Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, những cạm bẫy mưu sinh

03/12/2014 16:30

(Baonghean.vn)- Trong số hơn 16650 lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc, có rất nhiều người Nghệ An. Họ đang phải ngày đêm đối mặt với những cạm bẫy và trên muôn nẻo đường mưu sinh.

TIN LIÊN QUAN

Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Lan, người Nghệ An, sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Trong 2 năm đó, chị và người đồng hương tên Tuấn quen nhau rồi yêu nhau. Tuấn sang Hàn được 6 năm, đã hết hợp đồng nhưng ra ngoài làm việc chui. Tình cảm chín muồi, hai gia đình ở nhà đã cau trầu gặp nhau. Hai người tính sẽ dọn về ở chung một nhà và ra mắt bạn bè bằng một đám cưới nhỏ nơi đất khách quê người. Thiếp mời đã phát, nhà hàng đã đặt, nhưng không may mắn, trước ngày lễ quan trọng của cuộc đời thì Tuấn bị nhân viên xuất nhập cảnh ập vào bắt khi đang làm việc. Chị Lan vừa phải thông báo với bạn bè hủy lễ, vừa phải tất tả xếp quần áo, giấy tờ để lo cho Tuấn về nước…
Nhiều lao động dù đã ký cam kết khi hết hạn sẽ quay về nước nhưng không làm theo cam kết và biến thành lao động chui ở đất khách quê người.
Nhiều lao động dù đã ký cam kết khi hết hạn sẽ quay về nước nhưng không làm theo cam kết và biến thành lao động chui ở đất khách quê người. Trong ảnh, một tốp công nhân người Việt vui mừng khi đặt chân đến Hàn Quốc.

Cùng chung hoàn cảnh, chị Hồng, quê ở Đồng Hới, Quảng Bình mới được chồng đưa sang Hàn Quốc được hơn 2 tháng theo đường du lịch. Anh Long, chồng chị sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS từ năm 2005, năm 2011 hết hạn hợp đồng anh quyết định ra lưu vong. Nhớ vợ con nhưng điều kiện không cho phép anh về thăm nhà, từ đó đến nay cầu nối giữa anh và gia đình chỉ là những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn qua yahoo hay Facebook vào đêm muộn lúc anh tan ca. Không về được nên anh tìm cách đưa chị sang, khi được một người bạn mách nước cho cách sang Hàn bằng con đường du lịch, anh liền bàn bạc, động viên chị gửi con cho ông bà, sang Hàn Quốc để vợ chồng được gần nhau. Nhưng đời có ai học được chữ ngờ, chị mới sang được một 2 tháng thì anh bị bắt. Chị tiếc nuối, biết thế này đã chẳng sang đây. Hiện nay, tình cảnh của chị Hồng rất khó khăn bởi chị đi theo đường du lịch với chi phí hơn 10.000 đô la, ở lại cũng không được, về không xong vì làm việc bất hợp pháp…

Nhiều người vẫn nghĩ, lao động ở lại làm việc chui lủi tại Hàn Quốc vẫn có thu nhập rất cao. Tuy nhiên, cuộc sống chui lủi nơi xứ người không hề đơn giản và luôn phải đối mặt với những cạm bẫy. Coeche, khu vực tập trung nhiều nhà máy đóng tàu, lương công nhân rất cao nhưng hầu hết những công nhân trẻ đều nướng hết vào vào lô đề, cờ bạc. “Bên này như một xã hội Việt Nam thu nhỏ, ở nhà có gì bên này có cái nấy, miễn là anh có tiền”, anh Hùng Anh vừa kể vừa mở đoạn video đang được đăng tải trên mạng về 20 người lao động bất hợp pháp Việt nam vừa bị cảnh sát Deagu bắt vì hành vi đánh bạc và anh khẳng định rằng “có rất nhiều người ở càng lâu càng không có tiền”.

