Lập trường của ông Abe và số phận hai công dân Nhật?
(Baonghean) - Một sự kiện đang được thế giới quan tâm trong vài ngày qua là việc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công khai đòi chính phủ Nhật Bản phải trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD trong vòng 72 giờ nếu không sẽ giết hại 2 con tin người Nhật Bản vào ngày thứ ba 20/1. Như vậy, theo thời hạn đúng 5h50 phút (Giờ GMT) ngày thứ 6 sẽ hết hạn trả tiền chuộc. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe tuyên bố giữ lập trường cứng rắn, quyết không trả tiền chuộc cho IS. Đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh thái độ của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản.
(Baonghean) - Một sự kiện đang được thế giới quan tâm trong vài ngày qua là việc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công khai đòi chính phủ Nhật Bản phải trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD trong vòng 72 giờ nếu không sẽ giết hại 2 con tin người Nhật Bản vào ngày thứ ba 20/1. Như vậy, theo thời hạn đúng 5h50 phút (Giờ GMT) ngày thứ 6 sẽ hết hạn trả tiền chuộc. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe tuyên bố giữ lập trường cứng rắn, quyết không trả tiền chuộc cho IS. Đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh thái độ của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản.
Ngay sau khi rút ngắn chuyến công du Trung Ðông để trở về Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã tổ chức họp báo tại dinh thự riêng của ông vào hôm thứ Tư (21/1).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo. Ảnh: AP |
Ông Abe tiếp tục khẳng định quan điểm cứng rắn như ông đã nói trước đó: không bao giờ đầu hàng theo yêu cầu của khủng bố: “Tôi đã chỉ thị cho các thành viên chính phủ tìm mọi biện pháp để giải cứu 2 con tin, sử dụng mọi kênh ngoại giao, mọi ngả đường ngoại giao mà chúng tôi đã xây dựng được. Nhưng nước Nhật không bao giờ chiều theo yêu cầu của khủng bố”.
Từ trước đến nay, Nhật Bản chưa bao giờ trả tiền trong các tình huống bắt giữ con tin, và tất nhiên họ không có lý do gì để làm như thế trong vụ việc này. Nhật Bản đã ký một bản thỏa thuận với nhóm quốc gia G8 vào năm 2013, trong đó tuyên bố “Chúng ta phải thể hiện lập trường rõ ràng trong việc từ chối trả tiền chuộc cho lực lượng khủng bố, đồng thời chúng ta cũng phải kêu gọi các quốc gia khác nên thực thi chính sách này”. Nhiều người dân Nhật Bản khi được hỏi cũng đã thể hiện thái độ ủng hộ đối với quan điểm của Thủ tướng Shinzo Abe. Họ cho rằng cứu 2 con tin là quan trọng nhưng không thể nhân nhượng với những kẻ khủng bố.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo sợ cho tính mạng của 2 con tin khi liên hệ đến vụ bắt cóc nhà báo Mỹ James Foley xảy ra ở phía Bắc Syria vào tháng 11/2012, IS đã đòi 100 triệu euro (tương đương 132 triệu USD) tiền chuộc - ông Richard Byrne, người phát ngôn cho trang báo mạng Global Post nơi Foley làm việc, cho biết. Tuy nhiên, cả tờ Global Post lẫn gia đình Foley và chính phủ Mỹ đều không chịu trả khoản tiền chuộc đó. Kết quả cuối cùng là các tay súng cực đoan đã sát hại Foley và công bố video hành quyết trên mạng. Trong khi đó, nhiều tin đồn cho rằng việc 2 nhân viên cứu trợ người Italia bị bắt cóc tại Syria hơn 5 tháng trước vừa được trả tự do mới đây là nhờ khoản tiền chuộc 15 triệu USD mà Chính phủ Italia đã đàm phán với lực lượng Al-Queda. Và thực tế là Italia đã từng trả tiền chuộc cho các công dân nước này khi họ bị bắt làm con tin trước đây.
Vậy tại sao những nước giàu như Mỹ và Nhật Bản lại không chịu trích một phần nhỏ trong khối tài sản khổng lồ của quốc gia để cứu sống công dân nước họ?
Một lý do hoàn toàn chính đáng để giải thích cho hành động này là việc IS và Al Qaeda đều không phải là những nhóm khủng bố đáng tin cậy trên thế giới. Trả tiền chuộc không có nghĩa là người được thả. Và việc trả tiền có thể tạo ra các mối nguy hiểm khác, ví dụ sẽ khích lệ hành động bắt cóc đòi tiền chuộc của lực lượng khủng bố cũng như góp phần làm giàu thêm ngân sách của chúng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Cohen từng tranh luận vào năm 2012: “Các khoản tiền trả theo yêu cầu sẽ dẫn đến nhiều vụ bắt cóc hơn trong tương lai, và lại thêm nhiều đòi hỏi tiền chuộc, vòng quay tiếp tục được lặp đi lặp lại và đến lúc các khoản tiền chuộc sẽ tạo thành nguồn ngân sách chính giúp lực lượng khủng bố triển khai các cuộc tấn công”.
Trong khi Chính phủ Nhật đang tìm mọi cách để liên hệ với những kẻ bắt cóc, thì thời hạn trả tiền chuộc cho các con tin đang đến gần. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tính mạng của 2 con tin Nhật Bản đang bị đe dọa. Liệu IS có sát hại 2 con tin này như đã đe dọa? Việc IS công khai đòi số tiền chuộc và đưa ra thời hạn với chính phủ Nhật Bản ám chỉ IS đang đồng thời muốn củng cố ngân sách của chúng cũng như dằn mặt Nhật Bản vì động thái giúp đỡ liên minh trong cuộc chiến chống IS. Khoản tiền chuộc theo yêu cầu của IS cũng đúng bằng số tiền Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến công du Trung Đông vào ngày thứ Bảy đã cam kết viện trợ phi quân sự cho các nước đang chiến đấu chống lại IS.
Tuy nhiên, phía Nhật Bản cho rằng IS đang hiểu lầm Nhật Bản và số tiền 200 triệu USD sẽ tập trung vào việc giúp đỡ những người tị nạn di cư do cuộc xung đột ở Syria và Iraq.
Thư ký nội các Nhật Bản Suga hôm thứ Năm (22/1) đã nói: "Chúng tôi không muốn chống lại thế giới Hồi giáo, chúng tôi chỉ muốn giúp hơn 10 triệu người tị nạn trong khu vực này. Đây là hành động nhân đạo và hỗ trợ phi quân sự. Chúng tôi muốn IS hiểu được điều này và giải thoát các con tin ngay lập tức". Và Nhật Bản hy vọng những thông điệp này sẽ làm các tay súng IS không làm hại các con tin Nhật Bản như những con tin của các quốc gia trực tiếp dính líu đến những nỗ lực chống IS ở Syria và Iraq.
Tuy nhiên, theo ông Hisham Hashimi, chuyên gia an ninh của Iraq, thì các cuộc thương lượng với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo, là yếu tố quan trọng để bảo toàn mạng sống của 2 con tin người Nhật. Ông đề nghị Chính phủ Nhật Bản nên liên lạc với các cơ quan tình báo của Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ để nhờ các bộ tộc ở Iraq hòa giải, vì những bộ tộc này thân cận với Nhà nước Hồi giáo. Theo ông Hashimi, việc thương lượng với tổ chức Nhà nước Hồi giáo về tiền chuộc, dù dưới bất cứ hình thức nào, sẽ duy trì sự an toàn cho các con tin, và có thể Nhà nước Hồi giáo sẽ gia hạn thời gian trả tiền, mà trước đây qui định là 72 tiếng.
Dù sao thì thời hạn 72 giờ đang trôi qua, số phận của 2 con tin Nhật Bản như thế nào đang là một câu hỏi mà Chính phủ Nhật Bản cũng như bản thân ông Shinzo Abe không thể trả lời được bởi phía Nhật Bản cũng chưa nhận được liên hệ gì từ phía Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS sau tất cả những nỗ lực của mình.
Hương Giang (Đài tỉnh)