Liệu Mỹ có 'thay lòng đổi dạ'?

20/02/2017 06:57

(Baonghean) - Hội nghị an ninh Munich vừa diễn ra tại Đức là cuộc tiếp xúc trực tiếp quan trọng giữa NATO, EU và đại diện chính quyền mới ở Mỹ. Song có vẻ như cuộc hội ngộ này chưa làm các đối tác của Mỹ thấy an lòng khi vẫn còn đó nỗi hoài nghi Mỹ “thay lòng đổi dạ” bất cứ khi nào.

Những hoài nghi

Hội nghị An ninh Munich diễn ra hàng năm, là nơi lãnh đạo các nước trên thế giới thảo luận về các vấn đề nóng ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh thế giới. Song tâm điểm sự chú ý của Hội nghị năm nay có lẽ không phải các vấn đề an ninh, chính trị toàn cầu mà là những tuyên bố của giới chức Mỹ.

Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các nước trong khối NATO và EU “lo ngay ngáy” vì những tuyên bố “như đùa” nhưng dễ thành sự thật, kiểu như “NATO đã lỗi thời”, “đồng minh phải gánh thêm trách nhiệm tài chính” hay “ủng hộ Brexit”…

Chính vì thế, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là nhân vật được trông đợi nhiều nhất với bài phát biểu được cho là thể hiện quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ đối với các đồng minh trong NATO và EU. Ngay đầu bài phát biểu, ông Pence đã khiến các đối tác lâu năm của Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi khẳng định “chính sách ngoại giao của Mỹ cơ bản không thay đổi” và sẽ tiếp tục mối liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại hội nghị an ninh ở Munich (Đức). Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại hội nghị an ninh ở Munich (Đức). Ảnh: AP

Thế nhưng, ngay sau đó, ông Pence không quên cảnh báo các đồng minh rằng họ phải đóng góp phần ngân sách thỏa đáng để hỗ trợ NATO, đồng thời bóng gió rằng nhiều nước đang thiếu “một đường lối rõ ràng và đáng tin cậy” để thực hiện việc này.

Điều đó có nghĩa những lời nói trước đây của ông Donald Trump không phải nói chơi. Nước Mỹ dưới thời ông Trump nhất quyết muốn các đồng minh phải gánh thêm trách nhiệm và chi phí, hoàn toàn không có chuyện Mỹ đứng ra “bảo hộ” an ninh cho các đồng minh như đã từng trong suốt 7 thập kỷ qua. Mỹ hiện tại là thành viên mạnh nhất của NATO. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ nhiều hơn chi tiêu của tất cả các nước thành viên khác cộng lại. Năm ngoái, Mỹ đóng góp 3,61% GDP cho ngân sách quốc phòng trong khi Đức chỉ đóng góp 1,19% GDP.

Liên quan đến mối quan hệ với Nga – một trong những chủ đề mà EU và NATO quan tâm nhất - ông Pence thẳng thừng chỉ trích và yêu cầu Nga phải chịu trách nhiệm về vấn đề Ukraine. Nhưng điều này không khiến các nước đồng minh của Mỹ cảm thấy dễ chịu và hài lòng. Sau bài phát biểu của ông Pence, cựu Phó tổng thư ký NATO, Alexander Vershbow đưa ra nhận định đầy hoài nghi: “Rất nhiều người trong khán phòng này vẫn đang hỏi liệu đó có phải là chính sách thật hay không”.

Mối nghi ngại này không phải vô căn cứ khi Mỹ một mặt cố tỏ ra trấn an các đồng minh nhưng thực tế không ai có thể đoán biết chính sách thực sự của Washington là gì. Riêng trong chuyện ứng xử với Nga, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump không ngừng nỗ lực tìm kiếm “tiếng nói chung” với Moskva. Vậy nên các đồng minh của Mỹ bên kia Đại Tây Dương đến giờ vẫn hoang mang không hiểu Mỹ có thể cứng rắn với Nga đến mức nào.

Có thể thấy, trọng trách “trấn an” các đồng minh của phó tướng Pence có vẻ như chưa thành công trong chuyến đến châu Âu dự Hội nghị an ninh lần này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ra “tối hậu thư” cho NATO tại cuộc họp ở Brussels.Ảnh: Isopix
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ra “tối hậu thư” cho NATO tại cuộc họp ở Brussels. Ảnh: Isopix

Liệu Mỹ có thay đổi?

Khó ai dự đoán chính xác những đường hướng chính sách an ninh và đối ngoại của chính quyền Mỹ hiện nay bởi theo lời Thượng nghị sĩ John McCain thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang trong “tình trạng lộn xộn”. Thế nhưng xâu chuỗi những hoạt động đối ngoại gần đây của giới chức Mỹ, người ta có thể cảm nhận được rằng Mỹ sẽ thay đổi nhiều chính sách quan trọng.

Sau khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã công du Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như hội kiến với những người đồng cấp trong NATO, Ngoại trưởng Rex Tillerson thì tham dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 tại Bonn (Đức) và phó Tổng thống Pence thì dự Hội nghị an ninh ở Munich. Ở mỗi sự kiện, các quan chức đều tuyên bố và thể hiện ý tưởng chính sách từ phía chính quyền mới ở Mỹ.

Trong đó, các quan chức Mỹ không quên nhắc lại cam kết “sát cánh” cùng các đồng minh. Nhưng, tất nhiên, đi kèm với đó là một điều kiện ràng buộc, đó là các nước phải góp thêm tiền nếu muốn được Mỹ “bảo vệ”. Thậm chí trong cuộc họp với giới chức NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã đưa ra tối hậu thư rằng “các nước thành viên NATO từ giờ đến cuối năm phải tăng chi tiêu quốc phòng nếu không muốn đối diện với nguy cơ Mỹ giảm sự hậu thuẫn về an ninh cho họ”. Đây được xem là một lời đe dọa sắc lạnh của Mỹ trong bối cảnh NATO ngày càng lo lắng và bất an về triển vọng mối quan hệ Nga-Mỹ.

Còn với EU, giới quan sát cũng cho rằng, cặp quan hệ Mỹ - EU dưới thời Tổng thống Trump sẽ lỏng lẻo hơn trước. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump và cộng sự rất ít khi dành những tuyên bố hay quan điểm nói về Liên minh châu Âu ngoại trừ những lần ông chủ Nhà Trắng thể hiện sự ủng hộ Brexit. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault đã bày tỏ sự thất vọng vì bài phát biểu của ông Pence tại hội nghị ở Munich vừa qua không hề đề cập đến EU trong khi lâu nay Mỹ là đối tác của EU trong hầu hết các chính sách đối ngoại, đồng thời là người cổ vũ cho sự thống nhất của châu Âu trong hơn 60 năm qua.

Tất cả cho thấy, Mỹ sẽ không thể “bỏ rơi” các đồng minh trong NATO và EU – những quốc gia đã đóng góp không nhỏ trong việc duy trì lợi ích cho nước Mỹ cả trước đây và sau này - nhưng sự hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh sẽ theo một cách thức và mức độ khác. Nói một cách đơn giản, Mỹ đã sẵn sàng cho những thay đổi!

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Liệu Mỹ có 'thay lòng đổi dạ'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO