Lao động ngành thép chuyển nghề xe ôm, bán rau
Theo ông Lại Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Thép Việt Úc, tại Hải Phòng hiện nay có khoảng 7 nhà máy thép đóng cửa, khiến 2.000 công nhân mất việc làm.
Tại buổi tọa đàm về ngành thép và xi măng tổ chức ngày 24/7, một lần nữa những khó khăn, thách thức với hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường bất động sản đóng băng được lãnh đạo hiệp hội và doanh nghiệp nêu lên.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng, công suất tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước đang dư thừa, các doanh nghiệp phải tìm hướng xuất khẩu mỗi năm từ 9 đến 10 triệu tấn. Chi phí đầu vào của ngành cũng ở mức cao khi nhiên liệu và năng lượng đang chiếm 45-50% giá thành, trong khi các nước trong khu vực chỉ tầm 30-35%. Song doanh nghiệp xi măng cũng không thể nâng giá bán, dẫn đến nhiều đơn vị thua lỗ.
Chung hoàn cảnh với ngành xi măng, nhiều doanh nghiệp thép hiện nay cũng không có lãi do chi phí gia tăng. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép chia sẻ, vốn cho ngành thép chủ yếu là vốn vay, trong khi lãi suất tại Việt Nam ở mức cao so với khu vực khiến giá thành tăng lên, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hậu quả là thời gian qua đã có nhiều nhà máy thép phải ngừng sản xuất, hàng nghìn công nhân mất việc làm. Ông Lại Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty Thép Việt Úc thông tin, tại Hải Phòng hiện có 4 doanh nghiệp luyện thép công suất một triệu tấn phải đóng cửa, 3 doanh nghiệp cán thép công suất 60 nghìn tấn dừng hoạt động, dẫn tới 2.000 lao động đã bị mất việc làm.
"Trên đường phố Hải Phòng ngày càng xuất hiện nhiều công nhân mặc đồng phục của công ty thép đi làm xe ôm, bán rau ngoài chợ để duy trì cuộc sống gia đình", ông Trung bộc bạch về thực trạng của ngành.
Ông Lại Quang Trung cho rằng không thể vừa tăng thu lại vừa giết nguồn thu.
Ảnh: Huyền Thư.
Tổng công ty Thép (VnSteel) - ông lớn trong ngành cũng phải ngậm ngùi khi nhận định đây là giai đoạn khó khăn nhất. Trong buổi tổng kết tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, Tổng giám đốc Lê Phú Hưng cho biết hiện có 7 công ty con và 5 công ty liên kết của VnSteel bị lỗ, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ 6 tháng đầu năm không đạt 50% kế hoạch, tồn kho các sản phẩm thép lên tới hơn 190 nghìn tấn.
Với những khó khăn chồng chất như trên, lãnh đạo VnSteel cho rằng nếu tăng giá điện cho sản xuất thép sẽ tạo ra thách thức lớn. Đại diện của Thép Việt Úc cũng chất vấn liệu đây có phải thời điểm hợp lý để tăng giá điện với ngành thép và xi măng hay không, bởi Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường phát triển mà việc làm này lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Mục tiêu của ngành điện khi tăng giá là tạo nguồn thu để tái đầu tư và tăng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ngành điện có tự hỏi rằng để đạt mục tiêu đó thì các ngành khác sẽ phải hy sinh như thế nào và nền kinh tế sẽ phải trả giá ra sao", ông Trung nói.
Đại diện Hiệp hội Thép và Xi măng cũng "không tán thành" việc tăng giá điện vào lúc này. "Nếu tăng giá điện sẽ làm tăng thêm chi phí đầu vào của thép và xi măng trong khi đầu ra lại không tăng, thậm chí còn giảm, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Nghi nói.
Trước những ý kiến của doanh nghiệp và hiệp hội, ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho hay, việc tăng giá điện sẽ không thể tránh khỏi bởi giá điện tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn giá thị trường, khiến cho ngành điện bị lỗ, khó kêu gọi đầu tư. Nhưng để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thép và xi măng, ông Chuyện cho rằng sẽ cần những đánh giá hợp lý, phù hợp khi nếu áp giá điện cho ngành thép và xi măng cao hơn 2-16% so với ngành khác.
Ông Lại Quang Trung cũng khuyến nghị, ngành điện cần tính toán lộ trình để tăng giá và cần tăng ở mức doanh nghiệp "chịu được". "Đừng tạo thêm yếu tố khiến doanh nghiệp khó khăn hơn, phải ngừng sản xuất", vị này nói.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới, trong đó xác định giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn các ngành khác 2-16%, với lý do đây là hai lĩnh vực tiêu hao năng lượng điện nhiều và công nghệ lạc hậu.
Song, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, đánh giá không công bằng và thiếu thuyết phục. Ông cho hay, chỉ có sản xuất phôi thép tiêu thụ nhiều điện năng nhất với khoảng 450-500 kwh mỗi tấn sản phẩm, chiếm từ 5-5,5% giá thành. Còn những ngành như cán thép, sản xuất ống thép, tôn nguội, cán mạ chỉ tiêu hao khoảng 100-120 kwh.
"Tiêu thụ điện của ngành thép Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực vì nhiều sản phẩm vẫn xuất khẩu được sang các nước khác. Chính doanh nghiệp cũng nhận thấy không thay đổi công nghệ thì sẽ bị đào thải", vị này khẳng định.
Theo.vnexpress.P.H