Lính Nghệ ở Trường Sa

21/02/2013 17:01

(Baonghean) - Một tháng trời ở Trường Sa, chúng tôi đã gặp rất nhiều người lính quê hương Xứ Nghệ và ở quần đảo bão tố này, các anh sáng ngời tính cách Nghệ thân thương.

Người Nghệ vẫn thường nhận ra nhau rất nhanh bằng giọng nói quê hương – Giữa Quần đảo Trường Sa, những người Nghệ bắt sóng tìm thấy nhau bằng cái tiếng nói rất nặng, âm sắc rất đỗi thân thương. Lính Nghệ vốn kiệm lời cũng như ít thổ lộ về nỗi vất vả riêng của bản thân và gia đình mình mà vẫn thường tự tìm cách khắc phục vượt qua, Trung úy Thái Viết Nhị ở Đảo Nam Yết là một người như vậy.



Một góc Đảo Nam Yết


Qua nhiều lần tâm tình, Nhị mới mở lòng về những chuyện riêng: Thái Viết Nhị sinh năm 1980, 19 tuổi anh nhập ngũ và trở thành lính Hải Quân. Từ năm 2000 đến nay, anh liên tục trực tiếp công tác tại Huyện đảo Trường Sa, cụ thể tại 05 đảo là Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết. Nhiều năm nay Nhị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là chiến sỹ thi đua, hạt nhân trong các phong trào của đơn vị.Nỗi lo lắng của NHị là bố mẹ đều già yếu (bố anh năm nay 78 tuổi, mắt đã không nhìn rõ; mẹ anh 64 tuổi lại mắc bệnh thần kinh tọa). Nhị là con thứ hai trong nhà. Bố mẹ Nhị hiện vẫn vừa làm nông ở xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, vừa giữ 3 đứa cháu từ 1 đến 5 tuổi (trong đó 2 con của Nhị và 1 con của vợ chồng em trai hiện đang đi làm công nhận tận Đồng Nai). Vợ anh là cô giáo Võ Thị Hoa là giáo viên cấp 1 hợp đồng của huyện, dạy tại trường tiểu học xã Nghị Văn – một xã miền núi của huyện Nghi Lộc, sáng đi chiều về chị Hoa phải vượt quãng đường 50km từ Nghi Vạn đến Nghị Văn, hết giờ dạy lại tất tả về lo chuyện ăn uống, chăm sóc cho bố mẹ chồng và 03 đứa trẻ. Trung úy Thái Viết Nhị kể: Vợ anh đi dạy từ 2003 đến nay, theo sự phân công đã chuyển từ xã Nghi Mỹ, Nghi Long, Nghi Công Bắc lại đến xã Nghi Văn, nơi công tác lại càng xa nhà hơn. Vợ chồng anh đã nhiều lần viết đơn đề đạt nguyện vọng xin chuyển công tác về trường gần hơn lên huyện, xã và được trả lời việc thuyên chuyển sẽ được thực hiện theo đợt. Nhưng trong đợt thuyên chuyển mới đây nhất ở trường tiểu học Nghi Văn, cô giáo Hoa chưa được xem xét.




Trung úy Thái Viết Nhị (quê xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc) ở Đảo Nam Yết tâm sự với PV Báo Nghệ An.


Nơi đảo xa, nghe những chia sẻ của Nhị bất chợt lại nhớ về những vần thơ trong Trường ca Đất Nước “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình / Phải biết gắn bó san sẻ / Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở /Làm nên Đất Nước muôn đời”...

Chuyện nhà khép lại, công tác tổ chức những buổi giao lưu thể thao giữa lính đảo và đoàn công tác, cũng như chương trình văn nghệ chào mừng Đảng mừng Xuân mà chỉ huy đảo Nam Yết giao cho, Nhị đều đạo diễn, thực hiện xuất sắc, tạo nên không khí thân tình, vui vẻ, sáng một niềm tin yêu vào tương lai.

Ở Trường Sa, chúng tôi đã gặp những người lính Nghệ đón xuân xa nhà; đã nghe những lời tâm sựvà gặp những khoảng lặng khó nói thành lời; đã thấy những người lính non nước Hồng Lam luôn vững vàng ý chí, chắc tay súng bảo vệ quê hương. Với Thượng úy Phan Tiến Dũng, công tác tại Đảo Sơn ca, nhà ở Thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương đây đã là năm thứ 3 anh đón Tết đón Xuân xa nhà. Vượt lên nỗi buồn, Dũng cho biết được đón xuân trên đảo là niềm tự hào không chỉ đối với riêng anh mà cả gia đình, họ hàng. Tết, ai chẳng muốn gần người thân, nhưng ở đây tinh thần vì đảo, vì nhiệm vụ là trên hết, anh đã khẳng định như vậy. Nói về năm mới, Dũng chia sẻ: “ Em chỉ có một điều mong ước lớn nhất, về nhà chở vợ đi sắm một cành đào ở chợ, thế thôi...”. Ước vọng của người lính chỉ đơn giản vậy…Còn Đại úy Trần Kim Cương, công tác tại Đảo chìm Đá Thị, nhà ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc thì vào thời điểm khi cả đất nước đón mừng năm mới, hình ảnh gia đình sum vầy, những đứa con trong chiếc áo mới lại thoắt hiện lên trong tâm trí. Tuy nhiên đối với anh, nhiệm vụ hàng đầu là mệnh lệnh của cấp trên giao phó. Và giao thừa năm nay, anh lại cùng đón tết cùng đơn vị, nhường suất về tết cho các chiến sĩ ở xa. Anh Cương có đôi lời gửi tới người thân của mình “Lời động viên an ủi với vợ con giờ cũng khó nói hết bằng lời. Tôi chỉ có 1 điều nhắn nhủ với vợ con: trong mọi điều kiện hoàn cảnh, dù có vất vả đến đâu thì lúc nào anh cũng nhớ đến vợ, đến con. Ở đây anh vẫn luôn luôn khoẻ, hết nhiệm vụ anh sẽ về chăm sóc gia đình”.




Đại úy Lê Ngọc Phương – Chỉ huy trưởng đảo Đá lớn (quê xã Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang trả lời PV Báo Nghệ An.

Những sợi nhớ, sợi thương dệt nên niềm tin quyết thắng để người lính đảo sẵn sàng dâng hiến tuổi đời thanh xuân, xương máu của mình cho sự trường tồn của đảo Trường Sa. Thiếu uý Nguyễn Tuấn Anh, công tác tại đảo Sơn Ca, nhà ở Khối 2, phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh đã nói với chúng tôi như tự nói với mình. Đối với người lính, việc hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu và công tác tốt cũng là cách báo hiếu với cha mẹ…Tại đảo chìm Đá Lớn, chúng tôi đã được Thiếu úy Đặng Quang Chiên, quê ở xã Thái Sơn chiêu đãi “đồng hương” hải sản ốc nhảy và cá mú nấu đánh bắt, Chiên cười giòn tan trên sóng: “Dễ lắm, bắt cá nơi biển Đông, đảo Trường Sa là đánh bắt trong ao nhà của mình mà”. Câu nói giản đơn sao dâng lên niềm cảm xúc yêu thương tổ quốc vô bờ vô bờ đến thế. Cho dù gian lao, dù bao khó khăn, thách thức họ vẫn lạc quan yêu đời, nụ cười luôn thường trực trên môi. Trên từng khuôn mặt xạm đen vì nắng gió của người lính Nghệ lại ánh lên niềm hạnh phúc phải đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên…




Chiến sỹ Nguyễn Hữu Hùng
(quê P. Lê Lợi, TP Vinh) trình bày bài hát “Nơi đảo xa” trong đêm văn nghệ mừng xuân ở đảo Song Tử Tây.

Trên Đảo Song Tử Tây, trong đêm văn nghệ chia tay những người lính về đất liền chúng tôi đã gặp chiến sỹ Nguyễn Hữu Hùng, 20 tuổi, nhà ở phường Lê Lợi, Thành phố Vinh. Vẫn còn nhớ, bài hát “Nơi đảo xa” do “cây đinh văn nghệ” của đảo Nguyễn Hữu Hùng trình bày được tất cả cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo hoan nghênh nồng nhiệt và nắm tay nhau cùng hát theo. Lui xuống sân khấu, nơi góc đèn sáng, đã thấy Hùng lấy sách ra ngấu nghiến đọc. Hùng cho hay: Ngày mai em cũng được xuống tàu và ra quân, hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự bây giờ em sẽ học ôn thi đại học năm nay…Nơi đảo xa này, các chiến sỹ thương yêu nhau như anh em ruột thị và cộng đồng lính Nghệ lại càng gắn kết với nhau hơn. Mỗi khi có dịp được nghỉ, họ lại quần tụ với nhau, chuyện trò, chia sẻ chén trà, miếng kẹo cu đơ từ quê nhà mang theo. Thương nhau, chẳng dấu một điều chi; một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ, một chiến sỹ có tâm sự đó là việc chung của cả tập thể.




Thiếu úy Đặng Quang Chiên (quê ở xã Thái Sơn, Đô Lương) túc trực trên xuồng CQ tuần tra biển ở đảo Đá Lớn C.

Không có một ước tính cụ thể nào nhưng ở mỗi đảo chúng tôi đến thì số lính Nghệ thường chiếm khoảng 1/3 quân số trên đảo. Trung tá Hồ Đình Mai, quê ở An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, hiện là trưởng ban kỹ thuật Đảo Sơn Ca cho hay: “thương nhau chi củ sắn lùi”, trong gian khó người lính luôn tìm đến nhau để có thêm sức mạnh để tiếp tục chiến thắng khó khăn, hiểm nguy. Cộng đồng lính Nghệ ở Trường Sa gắn kết với nhau theo tinh thần đó chứ không hề có khái niệm địa phương…

Đến với Trường Sa, mỗi một chiến sỹ quê hương Bác Hồ đều có ý chí nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân, thực hiện nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của Tổ quốc giao phó. Trong trận hải chiến năm 1988 bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có hơn 10 người lính Nghệ. Họ ra đi khi tuổi đời mới chỉ 18, đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người…



Phóng viên Báo Nghệ An bên mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Hà (quê xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu) trên đảo Nam Yết.


Tại đảo Nam Yết, chúng tôi đã tìm đến thắp hương, tưởng nhớ tại nghĩa trang của Đảo – nơi yên nghỉ của 04 chiến sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trong những năm gần đây, trong đó có 01 chiến sỹ người Nghệ là Liệt sỹ Nguyễn Văn Hà, quê xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu. Nước mắt lặng lẽ rơi nhưng không có tiếng nức nở;




Chiến sỹ Nguyễn Thế Cường (quê ở Thanh Chương) làm nhiệm vụ trực tuần tra bảo vệ đảo.

Với người lính Trường Sa hôm nay, nỗi đau như được nén chặt như sắt đá trong tim, để sẵn sàng tiếp bước đồng đội lấy máu mình bảo vệ Tổ quốc. Biển Đông trào dâng con sóng nghị lực và sức trẻ người lính? Ở nơi này, chúng tôi đã thấy những sự hy sinh của những người lính đã dũng cảm hi sinh vì sự toàn vẹn của Tổ quốc.


Bài: Thành Chung - Ảnh: Minh Thông

Mới nhất
x
Lính Nghệ ở Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO