Lão nông đam mê điêu khắc
(Baonghean) - Ngôi nhà nhỏ nép mình cuối xóm 7 xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thường ngày vang lên tiếng dùi, tiếng đục là của ông Hoàng Quang Tế (sinh năm 1942), một lão nông tri điền, đồng thời cũng là một “nhà điêu khắc” của làng quê.
Gần như trọn cuộc đời ông Hoàng Quang Tế gắn bó với ruộng đồng, đất bãi quê hương, chưa bao giờ được tiếp cận với tài liệu hoặc nghe thuyết giảng về mỹ thuật, nhưng những bức tượng ông chạm khắc được nhiều người đánh giá là có hồn, giàu ý tưởng. Khắp căn nhà nhỏ của mình, ông trưng bày những bức tượng với nhiều kích thước và chất liệu khác nhau. Trên hai cánh cửa của chiếc tủ ly đặt gần bàn uống nước là hai bức phù điêu, phía phải là bức “Anh hùng Điện Biên Phủ” khắc họa cảnh chiến trường Điện Biên thời chống Pháp với hình ảnh dân công tải lương, thồ đạn, cảnh kéo pháo vượt đèo, hình ảnh Tô Vĩnh Diện chèn thân cứu pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng... Còn bức bên trái ông Tế đặt tên là “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”. Tác giả tái hiện hình ảnh hối hả của những chiến sỹ thanh niên xung phong san hố, mở đường, mặc cho trên đầu lũ “Thần sấm” đang chao lượn và ném xuống những loạt bom hủy diệt.
Ông Hoàng Quang Tế bên tác phẩm
"Dân quân Quỳnh Lưu bắt phi công Mỹ".
Ông Tế tâm sự: “Gia đình tôi sinh sống bằng nghề nông, nhưng với tôi, điêu khắc đã trở thành một niềm đam mê, một thú vui lúc nông nhàn. Khi cất công chạm khắc một bức tượng tôi luôn mong muốn góp thêm một tiếng nói với cuộc đời”.
Ông giới thiệu với chúng tôi một số sáng tác của ông. Trước tiên là tác phẩm “Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê” bằng chất liệu gỗ mít. Bức tượng được chạm khắc dựa trên một bức ảnh đăng trên báo, thể hiện vẻ ung dung, tự tại, lạc quan, cũng như niềm tin tất thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trực tiếp chỉ huy mặt trận Đông Khê (1950). Tác giả cho biết thêm: Trong ảnh ghi lại cảnh Bác Hồ ngồi trên tảng đá quan sát chiến trường, ở đây tôi cách điệu tảng đá bằng một đài sen để nói lên rằng Người là sự kết tinh của truyền thống, phẩm chất và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam.
Cuối năm 2010, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (quê Quảng Nam) qua đời, nhà nước quyết định xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ, nhưng gần 10 năm trước, ông Hoàng Quang Tế đã tạc một tượng đài về mẹ Thứ của riêng mình. Đó là bức tượng bằng gỗ mít khắc họa nỗi khổ đau, chịu đựng đến mỏi mòn của mẹ thể hiện qua vẻ mặt đăm chiêu, những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt gầy gò; đặc biệt, trên đầu mẹ quấn một vòng khăn tang, tay phải quấn đến 9 vòng, tay trái như trĩu xuống bởi vòng khăn tang thứ 11 (dành cho người cháu), nỗi đau khổ dường như đã đi đến tận cùng, sức chịu đựng dường như cũng đã đến giới hạn, nhưng mẹ vẫn gắng gượng trước cuộc đời.
Tác phẩm "Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ".
Một tác phẩm khác không kém phần ấn tượng là “Dân quân Quỳnh Lưu bắt phi công Mỹ”. Xuất phát từ sự kiện dân quân xã Quỳnh Bảng bắn rơi máy bay Mỹ (năm 1967) xuống biển, bắt gọn tên giặc lái. Với niềm tự hào trước chiến công của quê hương, ông Tế dồn nhiều tâm lực để hoàn thành bức tượng bằng chất liệu gỗ mít. Bàn tay khéo léo đã dựng lên cảnh một cụ già râu tóc bạc phơ chèo thuyền, cô gái mảnh mai với mài tóc dài óng mượt đang khống chế một cách dễ dàng tên giặc lái để đưa vào bờ. Kẻ thất bại không dấu được vẻ thất vọng và bất lực trên nét mặt, khi quanh nó có tới ba lớp sóng dâng trào tượng trưng cho sức mạnh của bộ đội, dân quân và nhân dân Việt Nam đang vây bủa. “Bức tượng này nói lên niềm tự hào về truyền thống đánh giặc của quê hương”- ông Tế tâm sự.
Một lần chăn trâu trên quả đồi sau nhà, tình cờ tìm thấy khúc rễ lim có hình dáng một đứa trẻ nhỏ đứng cạnh người phụ nữ, ông Hoàng Văn Tế liền nảy sinh ý tưởng mới. Sau những ngày miệt mài “thổi hồn” vào từng thớ gỗ, tác phẩm “Nạn nhân đòi công lý” được sinh thành trong niềm thán phục của dân làng. Bức tượng khắc họa hình dáng một người phụ nữ khỏe mạnh, xinh đẹp, dưới chân là đứa trẻ dị dạng do di chứng của chất độc da cam, người mẹ ngửng mặt lên trời và lòng chất chứa câu hỏi “Công lý ở đâu?”. Tác giả thuyết: “Tôi tạc bức tượng này với mục đích hưởng ửng cuộc vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, tố cáo quân đội Mỹ đã rải chất độc hóa học trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời góp thêm tiếng nói đòi nước Mỹ phải bồi thường những mất mát, tổn thất do họ gây ra và kêu gọi loài người thực thi công lý”.
Suốt đời gắn bó với đồng ruộng, làng quê nên “nghệ nhân” tạc tượng Hoàng Văn Tế dành khá nhiều thời gian và công sức để dựng lên những cảnh vật, con người gần gũi và bình dị, qua đó thể hiện những điều giản dị nhưng vô cùng sâu sắc của cuộc sống. Đó là cảnh dưới cây đa làng rợp bóng mát, đôi nam nữ đang tình tự. Phong cảnh vừa quen thuộc nhưng không kém phần lãng mạn, nên thơ. Hay bức tượng người phụ nữ tràn đầy sức sống, bầu ngực căng tròn, trên tay là đứa trẻ bụ bẫm, hả hê. Bên cạnh đó, ông Tế còn tạc tượng những người thân, là bố, là mẹ và những người đã khuất để đặt lên ban thờ.
Tự nhận mình là “nhà điêu khắc nghiệp dư” nên những bức tượng của ông Hoàng Văn Tế chủ yếu trưng bày tại nhà để bà con lối xóm, bè bạn gần xa đến thưởng ngoạn. Ông quan niệm: “Đã làm nghệ thuật, dù là nghiệp dư cũng không nên vụ lợi, để tâm hồn luôn trong sáng, thanh thản để tiếp tục sáng tạo theo sự đam mê của mình ”.
Công Kiên