Xã hội

Lấp lỗ hổng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng

Huệ Anh 17/11/2024 09:54

Một câu chuyện được cộng đồng mạng quan tâm chia sẻ với nhiều lời chỉ trích trong mấy ngày qua là hình ảnh cô gái trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) quay phim, chụp ảnh. Đây không chỉ là hành động phản cảm mà còn cho thấy lỗ hổng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của một bộ phận giới trẻ.

Từ đầu tháng 11 này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội khai trương, đón khách miễn phí nên đã thu hút lượng lớn người dân và du khách đến tham quan, khám phá. Những ngày cuối tuần qua, Bảo tàng đón lượng khách kỷ lục lên tới khoảng 40.000 người, gây kẹt xe kéo dài dọc Đại lộ Thăng Long.

Khách đông cùng lúc, trong khi nguồn nhân lực của Bảo tàng còn thiếu người quản lý, phân luồng, hướng dẫn, thuyết minh, nên đã xảy ra nhiều vấn đề về an ninh, trật tự, bảo vệ hiện vật, khách tham quan tự do đi lại, sờ nắn, thậm chí trèo lên các hiện vật trưng bày trong bảo tàng, để lại những hình ảnh phản cảm.

cats.jpg
Nữ du khách trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tạo dáng quay phim, chụp ảnh. Ảnh: laodong.vn

Đáng nói nhất là hình ảnh một cô gái trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tạo dáng quay phim, chụp ảnh xuất hiện trong một clip dài 8 giây lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Nhiều người lên tiếng bức xúc, chỉ trích hành vi thiếu ý thức của cô gái, đồng thời, đặt câu hỏi về vấn đề quản lý an ninh, trật tự tại bảo tàng.

Có vấn đề về văn hóa ứng xử nơi công cộng

Dẫu biết rằng, tâm lý khách tham quan, nhất là trẻ em, thường có xu hướng muốn khám phá và tìm hiểu trực tiếp về hiện vật; thích có những tấm ảnh ấn tượng cho riêng mình. Nhưng hành vi trèo lên nóc bảo tàng để uốn éo, nhún nhảy, tạo dáng chụp hình thì quả là hành động khó có thể chấp nhận được.

Đây không phải lần đầu tiên những hình ảnh phản cảm ở nơi công cộng, hay các di tích, danh lam, thắng cảnh của người Việt bị phản ánh và chỉ trích. Trước đó không lâu, cộng đồng mạng cũng bày tỏ sự không đồng tình với hình ảnh một phụ nữ Việt mặt đồ tập bó sát, thực hiện động tác yoga chổng ngược bên ngoài tường rào cung điện Gyeongbokgung (Seoul, Hàn Quốc).

Nhiều người cho rằng, cung điện là nơi tôn nghiêm, mang tính lịch sử văn hóa đặc biệt nên cần có tác phong nghiêm túc, kín đáo, tránh gây phản cảm. Trên một số diễn đàn, báo chí ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, người phụ nữ nhận chỉ trích dữ dội.

Hàng nghìn du khách và người dân đổ về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tham quan. Ảnh: vtcnews.vn
Hàng nghìn du khách và người dân đổ về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tham quan. Ảnh: vtcnews.vn

Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, ca sĩ Đức Tuấn cũng gây chú ý khi chia sẻ loạt hình ảnh chụp trên mái ngói âm dương nhà cổ Hội An. Dù Đức Tuấn cho biết là đã được sự đồng ý của chủ tiệm cà phê để thực hiện bộ ảnh, nhưng sau đó, anh đã phải xóa bỏ bài đăng trước phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng. Trong những năm qua, Hội An cũng liên tục bị gọi tên khi có tình trạng du khách ăn mặc phản cảm, không phù hợp khi tham quan khu phố cổ với nhiều di tích đền, chùa… hàng trăm năm tuổi. Thậm chí, có du khách mặc bikini, "thả rông" vòng 1 tự nhiên trên phố cổ khiến cộng đồng vô cùng bức xúc.

