Lễ hội đền Đức Hoàng: Rộn niềm vui quê lúa

19/03/2015 15:24

(Baonghean) - Vào cuối tháng Giêng, khi hoa xoan tím ngát dọc đường làng và đồng lúa xanh sắp sửa bước vào thì con gái, người dân huyện lúa và cư dân quanh vùng lại nép dọn việc nhà để rủ nhau du xuân vui hội đền Hoàng.

Lễ rước tại Lễ hội đền Đức Hoàng.Ảnh: Hồ Các
Lễ rước tại Lễ hội đền Đức Hoàng. Ảnh: Hồ Các

Huyền thoại đền thiêng

Đền Hoàng (còn gọi là đền Đức Hoàng) ở xã Phúc Thành (Yên Thành) được xây dựng vào thế kỷ XVI là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, nghệ thuật, được các vị tiền nhân dựng đặt ở địa thế thủy lưu khí tụ, có dáng vẻ thâm nghiêm, linh thiêng và huyền bí. Đền tựa lưng vào khu rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ rậm rạp, hướng mặt ra đầm sen làng Diệu Ốc, còn gọi là đầm Thủy Ô – là một trong cảnh đẹp của vùng đất Đông Yên nhị huyện (Yên Thành và Diễn Châu ngày nay). Trong cuốn “Đông Thành phong thổ ký”, Giám sinh Ngô Trí Hợp xếp đầm sen làng Diệu là một trong “bát cẩm tú” của vùng. Vì thế, đầu Xuân trẩy hội đền Hoàng cũng là dịp để vãn cảnh một vùng non xanh nước biếc kỳ thú.

Theo hồ sơ xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đối với đền Hoàng năm 1997, thì đây là công trình văn hóa tâm linh để thờ phụng bậc thần linh đã có công “bảo quốc hộ dân”, trong đó nhân vật chính được phụng thờ là Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên và văn bia “Nam miếu tôn thần sự tích” của Cao Xuân Dục – Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, thì Hoàng Tá Thốn sinh năm 1254, quê làng Vạn Phần, nay thuộc xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Ông là một người có sức khỏe hơn người, có tài bơi lội dưới nước như đi lại trên cạn. Ông trở thành “Nội thư gia” của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, từng được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân Nguyên Mông, còn Hưng Đạo đại vương thì dùng giáp kích, lập công lớn trong việc giành chiến thắng trên sông Bạch Đằng vào năm 1288. Đất nước thanh bình, Hoàng Tá Thốn được giao trông coi 12 cửa biển, dẹp nhiều đạo giặc biển, ngăn chặn ngoại bang xâm lăng, vừa trông coi phát triển các nghề nông lâm ngư nghiệp để chăm lo đời sống cho cả ngư - tiều - canh - mục. Ông mất khi đi tuần thú trên biển, nhà vua cho thuyền rồng chở linh cữu về an táng, lập đền thờ và phong ông là “Sát Hải Chàng Lại đại tướng quân, thiên bồng nguyên soái chi thần”. Từ đó, nhân dân nhiều vùng lập đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn để ghi nhớ công lao giúp dân giúp nước của ông.

Sư thầy Thích Tuệ minh làm lễ cầu siêu
Sư thầy Thích Tuệ minh làm lễ cầu siêu

Theo một số công trình nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ do GS Nguyễn Đổng Chi và PGS Ninh Viết Giao chủ biên, và theo trí nhớ của một số bậc cao niên trong vùng, thì đền Hoàng còn gắn với sự tích “ông Cụt bàu Canh, ông Lành bàu Ác”. Đó là câu chuyện dân gian, được thực chứng bằng hệ thống đền thờ, địa danh trải dài trong mấy xã. Có hai vợ chồng hiếm muộn sinh sống ở bên đầm sen làng Diệu. Một hôm người vợ đi tắm dưới bàu sen về thì thấy có nhớt rồng ở trên người và từ đó có mang, sinh nở ra hai con rắn. Hai con rắn lớn nhanh và quấn quýt theo cha mẹ. Một lần đi làm đồng, chẳng may người cha bổ nhát cuốc trúng rắn con bị cụt đuôi, người cha liền quỳ xuống chắp tay và luôn miệng “phụ bái tử” (cha lạy con), nơi đó sau có gò “bái tử”. Con rắn cụt bỏ đi, đến bàu Canh (nay thuộc xã Đức Thành) thì bò lên núi và chết. Lặn lội đi tìm con, qua bàu Canh, người mẹ đến ngọn núi phía ngoài thì kiệt sức, nơi đó sau được gọi là Ngàn Nhà Bà, người bố vào sâu phía trong và chết ở phía trong núi, sau này gọi là Ngàn Nhà Ông. Nơi con rắn cụt đau đớn quẫy thành hồ nước và để rơi nhiều máu trước khi lên rừng, người dân lập đền thờ, có tên gọi Đền Canh, hay Đền Ông Cụt. Con rắn lành ở lại bàu Ác (bàu Sen, làng Diệu), mỏi mòn chờ đợi và nằm chết bên gò đất, nơi đó người dân lập đền thờ và gọi là đền ông Lành, là đền Hoàng ngày nay (?). Người xưa kể lại, ông Lành và ông Cụt đều hiển hóa thành những vị phúc thần, che chở và phù hộ độ trì cho nhân dân trong vùng.

Sự tích “ông Cụt bàu Canh, ông Lành bàu Ác” tô điểm thêm những nét linh thiêng, kỳ bí cho đền Hoàng, đồng thời phản ánh tại đây lưu truyền tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cho đến ngày nay: Tục thờ thần rắn. Điều kiện môi trường sinh sống của người Việt xa xưa gắn liền với rừng núi, sông nước, ao hồ, đầm phá, nương tựa và lệ thuộc rất lớn vào tự nhiên. Vì vậy, tục thờ thần rắn thỏa mãn được tâm lý cậy nhờ vào một thế lực siêu nhiên có sức mạnh vạn năng để giải quyết các mong muốn của cộng đồng, đồng thời giải tỏa những mối lo lắng và sợ hãi trước những hiện tượng tự nhiên nằm ngoài khả năng nhận thức và chế ngự của họ.

Đậm đà bản sắc

Lễ hội đền Đức Hoàng hàng năm là một trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ đạo trong vùng, với quy mô cấp huyện, là một sinh hoạt văn hóa mang tính hệ thống, tính phức hợp, bao gồm sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, các sinh hoạt diễn xướng dân gian, các cuộc thi tài, vui chơi... Thông qua việc tổ chức và duy trì hoạt động lễ hội để cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, sức sống của vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Thi chọi gàThi đẩy gậy nam
Thi kéo co
Đậm đà bản sắc dân tộc với các trò chơi dân gian truyền thống

Năm nay, với mục đích tổ chức lễ hội để giáo dục sâu đậm truyền thống yêu nước, làm sâu sắc thêm ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, ý thức vươn lên xây dựng và kiến thiết quê hương giàu mạnh, Lễ hội đền Đức Hoàng được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 19/3/2015 (tức 29/2 Ất Mùi) đến này 21/3/2015 (ngày 2/2 Ất Mùi), với các nội dung hướng đến tinh thần nhân văn và cao thượng. Phần lễ có 6 nội dung: Lễ Khai quang (15h ngày 18/3, 28 tháng Giêng ÂL); Lễ Yết cáo (từ 16h ngày 19/3, 29 tháng Giêng ÂL), Lễ Rước cờ, rước long ngai bài vị Đức Hoàng, kiệu ảnh Bác Hồ, bài vị các dòng họ du xuân quanh đầm sen làng Diệu Ốc (từ 7giờ 15, ngày 20/3, mùng 1/2 ÂL); Tân lễ (mít tinh, từ 8 giờ 30 ngày 20/3, 1 /2 ÂL); Lễ Đại tế (từ 10 giờ ngày 20/3, tức 1 /2 ÂL); Lễ tạ (từ 16 giờ ngày 21/3, tức 2/2 ÂL). Phần hội gồm nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc và nêu cao tinh thần thượng võ như: thi đấu vật, đẩy gậy, kéo co, thi đánh trống tế, đua thuyền... Các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc văn hóa của cùng đất và con người huyện lúa như: chọi gà, bắt lươn, bắt vịt, đu giải, bịt mắt nấu cơm, đi cầu kiều, thả đèn hoa đăng... Bên cạnh đó, lễ hội Đền Hoàng năm nay còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao khác như: thi bóng đá nam, chung kết giải bóng chuyền nữ huyện Yên Thành, giao lưu văn nghệ giữa các làng trong xã Phúc Thành, biểu diễn dân ca ví dặm do đoàn nghệ thuật tỉnh thực hiện, thi người đẹp đền Hoàng, thi cắm trại...

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Những năm gần đây, huyện nhà đã có nhiều biện pháp cụ thể trong việc chỉ đạo tổ chức lễ hội nói chung, Lễ hội đền Hoàng nói riêng để thực sự phát huy vai trò chủ thể lễ hội là cộng đồng nhân dân, đảm bảo cho người dân đến với lễ hội được hưởng thụ các giá trị sinh hoạt văn hóa, đồng thời ý thức rõ trách nhiệm chủ thể trong việc kế thừa, tiếp nối, sáng tạo và trao truyền các giá trị văn hóa. Trong Lễ hội đền Đức Hoàng năm 2015, UBND huyện đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để việc tổ chức lễ hội đảm bảo sự linh thiêng, trang nghiêm, các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích.

Ngô Kiên

Mới nhất
x
Lễ hội đền Đức Hoàng: Rộn niềm vui quê lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO