Lỗ hổng trong quản lý "xe biển xanh"
(Baonghean) - Hiện nay, có nhiều xe biển xanh (vốn thuộc cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước, hoặc các tổ chức chính trị) đang lưu thông trên đường nhưng lại hoàn toàn thuộc sở hữu của cá nhân.
Một chiều cuối tháng 9, tại ngã tư đường Lê Hồng Phong - Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh), khi đèn tín hiệu giao thông chuyển từ màu vàng sang màu đỏ, tất cả các phương tiện đều dừng lại trước vạch đi bộ. Bất chợt từ phía sau, một chiếc xe du lịch loại 4 chỗ, mang biển kiểm soát màu xanh vượt lên, bấm còi lao thẳng qua. Những người tham gia giao thông từ hướng khác phải dừng lại, nhường đường cho chiếc xe biển xanh này. Ai cũng lắc đầu, có người nói: “Xe nhà nước mà..”.
Chưa hết, không ít lần tôi bắt gặp tại các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn Thành phố Vinh, có một số xe mang biển số xanh đậu phía trước. Nhiều người bất bình: “Xe biển xanh” của Nhà nước, sao lại phục vụ việc ăn nhậu?”. Nhưng thật sự những chiếc “xe biển xanh” nói trên có còn thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước như quy định hay không, lại là vấn đề khác.
Theo điều tra của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đã có 115 xe biển xanh đã được bán ra ngoài, do các cá nhân sở hữu nhưng chưa làm thủ tục sang tên, đổi biển theo đúng quy định của Nhà nước. Những chiếc xe này khi lưu thông trên đường, vẫn nghiễm nhiên được coi là xe của “cơ quan nhà nước”.
Nhiều người thắc mắc, bởi quy định về đối tượng xe được cấp “biển số xanh” rất rõ ràng, quy trình thanh lý bán xe của Nhà nước cũng rất chặt chẽ. Tại sao cá nhân lại thích đi “xe biển xanh”? Sao họ có thể dễ dàng được sở hữu? Lý do là đâu đó vẫn có sự khác biệt giữa xe biển xanh và biển trắng khi tham gia giao thông. Còn trách nhiệm để cho những chiếc xe cá nhân, nhưng mang biển số xanh trước hết là vì khi bán, thanh lý xe, một số cơ quan, đơn vị đã không cương quyết, buộc bên mua phải thực hiện việc sang tên, thu hồi biển số theo đúng quy định.
Không chỉ cá nhân mà hiện có không ít doanh nghiệp, công ty cổ phần cũng sở hữu xe biển xanh không đúng quy định. Nguyên nhân do trước đây khi các đơn vị đang trực thuộc Nhà nước, họ được hưởng quy chế xe biển số xanh. Sau khi cổ phần hóa, các đơn vị này không còn nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước nữa, xe ô tô thuộc tài sản đã cổ phần, nhưng lại không làm thủ tục chuyển đổi đăng ký.
Ai cũng hiểu xe biển số xanh là của Nhà nước, chỉ dành phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội ở các UBND, sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị được Nhà nước công nhận. Thế nhưng, vì bỏ ngõ quản lý xe biển số xanh, nhiều bất cập xảy ra. Thực tế trên địa bàn cả nước đã có rất nhiều vụ lợi dụng dùng xe biển số xanh để vận chuyển hàng cấm như thuốc lá, gỗ lậu, hay động vật hoang dã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Và có lẽ không ai dám chắc việc sử dụng xe biển số xanh để vận chuyển hàng cấm hoàn toàn không xảy ra ở Nghệ An.
Rõ ràng vấn đề “xe biển xanh” đang lưu hành, nhưng đã thuộc quyền sở hữu tư nhân, không đơn thuần dừng lại ở câu chuyện quản lý nhà nước nữa, mà còn rất nhiều điều cần bàn đến. Ví dụ khi “xe biển xanh” vi phạm pháp luật, hoặc những chiếc xe này thường xuyên đậu ở những nơi nhạy cảm, thì người dân sẽ nghĩ như thế nào?
Câu chuyện lỗ hổng quản lý xe biển số xanh không phải mới xảy ra, mà nó đã tồn tại một thời gian rất dài. Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Nghệ An đã gửi công văn đến các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp trong tỉnh, đề nghị cung cấp tình trạng sở hữu của xe mang biển số xanh nhưng chỉ có 86 công văn hồi âm, trả lời về tình trạng sở hữu của 331 xe. Còn rất nhiều các sở ban, ngành, đơn vị khác dù đã nhận được công văn của Phòng cảnh sát giao thông, vẫn im lặng không trả lời?
Thế Sơn