Lao động Nghệ trên đất Lào
(Baonghean) - Trong những chuyến công tác sang nước bạn, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều lao động người Nghệ làm việc tại đây. Họ làm đủ mọi ngành nghề để sinh sống, không ngừng nuôi khát vọng vươn lên. Theo họ, để thành công ở nước bạn, ngoài việc chịu thương, chịu khó, cần nhất vẫn là chữ tín và giữ được hình ảnh đẹp của người Việt, tình hữu nghị anh em…
Làm bò giàng trở thành một nghề của người Việt Nam trên đất Lào. |
Không tính những người thường trú ngay sát khu vực biên giới, lao động người Nghệ bắt đầu có mặt, làm ăn, sinh sống ở Lào vào cuối thế kỷ XIX. Họ là những nông dân nghèo khó, không sống được dưới chế độ thực dân phong kiến phải di dời sang và dần dần trở thành người Lào gốc Việt. Bên cạnh đó là một bộ phận công chức người Việt được chính quyền thực dân Pháp đưa sang khi Lào bị chiếm đóng. Cộng đồng người Việt Nam tại Lào hiện nay tương đối đông với khoảng 30-40 ngàn người và không ngừng tăng lên. Người Việt tại Lào chủ yếu sinh sống ở các tỉnh, thành phố lớn như Vientiane, Savanakhet, Thakhek, Champasak…Tuy xa quê cha đất tổ đã lâu, nhưng ở những gia đình kiều bào, bố mẹ vẫn nói chuyện với con bằng tiếng Việt, mọi phong tục tập quán của Việt Nam vẫn giữ nguyên… Không có con số thống kê cụ thể số người của từng địa phương trong cộng đồng này, chỉ biết số người Lào gốc Việt quê ở Nghệ An chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Còn lao động thời vụ người Việt ở Lào nằm khoảng trên dưới 250.000 người… Ở Nghệ An, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Lào chính là một trong những “miền đất hứa” cho khát vọng thoát nghèo của lao động Nghệ. Có khá nhiều lao động thời vụ người Nghệ đến tìm cơ hội phát triển, hầu hết đều ở độ tuổi từ 18 đến 35. Với phẩm chất cần cù, không ngại khó ngại khổ, nhiều lao động sang Lào trong giai đoạn này khi trở về quê hương đã trở nên khá giả. Có vốn liếng đầu tư, nhiều người đã vươn lên trở thành doanh nhân thành đạt…
Trong những chuyến công tác tại nước bạn, chúng tôi không có dịp gặp những người Nghệ sang ở giai đoạn “hoàng kim” thập niên 90, song cũng đã gặp khá nhiều lao động đến tìm cơ hội vào những năm sau này… Chúng tôi được những lao động sang Lào dặn dò từ trước: “Sang Lào, bạn cứ nói tiếng Việt; gặp người Lào có khi họ không hiểu, nhưng sẽ có nhiều người Việt ở gần đó nên ít nhất có ai đó hiểu bạn và sẽ làm phiên dịch cho bạn với người Lào”. Giọng Nghệ “chặt to kho mặn” rất dễ nhận ra nên việc chúng tôi “bắt sóng” với những đồng hương rất dễ dàng. Ngày nay, Lào đã không còn là vùng đất mới…
Ở huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng, chúng tôi gặp vợ chồng anh chị Hòa Lan, ở huyện Diễn Châu. Hai vợ chồng có mặt ở đất vàng này từ năm 2003, tính đến nay cũng đã 10 năm. Ở quê, hai đứa con gửi ông bà trông, ở bên này, anh chị cùng một cặp vợ chồng khác thuê 1 căn nhà gần khu vực thị trấn để làm nơi trú ngụ, vừa làm nơi đặt kho hàng. Ngôi nhà tranh tre khá rộng rãi nhưng ẩm thấp, chật chội bởi ngổn ngang hàng hóa, cùng vô vàn đồ đạc sinh hoạt. Hoan hỉ mời khách ở lại ăn tối, anh Hòa cười lạc quan: “Nhìn vậy thôi chứ ti vi, tủ lạnh không thiếu tiện nghi gì”. Hỏi chuyện mới biết: Ti vi đầu chảo vẫn bắt được một số kênh ở Việt Nam, qua đó vợ chồng có thể theo dõi thông tin ở quê nhà. Căn nhà này được thuê với giá 2 triệu kíp/tháng (tương đương khoảng 5,5 triệu đồng VN) và cũng mới thuê khoảng 1 năm nay”.
Anh Hòa nói về chuyện làm ăn của mình: “Hai vợ chồng cưới nhau xong thì theo bạn bè sang đây, bao vốn liếng góp lại được chừng 70 triệu đồng. Làm bên này không có nghề gì cố định, chủ yếu là buôn bán, người dân bản địa cần gì thì mình bán nấy, còn mặt hàng nào nếu đưa về Việt có lời thì mình mua. Ba năm đầu, hai vợ chồng hai xe đạp thồ cứ thế dắt bộ đi khắp Xiêng Khoảng. Sáng đi tối mịt về, quan trọng là chịu khó, chịu khổ và nhanh nhạy. Những năm sau này, nhà nước Lào cấm xe thồ, hai vợ chồng đã mua được xe máy và bây giờ có 1 chiếc ô tô bán tải. Có ô tô rồi, tính chất công việc vẫn vậy. Hai vợ chồng giờ đã xây được nhà 3 tầng ở quê, vốn liếng cũng đã tính bằng tiền tỷ nhưng vẫn bám trụ ở đây vì tương lai. Mình đang còn sức, đang có cơ hội thì cứ làm đã…”.
Theo chị Lan, người Nghệ sang Lào làm ăn chia làm hai giới: giới doanh nghiệp nhận làm các công trình xây dựng, buôn bán cá biển, gỗ, hàng gia dụng, kim hoàn... và giới bình dân, đông nhất là lao động phổ thông. Họ qua Lào làm đủ thứ nghề, từ thợ hồ, thợ nề đến làm móng tay, thợ uốn tóc... Hầu hết những lao động phổ thông sang Lào như anh chị, ban đầu đều xuất phát từ “đôi quang gánh”, “buôn thúng, bán mẹt”. Sau này tùy khả năng của mỗi người mà có hướng phát triển khác nhau. Người thì thuê quán bán hàng tạp hóa, người mua được đất mở cửa hàng dịch vụ, người mua xe vận chuyển người, hàng hóa qua biên giới Việt - Lào… Chi phí sinh hoạt ở Lào cao hơn ở quê, nhưng nếu chăm chỉ làm thì có dư và để thành công thì ngoài chịu thương chịu khó còn phải trung thực, bền bỉ và thủy chung. Người Lào tính cách hiền hòa, rất quý người Việt, nhưng không vì thế mà cho phép mình lừa lọc, gian dối bởi như thế là không bền, vài bữa họ tẩy chay ngay. Lao động Nghệ đến Xiêng Khoảng khá đông, người làm ăn tốt cũng nhiều, người sang thử thời vận rồi tay trắng trở về cũng không ít…
Những ngày ở Mường Khăm, chúng tôi đã được tham dự lễ hội Bun Thẳm Phiu. Trước đó một ngày, đã có hàng ngàn hộ kinh doanh từ khắp nơi trong tỉnh Xiêng Khoảng về đây bày hàng quán phục vụ, trong đó có nhiều gian hàng của người Nghệ. Tính riêng ở tỉnh Xiêng Khoảng, cũng có tới trên dưới 2.000 người Nghệ đang sinh sống, làm ăn. Sang nước bạn làm ăn đã lâu nên những chủ gian hàng người Nghệ ở đây cũng đã học theo tính cách, cách làm ăn của người bản xứ: sống chậm lại, không hối hả; không phân biệt giàu nghèo, ai cũng tiếp niềm nở; hàng bán một giá, không giành giật chèo kéo khách, không ghen tỵ mà còn mừng khi gian hàng bạn đông… Những lao động người Nghệ ở đất Lào luôn cố gắng hết sức để giữ gìn truyền thống văn hóa bản sắc dân tộc, nhưng không vì thế mà khép mình, đóng cửa với văn hóa bạn. Ở các lễ hội, bên cạnh tìm đến buôn bán kinh doanh, họ còn đến vui chơi, tìm hiểu các nét văn hóa của nước bạn. Đây chính là cách để số lao động này thêm gắn kết, gần gũi hơn với người dân bản xứ. Ở lễ hội Bun Thẳm Phiu, chúng tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Tân, quê huyện Nghi Lộc, một chủ thầu xây dựng sang Lào được 4 năm nay.
Hàn huyên chuyện đất khách, anh Tân kể: Sang đây dứt khoát phải biết tiếng, biết chữ. Người nhanh cũng mất 6 tháng, người chậm khoảng 1 năm mới có thể giao tiếp tốt. Ngôn ngữ không phải là rào cản, có khoảng 30% dân Lào biết nói tiếng Việt, tỉ lệ này khoảng 40-50% ở các vùng biên giới Việt – Lào và hầu hết viên chức, cán bộ công sở của Lào đều có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, lợi thế còn là công trình cần xây dựng nhiều. Tuy nhiên, cái khó cũng không ít: Xây dựng công sở, công trình lớn thì không đến phần.
Nhiều nhà thầu Việt, Thái, Hoa cạnh tranh. Người Hoa cũng sang Lào làm ăn đông trong khoảng 5 năm trở lại đây. Công trình nhỏ thì khó kiếm thợ, người Lào thì phải đào tạo lâu, còn thợ Việt khéo tay, kỹ tính thì công cao lắm, đường sá khó khăn, phí vận chuyển nguyên vật liệu cao nên lời lãi chẳng đáng bao nhiêu. Công trình nhà dân cũng nhiều, song người Lào có bao nhiêu tiền thì xây bấy nhiêu, làm được móng chưa có tiền thì vài năm sau làm tiếp cũng được nên không ai dám nhận. Cũng như bên mình, để nhận được công trình bên này thì ngoài tay nghề ra cũng phải “nhất thân, nhì quen”…
Luật pháp nước Lào không có nhiều quy định nhưng việc thực hiện thì rất nghiêm. Lao động Việt nếu phạm luật thì phải phạt tù, nếu không có tiền thế thân, bảo lãnh. Trong thời gian ngồi tù, nhà nước Lào không có trách nhiệm “nuôi cơm”, lương thực và các đồ dùng sinh hoạt là do thân nhân của người phạm pháp cung cấp. Chủ một quán cà phê ở Thị xã Phôn Xa Vẳn từng có 2 tháng “trải nghiệm” ấy. Chị cho hay: Buồn chán chuyện đổ vỡ gia đình, không có kế sinh nhai, Hồng theo lời rủ rê sang đây buôn hương bán phấn. Được chừng vài tháng thì bị Công an Xiêng Khoảng bắt quả tang và giam giữ. Sau, được một anh đồng hương làm xây dựng bên này thương tình bảo lãnh cho ra, rồi nên vợ nên chồng. Hai vợ chồng mua thêm một quán cà phê để chị kinh doanh. Xiêng Khoảng có cánh đồng Chum lịch sử nên khách du lịch đến đông, quán cà phê cũng có khách. Hai vợ chồng đang bàn tính mở thêm quán internet và bán cơm phần… Ở Phôn Xa Vẳn, chúng tôi đã gặp rất nhiều tiệm cắt, uốn tóc, làm móng tay của một số chị em người Nghệ mở. Những quán này khách khá đông, phụ nữ Nghệ khá khéo tay nên phụ nữ Lào thích, khách du lịch cũng ưa.
Trong một dịp khác, chúng tôi được đến Viêng Chăn – thủ đô nước bạn, trung tâm văn hóa, thương mại, hành chính, kinh tế lớn nhất xứ sở hoa Chăm Pa. Nơi đây tập trung khoảng 6.000 kiều bào và rất đông lao động thời vụ người Nghệ. Lao động Nghệ ở đây cũng làm đủ mọi ngành nghề. Người sang đã lâu, hầu hết rất thành đạt, người làm ăn khá đã mở được nhà hàng khách sạn, người ít hơn thì buôn bán ở chợ Sáng ở Đại lộ Lạn Xạng. Người mới sang thì chủ yếu làm ở các công ty lớn từ ngân hàng cho đến dịch vụ điện thoại… Không thể nắm bắt được hết có bao nhiêu người Nghệ đang làm việc tại vùng đất Xứ Chùa này, chỉ biết đến ngày Quốc khánh, các hội đồng hương tụ họp đông lắm. Ở khách sạn Chalunxay (Chiến Thắng), một khách sạn có nhiều nhân viên người Việt, chúng tôi đã được dự một buổi họp như vậy, những lao động người Nghệ hát cho nhau nghe những bài Ví dặm quê hương, cụng với nhau chén rượu nồng, chúc nhau chân cứng đá mềm, làm ăn tấn tới, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nước bạn. Bên cạnh những người làm ăn khá, cũng có không ít người Nghệ ở nơi đây rất vất vả, khó khăn kiếm sống. Hầu hết họ đều là những lao động trong lĩnh vực mua bán nhỏ và xây dựng.
Trên khắp đất nước Triệu Voi không nơi đâu không thấy sự hiện diện của lao động Nghệ trên mỗi công trình, ở mỗi bản làng, những giọt mồ hôi của họ đã gắn liền với sự phát triển của đất nước bạn cũng như sự phát triển của tỉnh nhà. Những Sacombank, BIDV, Vietinbank, UniTel, HAGL đã trở thành thương hiệu quen thuộc. Thông qua con đường ngoại giao chính thức, hiện có khoảng trên 300 công ty có quan hệ làm ăn với Lào, chủ yếu 100% vốn của các doanh nghiệp Việt Nam. Và ngay cả tại nơi hang sâu cùng cốc như bản Long Chẹng, huyện Xây Xổm Bun, tỉnh Viêng Chăn, chúng tôi cũng đã gặp những lao động thời vụ người Nghệ.
Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Trung, quê ở huyện Thanh Chương đến Thung lũng Ánh sáng mở một quán tạp hóa từ năm 2000, thời điểm tàn dư phỉ Vàng Pao còn hoạt động, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn. Và ngay cả bây giờ từ Long Chẹng về đến Xiêng Khoảng hay đến Thị trấn Khẹt, thủ phủ huyện Xay Xổm Bun cũng phải mất một ngày trời đi ô tô vượt đèo, leo dốc. Cửa hàng ông Trung bán đủ mọi thứ từ áo quần cho đến mỹ phẩm, mắm muối, cá khô, viên đá lửa. Mỗi năm vợ chồng ông về quê hai lần, vừa đưa tiền nuôi con vừa nhập hàng sang để bán. Từng đồng tiền lẻ kiếm được nơi đây vất vả lắm, hiểm nguy cũng nhiều. Tiết kiệm tất cả mọi thứ, “vợ chồng chỉ mong có tiền nuôi con ăn học trưởng thành”.
Đồng chí Xay Xỉ Vi Xỏn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong một lần tiếp đoàn cựu chuyên gia người Nghệ An giúp bạn năm xưa ở Viêng Chăn từng cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Lào luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt, lao động thời vụ người Việt, trong đó có lao động thời vụ Nghệ An ở Lào làm ăn. Họ đã phát huy được bản chất thông minh, cần cù, khéo léo vốn có trong sản xuất kinh doanh và đạt rất nhiều kết quả. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực, đầu đàn của một số tỉnh, thành phố và có nhiều hoạt động từ thiện, xã hội…
Thành Chung