Phong), chị Vi Thị Vân đã đỡ đẻ cho 3 ca trong bản. Vừa qua, do trời mưa to, lụt lội, bản Quàng bị cô lập như một ốc đảo, một số sản phụ chuyển dạ không thể đến trạm y tế xã, chị đã phối hợp với y tế bản đỡ đẻ thành công cả 3 ca tại nhà, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Mặc dù 8 tháng nay chưa nhận được đồng phụ cấp nào nhưng với trách nhiệm đối với dân bản, ngoài cuốc bộ đến những gia đình cách nhà chị 5 – 6 cây số lên dốc xuống đèo để vận động và thăm khám, hàng tháng chị Vân vẫn chuyên cần xuống trạm y tế xã 3 đến 4 lần, khi thì tham gia giao ban định kỳ cùng đội ngũ y tế bản, khi thì học hỏi kinh nghiệm trong các ca đỡ đẻ tại trạm để nâng cao tay nghề và nắm những thông tin cần thiết để tuyên truyền, hỗ trợ với cán bộ y tế bản phổ biến cho bà con. Hiện nay, chị Vân có gia đình với hai con nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chị suy nghĩ: “Mình đã được đi học thì phải về giúp cho bà con thôi. Mình mà không kịp thời đến với dân bản, lỡ xảy ra việc gì thì áy náy lắm”.
Với cống hiến đầy tâm huyết của chị Vân, từ năm 2013 đến nay, bản Quàng không có trường hợp sinh con thứ ba; 2 năm lại nay, số sản phụ ở bản Quàng đến trạm thăm khám định kỳ và đẻ tại trạm đạt 100%. Không có trường hợp tai biến sản khoa xảy ra.
Ghi nhận sự hỗ trợ kịp thời của đội ngũ bà đỡ thôn bản, chị Nguyễn Thị Dịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quỳ Châu khẳng định: “Hiện nay, đội ngũ bà đỡ thôn bản đã trở thành “chân rết” cho công tác quản lý thai sản của huyện. Ngoài chăm sóc sức khỏe sinh sản trước, trong và sau khi sinh cho sản phụ, họ còn xử lý những ca đẻ rơi rất kịp thời và an toàn. Mỗi năm chúng tôi tổ chức 2 đợt khám và tư vấn SKSS tập trung toàn huyện vào trước ngày 8/3 và 20/10 rất thành công là nhờ sự vận động các sản phụ tích cực tham gia của đội ngũ này”.
Công việc thầm lặng của chị Tuyết, chị Vân nói riêng và của đội ngũ bà đỡ thôn bản nói chung đóng góp tích cực vào việc xóa bỏ rào cản văn hóa và ngôn ngữ giữa người cung cấp dịch vụ và người dân; góp phần tăng cường dịch vụ làm mẹ an toàn, giảm sự bất bình đẳng của người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế, đóng góp vào việc giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh tại các vùng miền núi khó khăn của tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn đó những bất cập trong công tác quản lý và hoạt động của đội ngũ này tại địa phương.
Ví như Quỳ Châu là huyện vùng cao có 11 xã thị trấn, trong đó có 7 xã có những bản khó khăn cách trở về đường đi cần được tăng cường đội ngũ bà đỡ thôn bản như: bản Tùng Khạng xã Châu Bình, bản Xớn (Châu Hội), bản Bòng (Châu Nga) và nhiều bản thuộc các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm. Tuy nhiên, hiện nay cả huyện mới chỉ có 2 bà đỡ thôn bản. Trong khi từ đầu năm 2013 đến tháng 8 năm nay, cả huyện có tới 105 ca đẻ tại nhà/ 1.900 ca đẻ toàn huyện.
Ngoài ra, theo Trưởng Trạm Y tế xã Châu Phong – Vi Thị Chuyên thì: “Đội ngũ bà đỡ thôn bản hiện nay không thuộc sự quản lý của trạm y tế xã, tuy nhiên để nâng cao tay nghề cho bà đỡ thôn bản trên địa bàn xã, hàng tháng trạm vẫn thông báo để họ tham gia các hoạt động tại trạm cùng với đội ngũ y tế bản. Từ đó trạm cũng sẽ nắm tình hình thai sản cụ thể hơn từ cơ sở thông qua đội ngũ này.” Mặt khác, vì không thuộc sự quản lý của trạm nên khi nhận phụ cấp, họ phải vượt hàng chục cây số để lên Trung tâm Y tế dự phòng huyện – là đơn vị chủ quản. Tuy nhiên, họ chỉ được nhận phụ cấp một lần vào cuối năm nên chưa tạo được sự khuyến khích trong công việc. Mặt khác trang, thiết bị phục vụ cho việc đỡ đẻ an toàn chưa được cấp cho cô đỡ thôn bản, nên đội ngũ này gặp không ít khó khăn trong các ca đỡ...
Thời gian qua, vai trò của cô đỡ thôn bản đối với vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn là không thể phủ nhận. Thiết nghĩ, để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế và cứu sống bà mẹ, trẻ em trên địa bàn vùng sâu vùng xa, mạng lưới đội ngũ bà đỡ thôn bản cần được mở rộng hơn nữa. Các cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn về công tác đào tạo nâng cao tay nghề, trang bị dụng cụ hỗ trợ công việc và kịp thời chi trả phụ cấp để phần nào giúp họ trang trải cuộc sống gia đình và gắn bó với vai trò cầu nối dân bản với cơ sở y tế.
Bài, ảnh: Lê Hoa