Mỗi ngôi nhà cổ ở Hội An là một phần của Di sản Văn hóa thế giới mà UNESCO đã vinh danh từ 25 năm trước. Mỗi một viên gạch, viên ngói trên những mái nhà cổ rêu phong còn giữ được đến ngày hôm nay là một phần ký ức của người dân phố Hội được giữ lại với thời gian. Giẫm lên đó là giẫm lên ký ức của người dân, giẫm lên di sản cha ông để lại. Người ta bức xúc là vì lẽ đó.

Lấp lỗ hổng văn hóa ứng xử nơi công cộng bằng cách nào?

Chuyện cô gái leo lên nóc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hay ca sĩ Đức Tuấn leo lên mái nhà cổ ở Hội An để chụp ảnh, cho thấy còn những lỗ hổng khá lớn trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của lớp trẻ.

chang-day-bao-tang-38-12194115.jpg
Phụ huynh để con trẻ vô tư leo trèo lên xe tăng, máy bay, tranh nhau ôm súng hay chạy nhảy trên các mô hình sa bàn lịch sử. Ảnh: vtcnews.vn

Không quá khó để chúng ta bắt gặp những vụ ẩu đả sau va chạm giao thông, lột đồ đánh ghen giữa chốn đông người, tạo dáng trên băng chuyền hành lý tại sân bay hay hút thuốc trên máy bay, bất chấp các quy định về an toàn; nói tục, chửi bậy, viết vẽ bừa bãi lên tường…

Tuy những hành vi thiếu văn minh ấy chỉ rơi vào một số người nhưng thực sự là một vấn đề lớn của xã hội, khi nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp mọi nơi. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn ảnh hưởng tới môi trường an toàn và thoải mái của những người xung quanh; sẽ gây ra những “lỗ hổng văn hóa” lớn bởi “sai một ly đi một dặm”. Nếu không được ngăn chặn, sẽ làm tăng nguy cơ mất trật tự và an ninh công cộng, tạo ra một môi trường không an toàn cho cộng đồng và có thể làm tăng nguy cơ về tội phạm và xung đột, làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng cảm giác bất an cho cộng đồng. Nguy hại hơn, là những hành vi kém văn minh sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và du lịch. Bởi lẽ, môi trường không văn minh và không an toàn có thể làm giảm sự thu hút của một điểm đến đối với du khách và nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do thiếu ý thức và chế tài xử phạt còn thiếu tính răn đe. Vì vậy, để “lấp đầy lỗ hổng văn hóa” này cần phải có những biện pháp mạnh. “Bằng cách xử lý nghiêm minh những hành vi không đúng mực, góp phần tạo ra môi trường xã hội đồng thuận, văn minh, và an toàn cho mọi người.

Việc khách tham quan không tuân thủ quy định bảo vệ hiện vật có thể được xem là sai phạm trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Vì vậy, cần nâng cao công tác quản lý, giám sát và tuyên truyền, phổ biến với khách tham quan. Các cơ quan quản lý văn hóa cần có những quy định rõ ràng và hỗ trợ bảo tàng, di tích trong việc bảo vệ hiện vật. Mỗi cá nhân cũng cần ý thức và tôn trọng các hiện vật, di tích lịch sử.

Để xây dựng môi trường hành xử văn minh nơi công cộng cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức xã hội, đặc biệt là giới trẻ như tổ chức Đoàn thanh niên, các tổ chức của học sinh, sinh viên… Tổ chức các chiến dịch truyền thông và giáo dục, các cuộc thi về văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng sẽ là một cách hữu hiệu để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Ứng xử văn minh nơi công cộng là tôn trọng người xung quanh và chấp hành luật lệ một cách tự giác. Hành xử văn minh nơi công cộng là một phần làm nên các giá trị văn hóa. Mỗi dân tộc có thể giàu nghèo khác nhau, nhưng văn hóa trong mỗi con người, trình độ văn minh của cả xã hội là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đó được xem là một trong những thước đo, là chỉ số quan trọng về văn hóa tinh thần của một đất nước. Do vậy, cùng với những quy định của pháp luật, mỗi người dân đều cần có trách nhiệm tạo dựng nên chỉ số ấy bằng chính những hành vi, ứng xử có văn hóa của mình ở chốn đông người./.

Mới nhất

x
Lấp lỗ hổng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO