Liên đoàn Lao động tỉnh lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Việc làm sửa đổi

Diệp Thanh 07/10/2022 18:13

(Baonghean.vn) - Xác định rõ Luật Việc làm là văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động, chiều 7/10, Liên đoàn Lao động tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm sửa đổi.

Tham dự sự kiện có đại diện các sở, ban ngành, cơ quan liên quan cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Diệp Thanh.

Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm và định hướng xây dựng đất nước trong từng thời kỳ, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Đây là văn bản luật đầu tiên quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động. Có thể nói, Luật Việc làm là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, hỗ trợ lao động tìm việc làm, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo một phần thu nhập thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp…

Nhận thức rõ ảnh hưởng của Luật Việc làm đối với người lao động, đội ngũ cán bộ công đoàn đã có nhiều trăn trở xoay quanh các thay đổi của luật. Ảnh: Diệp Thanh

Hội thảo ghi nhận 11 lượt ý kiến chất lượng từ các đại biểu. Ảnh: Diệp Thanh

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập, đòi hỏi sớm có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xuất phát từ 4 lý do: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm; Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm; Thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam, những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.

Ở lần sửa đổi này, Luật Việc làm sửa đổi được đặt mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Đồng chí Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh kết luận hội thảo. Ảnh: Diệp Thanh

Tham dự hội thảo, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với cách đặt vấn đề của dự thảo và đã có nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo theo từng lĩnh vực chuyên môn cùng các nhóm vấn đề quan tâm, gồm các nhóm vấn đề liên quan đến Bảo hiểm thất nghiệp, tuổi học nghề, chứng chỉ nghề quốc gia…

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý, đánh giá cao và cảm ơn tinh thần xây dựng của các đơn vị tham gia. Đồng chí khẳng định, những ý kiến góp ý từ thực tiễn sẽ góp phần đưa hơi thở cuộc sống vào luật, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người lao động.

Mới nhất

x
Liên đoàn Lao động tỉnh lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Việc làm sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO