Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi: Điểm sáng vùng biên
Vườn rau xanh được phủ đầy một lớp sương trắng vào buổi ban mai, đó là cảm nhận về sự trong lành của chúng tôi khi đặt chân đến làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, Kỳ Sơn.
Anh Nguyễn Trọng Cảnh - Trưởng Ban quản lý dự án dẫn chúng tôi đi một vòng từ vườn dưa chuột trĩu quả, đến những luống bí ngồi xanh tốt đang cho quả, đến vườn cải và tất cả đều rất xanh và "sạch". Anh Cảnh cho biết: "các cây trồng, vật nuôi ở đây đều phát triển theo tự nhiên, kể cả việc phát triển nuôi gà đen của làng cũng vậy".
Mô hình nuôi gà đen tại làng Thanh niên Na Ngoi.
Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, huyện biên giới rẻo cao Kỳ Sơn được thành lập vào cuối năm 2008, theo chủ trương của Trung ương Đoàn về thành lập, 18 làng thanh niên dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và dọc tuyến biên giới Việt - Lào. Ngay sau khi được thành lập, cán bộ, đội viên của làng đã bắt tay vào sản xuất và thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khó của buổi sơ khai, đến nay làng Thanh niên Na Ngoi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Làng có 18 cán bộ, đội viên với nhiệm vụ chính là sắp xếp dân cư, thu hút các hộ đội viên để trồng và chế biến chè. Mục tiêu là trồng chè Tuyết Shan, và chuyển giao KHKT xây dựng các mô hình kinh tế cho bà con đồng bào dân tộc Mông trong vùng. Sau hơn 2 năm, làng thanh niên Na Ngoi Kỳ Sơn đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả.
Trong đó đãtrồng được 50 ha chè Tuyết Shan, hàng năm tổ chức gieo ươm đạt trên 23 vạn bầu chè cung cấp đủ giống cho nhân dân trong vùng. Ngoài ra còn khai hoang trồng lúa nước, xây dựng mô hình trồng lúa nước bậc thang cho bà con dân bản. Làng đã nghiên cứu điều kiện khí hậu tự nhiên, phối hợp với phân viện nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ triển khai nuôi trồng thành công giống cá Hồi. Đây là loại cá khó nuôi và có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt trong mấy năm qua, làng đã thành công với việc trồng hoa Ly, riêng trong năm 2010 thu nhập từ trồng hoa đạt trên 500 triệu đồng, cũng trong năm 2010 thu nhập từ nuôi gà đen đạt 50 triệu đồng, hiện nay làng đang phát triển mỗi năm 3 lứa gà với thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Hiện nay làng đang thử nghiệm đưa vào sản xuất một số cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: Hoa cát tường, hoa địa lan và các loại thảo dược.
Xồng Bá Tanh, sau khi học xong THPT đã được gia nhập vào Làng Tổng đội TNXP 8 sau 1 năm, Tanh được chuyển về làng Thanh niên Na Ngoi. Được trở về sản xuất, sinh hoạt ngay trên mảnh đất mình đã sinh ra, Tanh đã hiểu được các phong tục, tập quán của dân tộc mình để rồi giúp cho đồng bào mình có cung cách sản xuất mới. Hiện nay Tanh đang được dự án cho theo học lớp đại học chuyên ngành nông nghiệp. Ngoài giúp cho đồng bào sản xuất áp dụng KHKT mới, anh còn là thành viên năng động trong vận động gia đình, bà con dân bản hồi cư về bản để ổn định cuộc sống.
Mới chỉ hơn 2 năm lập làng và bắt tay vào sản xuất, nhưng đến nay cán bộ đội viên trong làng đã chuyển biến nhận thức của bà con dân bản trong sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt. Đến nay dân bản trong vùng đã biết trồng cây, chăn nuôi hàng hóa như: trồng gừng, trồng cây dong riềng và chăn nuôi giống gà đen. Ngoài phát triển kinh tế, giúp bà con nâng cao kiến thức về KHKT, thì cái được lớn nhất hiện nay mà cán bộ, đội viên của làng đã làm được đó là đã vận động được 52 hộ đồng bào Mông di cư tự do về nơi ở cũ.
Trần Minh - Cảnh Toàn