Lãnh đạo phát triển chăn nuôi ở Kỳ Sơn

12/09/2014 10:14

(Baonghean) - Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Kỳ Sơn ban hành Đề án quản lý an toàn dịch bệnh và phát triển đàn gia súc dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 - 2016. Mặc dù thời gian triển khai chưa nhiều nhưng cơ bản đã khống chế được tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện để đàn gia súc phát triển, hình thành hướng đi mới cho phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Kỳ Sơn...

Đề án “2 trong 1”

Trước tình trạng đàn gia súc thường xuyên bị dịch bệnh, Kỳ Sơn phải giải quyết đồng thời 2 việc là kiểm soát được dịch bệnh và khuyến khích người dân phát triển đàn gia súc. Được sự trợ giúp của Chương trình Quản lý dịch bệnh và phát triển đàn gia súc (CDDM), sau khi thí điểm thành công tại bản Na, xã Hữu Lập, cuối năm 2011, Phòng Nông nghiệp đã tham mưu xây dựng và trình UBND huyện Kỳ Sơn ban hành Đề án Quản lý an toàn dịch bệnh và phát triển đàn gia súc dựa vào cộng đồng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2012 - 2016.

Mô hình nuôi bò gia trại tại bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu.
Mô hình nuôi bò gia trại tại bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu.

Sau khi UBND huyện ban hành đề án, Hữu Lập, Hữu Kiệm, Mường Lống là 3 xã được chọn làm điểm thực hiện. Theo đó gia súc được quản lý theo mô hình dựa vào cộng đồng, ở cấp xã phó chủ tịch xã phụ trách làm trưởng ban, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, ban còn có trách nhiệm kiểm đếm, nắm tình hình đàn gia súc “vào” và “ra” địa bàn nên số liệu khá sát. Hộ dân nào mới nuôi được tổ hợp tác hướng dẫn, giúp đỡ; khi tiêm phòng hoặc có dịch bệnh thì được cộng đồng hỗ trợ...

Đồng chí Vi Thái Dương - Chủ tịch UBND xã Hữu Lập nhớ lại: Trước đây, chu kỳ cứ 2-3 năm lại xảy ra dịch bệnh khiến đàn gia súc sụt giảm khoảng 10%/lần. Dịch bệnh không chỉ làm nhiều hộ nghèo trắng tay mà địa phương cũng rất khó để vận động người dân gây dựng lại đàn. Thế nhưng, sau khi được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, đàn gia súc của xã tăng khá nhanh, bình quân từ 3 - 5% năm. Nếu như năm 2012, xã có tổng đàn trâu, bò 2.100 con thì nay đã tăng lên 2.385 con. Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

Từ sức lan tỏa của cách làm trên, không chỉ các xã được chọn làm điểm, mà những xã khác tốc độ tăng đàn gia súc từ 5-8%/năm. Chiêu Lưu là xã có địa hình chia cắt thành 2 vùng nhưng tổng đàn gia súc của xã phát triển được 3.500 con. Xã Bảo Nam với gần 100% số dân là người Khơ mú, điều kiện, kiến thức chăn nuôi hạn chế nhưng đàn gia súc cũng trên 2.500 con.

Hình thành phương thức chăn nuôi mới

Đề án “2 trong 1” có ý nghĩa đảm bảo nghề chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn Kỳ Sơn phát triển một cách bền vững. Hiện nay, 10 xã trên địa bàn tham gia thực hiện đề án. Đồng chí Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Thực hiện đề án trên, mỗi năm huyện trích kinh phí khoảng 200 triệu đồng để tiêm phòng 2 đợt cho 100% gia súc trên địa bàn. Ngoài hỗ trợ kinh phí tiêm phòng, huyện có chính sách hộ nào làm chuồng nuôi nhốt gia súc thì được hỗ trợ 1 triệu đồng nên đã khích lệ được nhiều bà con tham gia...

Hiện nay, với việc kiểm soát gần như cơ bản dịch bệnh, đã tạo cơ sở hình thành hướng đi mới, mở ra triển vọng mới cho chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn Kỳ Sơn. Một số xã như Hữu Lập đã có nghị quyết về phát triển mô hình trang trại vườn - ao - chuồng, khuyến khích chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả. Chiêu Lưu, Mường Lống... đã lập quy hoạch mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, đồng thời tính toán mở rộng diện tích đồng cỏ để bà con phát triển chăn nuôi xóa đói, giảm nghèo.

Đồng chí Moong Văn Đoàn - Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu cho biết: Nhờ phát triển chăn nuôi đại gia súc mà xã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 46,2% năm 2012, xuống 42,6% năm 2013, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 60% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp. Cũng theo lãnh đạo xã cho biết, từ năm 2012 đến nay, nhờ chỉ đạo quyết liệt nên tỷ lệ đàn gia súc được tiêm phòng trên 96% - 98%, dịch bệnh bị loại trừ nên bà con yên tâm phát triển đàn. Từ tâm lý thận trọng, thì nay đã có hàng chục gia đình ở các bản Xiêng Thù, Lưu Tiến... nuôi quy mô từ hàng chục con gia súc trở lên. Cũng nhờ những điển hình này mà xã vững tâm, mạnh dạn hơn trong việc tham mưu cho cấp trên khi hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn thì tốt nhất là nên hỗ trợ giống chăn nuôi gia súc để thoát nghèo.

Bà con các xã Tây Sơn, Mường Lống, Nậm Cắn, Nậm Càn chọn mua trâu bò gầy về nhốt chuồng trại, trồng cỏ, cho thức ăn tinh 3-4 tháng sau đó bán, cho thu nhập 3-4 triệu đồng/con. Ngoài đẩy mạnh chăn nuôi bò địa phương theo phương thức khoanh vùng chăn thả, nuôi nhốt vỗ béo thì Kỳ Sơn cũng khuyến khích bà con tìm và nhân rộng giống bò chận của người Mông (bò thi đấu thể thao) có giá trị hoàng hóa cao (mỗi con bò chuẩn có giá từ 4.500 - 5.000 USD, tương đương 100 triệu đồng).

Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Đề án Quản lý an toàn dịch bệnh và phát triển đàn gia súc, đến cuối năm 2015, huyện Kỳ Sơn phấn đấu được công nhận an toàn dịch; đồng thời có tổng đàn gia súc 65 ngàn con và 35 ngàn con lợn. Sau 3 năm triển khai, với việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đầu tư lớn cho khâu cung ứng giống, đàn gia súc của Kỳ Sơn mỗi năm tăng từ 8 - 9%, từ 41.500 con (năm 2010), đến nay có trên 50.000 con, trong đó 44.960 con bò và 5.105 con trâu; đàn lợn đạt 30.800 con, dê gần 7.000 con...

Như vậy, với viêc thực hiện có hiệu quả đề án “2 trong 1”, bên cạnh tình hình dịch bệnh gia súc trên địa bàn đang dần được kiểm soát, đảm bảo tiêm phòng 100% cho đàn gia súc, Kỳ Sơn đang tích cực khai thác các nguồn lực hỗ trợ để bà con, nhất là hộ nghèo có vốn đầu tư chăn nuôi bò, chú trọng ưu tiên giống và phát triển đàn gia súc bản địa có giá trị kinh tế cao; tích cực tìm kiếm thị trường; từng bước hình thành quy hoạch vùng trồng cỏ để phát triển gia súc theo quy mô hàng hóa ngày càng lớn hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hải

Lãnh đạo phát triển chăn nuôi ở Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO