LHQ tổ chức kỷ niệm ngày Thế giới giảm nhẹ thiên tai
Ngày 13/10, Liên hợp quốc đã tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống - Thế giới giảm nhẹ thiên tai.
Thảm họa kép động đất gây sóng thần ở Nhật Bản hồi đầu năm ngoái.
(Ảnh: AP)
Nhân dịp này, Ban Thư ký Liên hợp quốc phối hợp với Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về thiên tai đã thông qua Bản báo cáo gửi các nước thành viên Liên hợp quốc, cảnh báo rằng trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có tới 200 triệu người là nạn nhân của các loại thảm họa thiên nhiên.
Riêng năm ngoái, số nạn nhân này đã lên tới mức kỷ lục, gấp nhiều lần mức trung bình của những năm qua và thiên tai đã gây thiệt hại về vật chất ước tính gần 370 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo báo cáo trên, số người bị thiệt mạng do thiên tai trong năm ngoái đã giảm được hơn 10 lần so với năm trước đó, khi riêng số người bị thiệt mạng do thiên tai ở Haiti đã lên tới hơn 220.000 người.
Các chuyên gia của hai cơ quan trên đã chỉ ra rằng trong những năm qua, thiên tai đã hoành hành tại khắp mọi nơi trên thế giới, song, nơi ít bị tàn phá hơn cả là châu Âu, trong khi châu Á và một số nước công nghiệp phát triển là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Thảm họa kép động đất gây sóng thần ở Nhật Bản hồi đầu năm ngoái đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người, gây tổng thiệt hại chừng 210 tỷ USD. Ở Mỹ, các vụ thiên tai trong năm ngoái cũng làm nước này mất đi hơn 40 tỷ USD, và những thiệt hại ở New Zealand hay Thái Lan cũng ở mức tương tự.
Bản báo cáo trên đặc biệt lưu ý tới những thảm họa thiên tai kinh hoàng tại châu Á trong những năm vừa qua, và coi đây là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ quá trình biến đổi khí hậu, tác động rất xấu tới đời sống con người, và số người bị chết do thiên tai ở đây luôn chiếm tới 75% tổng số người bị thiên tai cướp đi sinh mạng trên toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi không tính tới vụ thiên tai thảm khốc hồi năm ngoái ở Nhật Bản, thì châu Á vẫn đứng đầu danh sách các khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai, và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tệ hại hơn.
Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng mỗi quốc gia ở châu lục này cần phải có chương trình chiến lược quốc gia phòng chống thảm họa thiên nhiên, có các biện pháp tích cực, hiệu quả nhất và phối hợp cùng nhau trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả khôn lường do thiên tai gây ra.
Ngày Thế giới giảm nhẹ thiên tai được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua lần đầu tiên vào năm 1989 trong khuôn khổ Tuyên bố thập kỷ thế giới giảm nhẹ hậu quả thiên tai (1989-1999), và sau đó, ngày 13/10 hàng năm chính thức trở thành ngày kỷ niệm truyền thống của Liên hợp quốc về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai./.
Theo (TTXVN)-LH