Lao động thất nghiệp thờ ơ với hỗ trợ học nghề
(Baonghean) - Hỗ trợ học nghề là một phần trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm tạo điều kiện cho người lao động mất việc làm có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của lao động thất nghiệp.
Chưa “hút” lao động
Vào thời điểm này, tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm dịch vụ việc làm - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường rất đông lao động đến đăng ký thất nghiệp. Bên cạnh hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cán bộ của phòng còn tìm hiểu nhu cầu và tư vấn học nghề cho người lao động. Thế nhưng, có vẻ như đa số lao động đến đây đều không mấy quan tâm vấn đề này.
Lao động thất nghiệp đến đăng ký hưởng trợ cấp tại phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. |
Đơn cử chị Lê Thị Giang (SN 1992) ở xã Viên Thành (Yên Thành) trước đây đã làm việc ở một công ty may mặc ở Bình Dương được hơn 3 năm; năm nay, do công ty cắt giảm lao động nên chị phải nghỉ việc từ đầu tháng 5/2016. Chị Giang chia sẻ: “Tôi đã đóng đủ 3 năm BHTN nên chỉ muốn lấy tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống hàng ngày. Sắp tới, tôi có ý định về quê mở cửa hàng tạp hóa hoặc đi xuất khẩu lao động Đài Loan, nên tự thấy việc học nghề là không cần thiết. Hơn nữa, mức hỗ trợ học nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay là quá thấp so chi phí ăn uống, đi lại khá tốn kém”.
Còn anh Trần Văn Thành (SN 1986) ở xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) cho hay: “Tôi đã làm cho 3 công ty ở trong miền Nam, khi mới được nhận vào ở đâu tôi cũng đều phải trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn của công ty mới có thể làm việc. Do vậy, tôi thấy việc học nghề là thiếu thực tế, không cần thiết”.
Trước đây, theo Quyết định 55/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lao động thất nghiệp được hỗ trợ tối đa mỗi khóa học nghề đến 3 tháng là 3 triệu đồng/người/khóa học, trên 3 tháng là 600.000 đồng/người/tháng. Còn theo Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề, thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề. Đối với người lao động tham gia BHTN tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả. |
Bà Lâm Thị Quế - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Ngoài trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu đặt ra của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường lao động bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Do đó, cùng với chi trả các khoản trợ cấp thất nghiệp, chính sách hỗ trợ học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp được triển khai từ năm 2013 với nhiều điều chỉnh nâng cao mức hỗ trợ.
Lao động tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. |
Tuy nhiên, hầu hết lao động thất nghiệp ở Nghệ An không mặn mà với sự hỗ trợ này. Cụ thể, trong năm 2015, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 9.204 người, nhưng chỉ có 13 trường hợp quyết định nhận hỗ trợ học nghề. Trong 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 4.613 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và cũng mới có 13 trường hợp nhận hỗ trợ học nghề.
Chính sách cần sát thực tế hơn
Trao đổi về vấn đề hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Trên thực tế, đặc điểm của người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu là đã làm ở các tỉnh, thành phố phía Nam với nhóm nghề chính là điện tử, may mặc... Khi trở về quê hương, những nghề này khó xin việc, bởi nhu cầu ít và các công ty may ở tỉnh ta thường tự đào tạo đội ngũ công nhân riêng. Mặt khác, tâm lý của người lao động là rất ngại chuyển nghề trong bối cảnh mặt bằng chung về việc làm ở tỉnh ta là “cầu” luôn không đáp ứng “cung”.
Học nghề sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề Bắc Quỳnh Lưu |
Bên cạnh đó, với một số nghề có chi phí đào tạo cao như lái xe, cơ khí, kế toán… thì mức hỗ trợ này còn khá thấp. Hơn nữa, với các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thì người chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc; nếu muốn nâng cao kỹ năng làm việc, người lao động phải bỏ thêm chi phí để học tham gia các khóa trung cấp hoặc cao đẳng nghề, trong khi đại đa số lao động đến đăng ký thất nghiệp tại trung tâm là lao động phổ thông (chiếm hơn 90%), đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền trợ cấp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống, nên không có điều kiện để tái đầu tư cho kỹ năng làm việc! Do vậy, tâm lý chung của những người thất nghiệp là dành thời gian kiếm sống bằng các công việc không chính thức khác để duy trì cuộc sống trước khi tìm được việc làm mới”.
Ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, sẽ khó đáp ứng được nhu cầu tối đa của những người thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Do đó, người lao động thất nghiệp mà chưa qua đào tạo nghề thì nên chủ động theo học tại cơ sở dạy nghề để nâng cao trình độ ở một nghề phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của bản thân”. |
Ông Tuấn cũng khẳng định: “Hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề là một chính sách cần thiết để đối tượng này sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả hơn, cần nâng mức hỗ trợ học nghề ở một số ngành nghề sơ cấp có chi phí đào tạo cao để giảm bớt gánh nặng cho người lao động. Mặt khác, các ngành chức năng cũng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp cho họ dễ tìm việc làm sau khi được đào tạo.
Thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ, nắm kỹ về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại trung tâm và các đợt tuyên truyền lưu động tại nhiều địa bàn trong toàn tỉnh; mở thêm các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động, giúp người lao động trang bị kỹ năng cần thiết khi đi xin việc, làm việc tại môi trường mới. Về lâu dài, điều quan trọng nhất vẫn là cân đối nguồn cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh ta, bởi với một thị trường lao động kém hấp dẫn, đào tạo theo địa chỉ chưa phát triển mạnh, thì việc thuyết phục lao động nói chung và lao động thất nghiệp nói riêng học nghề luôn là một điều vô cùng khó khăn”.
Minh Quân
TIN LIÊN QUAN