Bên cạnh đó, lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc phải đối mặt với muôn vàn rủi ro, thậm chí nhiều người bị mất mạng vì mưu sinh chui lủi. Anh Thắng quê ở Bắc Giang bị ngã từ tầng 3 của một tòa nhà khi đang dọn dẹp để hoàn thành những công đoạn xây dựng cuối cùng. May mắn không bị mất mạng nhưng vụ tai nạn đã làm Thắng bị chấn thương sọ nào và cột sống, bác sỹ đã tiến hành hai đợt phẫu thuật mới cứu được Thắng, nhưng để hồi phục để đi lại, sinh hoạt bình thường còn là một dấu hỏi. Còn chưa kể, vì là lao động bất hợp pháp nên Thắng không có bảo hiểm y tế, công ty cũng bỏ mặc không quan tâm. Chi phí điều trị tốn kém, gia đình anh phải gửi tiền từ Việt Nam sang. Mới đây, chị Tuyến, một lao động bất hợp pháo bị hôn mê sâu rồi tử vong khi đang ngủ. Được sự hỗ trợ của các nhóm cộng đồng, và các cơ quan quản lý gia đình Tuyên đã sang làm thủ tục để đưa di cốt của Tuyến về với quê mẹ. Vì đang làm việc bất hợp pháp nên gia đình không được hưởng chế độ bảo hiểm rủi ro (có giá trị từ 15 triệu đến 30 triêu won)…

Hiện nay, mức thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động người Việt ở Hàn Quốc là trên 1.000 USD, những người có tay nghề, có sức khỏe, chịu khó thì có thể được trả đến hơn 2000 USD. Cùng với sự chênh lệch ngoại tệ, giá cả thì đây thự sự là những con số ấn tượng, hấp dẫn. Đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến người lao động ở lại cư trú bất hợp pháp. Một số người lao động vì những lý do chủ quan như quên ngày gia hạn visa, có quan hệ lao động không tốt, chuyển đổi nơi làm việc quá nhiều dẫn đến không thể gia hạn hợp đồng lao động nên đã trở thành bất hợp pháp một cách bất đắc dĩ.

Một số người lao động mặc dù có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc để làm việc theo diện tái nhập cảnh nhưng vì không được cập nhật thông tin về chính sách này hoặc bản thân không định hướng lâu dài cho tương lai, không muốn thay đổi hoặc gián đoạn cuộc sống hiện tại nên đã để lỡ đi cơ hội việc làm hợp pháp.

Rõ ràng, cuộc sống của lao động bất hợp pháp không lãng mạn như phim ảnh Hàn Quốc với những con dốc đầy hoa, những chân dài mau nước mắt, thực tế, đời người thợ ở Hàn vất vả và cực nhọc. Những đồng won kiếm được phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí là tình mạng. Đời lao động bất hợp pháp còn khó khăn, đắng cay gấp bội vì không có một thân phận pháp lý chính danh, không được đảm bảo quyền lợi bình đẳng về an sinh và thành quả lao động và thường xuyên phải đối diện với những hiểm nguy tiềm ẩn trong chuỗi ngày mưu sinh nơi xứ người.

Theo thống kê, đến hết tháng 9/2014 Việt Nam có hơn 78.000 người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS (chưa tính số các lao động làm việc trong ngành thủy sản sang làm việc tại Hàn Quốc thông các công ty xuất khẩu lao động) chiếm số lượng lớn nhất trong số các quốc gia phái cử. Còn theo báo cáo của cơ quan xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tính đến hết tháng 9, Việt Nam có 49.108 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong đó lao động hợp pháp là 32.458 người; lao động bất hợp pháp là 16.650 người. Nghệ An là một trong những tỉnh có đông đảo lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc.

Một công nhân người Việt làm việc tại xưởng cơ khí ở Hàn Quốc.
Một công nhân người Việt làm việc tại xưởng cơ khí ở Hàn Quốc.

Trước thực trạng trên, ngày 1/12/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có công văn số 9058 gửi các cơ quan chức năng và các huyện, thành thị trong tỉnh triển khai các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Công văn đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước tiếp tục tuyên truyền, vận động gia đình người lao động, yêu cầu gia đình người lao động cam kết vận động con em về nước đúng thời hạn khi hết hợp đồng lao động; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động gia đình người lao động cam kết vận động con em chấp hành nghiêm hợp đồng lao động, về nước đúng hạn theo quy định.

Có biện pháp cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền đối với những trường hợp lao động cư trú tại địa phương trước khi đi đã hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc; Các huyện, thành, thị xã nắm bắt kịp thời số lao động đã hết hạn hợp đồng không chịu về nước và danh sách lao động sắp hết hợp đồng để thông báo tới UBND các xã, phường, thị trấn, niêm yết công khai tại trụ sở, nhà văn hóa khối xóm, thôn, bản…

Phùng Quang Trọng

– Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, những cạm bẫy mưu sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO