Lãnh tụ tiền bối, trí thức cách mạng tiêu biểu

05/05/2015 09:39

(Baonghean) - Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 (tức ngày 28/3 năm Nhâm Dần) trong một gia đình khá giả, có học vấn và có truyền thống yêu nước.

Thuở nhỏ, Phan Đăng Lưu nổi tiếng thông minh, ông được gia đình cho đi học chữ Hán, chữ Quốc ngữ ở trường làng, trường huyện rồi vào học Trường Tiểu học Pháp Việt ở Vinh, Trường Quốc học Huế. Năm 17 tuổi, Phan Đăng Lưu thi đậu vào Trường Cao đẳng Canh nông Tuyên Quang. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp hạng ưu, ông được điều về trại tằm Thanh Ba, Phú Thọ. Ở đây, ông bắt đầu có những hoạt động yêu nước. Một năm sau, ông được điều về Sở Canh nông Nghệ An, phụ trách trại tằm ở Diễn Châu, ở Linh Cảm (Hà Tĩnh).

Vốn có tư tưởng chống đối bọn thực dân Pháp và tay sai, về Nghệ An, Phan Đăng Lưu nhanh chóng bắt liên lạc với các thầy giáo trong Hội Phục Việt ở Vinh, ở Yên Thành, tích cực tham gia các hoạt động yêu nước. Vì thế, Khâm sứ Trung kỳ điều Phan Đăng Lưu vào trại sản xuất trứng tằm ở Bình Định, cách xa Vinh hàng ngàn cây số. Phan Đăng Lưu vẫn tích cực học tập và tuyên truyền tư tưởng yêu nước, chống Pháp. Ngày 7/4/1927 Khâm sứ Trung Kỳ lại quyết định điều ông vào làm việc tại trạm nghiên cứu trồng cây ở thượng Đồng Nai (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng) cách xa vùng dân cư. Nhưng ở đâu ông cũng tìm cách học tập, chống đối lại những hành động bạo ngược, sai trái của bọn thực dân. Ngày 30/5/1927, Khâm sứ Trung Kỳ quyết định cách chức ông vì tội “thường xuyên chống đối và có hành động vô kỷ luật liên tiếp với người Pháp”.

Phan Đăng Lưu về Nghệ An giữa lúc phong trào yêu nước và cách mạng do Hội Phục Việt tổ chức đang phát triển mạnh và đang chuẩn bị hợp nhất với Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (gọi tắt là Hội Thanh niên). Phan Đăng Lưu nhanh chóng liên lạc với những người lãnh đạo Tổng bộ và tích cực hoạt động xây dựng phát triển tổ chức hội. Ông về Yên Thành và các địa phương xây dựng các tiểu tổ Tân Việt và sau đó được điều vào Huế phụ trách “Quan hải trùng thư”, cơ quan xuất bản, phát hành sách báo tiểu bộ của Tổng hội. Ngày 14/7/1928, Phan Đăng Lưu tham dự Hội nghị Tổng bộ tại Huế và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng vào việc bàn bạc hợp nhất giữa hai tổ chức cách mạng: Thanh niên - Tân Việt và được cử làm Thường vụ Tổng bộ phụ trách công tác tuyên truyền.

Ngày 17/12/1928, Phan Đăng Lưu được cử sang Trung Quốc lần thứ nhất để gặp Tổng bộ Thanh niên để bàn việc thống nhất cương lĩnh hành động chống Pháp, cứu nước và tìm hiểu, nghiên cứu tình hình cách mạng Trung Quốc, nhưng ông không bắt được liên lạc vì lúc này Chính phủ Tưởng Giới Thạch đàn áp khủng bố, Tổng bộ Thanh niên rút vào hoạt động bí mật. Bốn tháng sau, ông lại lên đường sang Trung Quốc lần thứ hai nhưng khi vừa đến Hải Phòng thì bị địch bắt và đem giam tại Nhà lao Vinh.

Ngày 21/1/1930, Phan Đăng Lưu bị kết án 7 năm tù khổ sai và đày vào Nhà lao Buôn Mê Thuột. Tại đây, ông tiếp tục tìm cách biến nhà tù thành trường học, vừa học tập, vừa rèn luyện, vừa có sáng kiến thành lập tờ báo “Doãn Đê tù báo” (tờ báo của người Kinh và người Ê đê) nhằm tuyên truyền giáo dục bạn tù và binh lính người dân tộc Ê đê. Tờ báo trở thành vũ khí đấu tranh, tập hợp, đoàn kết quần chúng của chi bộ nhà tù. Năm 1933, nhân một người bạn tù mãn hạn được trả tự do, Phan Đăng Lưu tìm cách viết bài, bí mật gửi ra ngoài đăng báo tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù Ban Mê Thuột, ông bị tăng án thêm 5 năm khổ sai và đày vào xà lim.

Năm 1936, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ dâng cao ở Pháp và cả ở Việt Nam, thực dân Pháp buộc phải thả một số tù chính trị, trong đó có Phan Đăng Lưu. Ra tù, về Huế, Phan Đăng Lưu được Trung ương Đảng chỉ định bổ sung vào Ban Chấp hành Xứ ủy Trung kỳ và được cử vào Ủy ban lâm thời Đông Dương đại hội Trung Kỳ, được phân công phụ trách phong trào đấu tranh công khai hợp pháp.

Trong những năm 1930 đến năm 1939, Phan Đăng Lưu có những đóng góp đặc biệt xuất sắc trên mặt trận báo chí, lý luận. Ông là người đứng ra tổ chức, biên tập, viết bài xây dựng các tờ báo “Sông Hương tục bản”, “Dân tiến”, “Dân muốn”… trở thành những cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ, thành “người tuyên truyền tập thể” để vạch mặt bọn thực dân và tay sai, đòi quyền tự do dân chủ, cơm áo, hòa bình.

Hàng chục, hàng trăm bài báo của Phan Đăng Lưu với những bút danh khác nhau đã có tác dụng lay động, thức tỉnh quần chúng, tổ chức quần chúng đấu tranh. Huế từ một thành phố thơ mộng thành trung tâm của cao trào mặt trận Trung Kỳ và cả Việt Nam trong “một thời kỳ vận động quần chúng sôi nổi chưa từng thấy dưới thời Pháp thống trị”(Lê Duẩn). Song song với mặt trận báo chí, Phan Đăng Lưu còn chỉ đạo các hoạt động đấu tranh tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, tại Đại hội báo chí Trung Kỳ...

Tháng 3/1939, Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam Kỳ, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 11/1939, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương họp lần thứ 6 tại Hóc Môn, Gia Định. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Tổng Bí thư) và các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần… Hội nghị quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thành lập Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương.

Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị tại Mỹ Tho và bàn chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa. Tại hội nghị này, với tư cách là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, Phan Đăng Lưu đã có những ý kiến quan trọng. Tháng 11/1940, Phan Đăng Lưu ra Đình Bảng (Bắc Ninh) dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và báo cáo với Trung ương về chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ. Nhận thấy điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, Trung ương quyết định tạm hoãn cuộc khởi nghĩa và giao cho Phan Đăng Lưu về Sài Gòn truyền đạt chủ trương đó. Phan Đăng Lưu về tới ga Sài Gòn thì bị mật thám Pháp bắt vào tối ngày 22/11/1940. Ngày 23/11, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ và bị đàn áp khốc liệt.

Ngày 3/3/1941, tòa án binh Sài Gòn đưa Phan Đăng Lưu cùng những đồng chí bị bắt trong cuộc khởi nghĩa ra xét xử. Tại phiên tòa, Phan Đăng Lưu bị kết án tử hình và giam ở xà lim án chém. Trong những ngày còn lại, Phan Đăng Lưu tìm cách truyền đạt những chủ trương, kinh nghiệm hoạt động, khuyên nhủ mọi người hãy giữ vững tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng. Ngày 24/5/1940, Phan Đăng Lưu bị địch đem ra pháp trường xử bắn. Cho đến phút cuối cùng, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn tỏ rõ khí phách anh hùng bất khuất, không chịu khuất phục.

Đồng chí Phan Đăng Lưu đã tiếp thu truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, góp phần gieo “hạt giống cách mạng” để gây dựng phong trào tại quê hương ngay trong những ngày đầu vận động thành lập Đảng. Đặc biệt, với cách mạng Việt Nam, đồng chí Phan Đăng Lưu có những đóng góp có ý nghĩa to lớn về công tác tổ chức và xây dựng phong trào cách mạng, về triển khai thực hiện đường lối cách mạng ở miền Nam Việt Nam trong những giai đoạn cam go, ác liệt. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu đã nêu tấm gương sáng về nhân cách, trí tuệ của một trí thức cách mạng tiêu biểu, một lãnh tụ tiền bối của Đảng, người con ưu tú của quê hương.

Ngô Đức Tiến

Mới nhất

x
Lãnh tụ tiền bối, trí thức cách mạng tiêu biểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO